Lại chuyện làm không như nói
“Tuyên ngôn” của việc sửa đổi Nghị định số 38/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra là “không phát sinh thủ tục hành chính mới, đơn giản hóa, minh bạch hóa hồ sơ, biểu mẫu để thuận lợi trong quá trình triển khai thực thi các thủ tục hành chính”.
Trong vai đại diện doanh nghiệp góp ý vào Dự thảo sửa đổi Nghị định số 38/2016/NĐ-CP, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ không có gì để nói nếu các điều khoản tuân thủ đúng như vậy. “Tuy nhiên, một số quy định sửa đổi, bổ sung về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh dường như chưa thực sự thể hiện được quan điểm trên”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) đã viết trong công văn trả lời Bộ Tài nguyên và Môi trường khi góp ý Dự thảo trên.
Lý do nằm ở các điều kiện bổ sung cho hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, hồ sơ để gia hạn các loại giấy phép này, các yêu cầu doanh nghiệp tăng số lần phải báo cáo...
Đặc biệt, doanh nghiệp trong ngành này đang lo ngại khả năng bị thu hẹp hoạt động. Cụ thể, Dự thảo bổ sung “nội dung hoạt động dự báo, cảnh báo” trong giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Câu hỏi là, khi quy định này nằm trong “phạm vi hoạt động dự báo, cảnh báo”, có phải doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động một và/hoặc một số nội dung.
“Nếu được hiểu theo nghĩa này, thì việc bổ sung “nội dung hoạt động dự báo, cảnh báo” trong giấy phép đã thu hẹp hoạt động của doanh nghiệp so với quy định hiện hành. Mặt khác, trong điều kiện cấp phép không phân chia điều kiện dựa vào “nội dung hoạt động dự báo, cảnh báo”, chỉ quy định chung điều kiện để hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Bổ sung nội dung này dường như chưa tương ứng nội dung điều kiện cấp phép”, ông Tuấn nói.
Trong hồ sơ cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, Dự thảo đưa thêm điều kiện về nhân sự, theo hướng có kinh nghiệm phù hợp với nội dung dự báo, cảnh báo được đề nghị cấp giấy phép, thay vì chỉ yêu cầu kinh nghiệm trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn hiện hành.
“Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ, cân nhắc bãi bỏ các quy định không đủ minh bạch, gây gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp”, VCCI nêu quan điểm.
Siết cơ chế giám sát ban hành điều kiện kinh doanh
Thực tế, sự không thống nhất giữa quan điểm được đưa ra và các nội dung cụ thể liên quan đến điều kiện kinh doanh trong các văn bản như Bộ Tài nguyên và Môi trường không hiếm. Trong nhiều công văn góp ý mà VCCI gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước có đề cập điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, những đề nghị kiểu như “nếu không giải trình rõ thì đề nghị bãi bỏ” chiếm đa số.
Việc cài cắm giấy phép con vẫn diễn ra. Điều này có nghĩa là cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh.
- Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM
Nhưng đáng ra, với các nguyên tắc, nội dung, cơ chế ban hành điều kiện kinh doanh đang được Luật Đầu tư năm 2014 đề cập, cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có cơ sở để sàng lọc những điều kiện thiếu chuẩn ngay trong các bản dự thảo. Vì ngay tại Điều 7, Luật Đầu tư, điều kiện kinh doanh được yêu cầu là phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.
Thực tế không như vậy. Đây là điều khiến Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư đề xuất cơ chế mới. Cụ thể, Dự thảo đã bổ sung các quy định về hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục...
Trong cơ chế này, các bộ, ngành phải lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh khi thẩm định, phê duyệt đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Trong cơ chế giám sát này, mối quan tâm cao nhất phải là việc các bộ, ngành thực hiện đánh giá tác động các đề xuất thế nào theo cả hai phía, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.
Phải nói rõ, theo Dự thảo, điều kiện đầu tư kinh doanh đã được quy định rất rõ các hình thức và các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản...