Thiết lập cơ chế một cửa giải quyết thủ tục đầu tư

Thiết lập cơ chế một cửa giải quyết thủ tục đầu tư

Cơ chế một cửa trong tiếp nhận và giải quyết tập trung các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng trong Luật Đầu tư sửa đổi có thể là cách hữu hiệu để đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động này.

Bên cạnh đề xuất thu hẹp đáng kể diện dự án phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, việc Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi (đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương) thiết lập cơ chế một cửa trong tiếp nhận và giải quyết tập trung các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng thông qua cơ quan đăng ký kinh doanh chắc chắn sẽ khiến giới đầu tư cảm thấy phấn khích.

Bởi lẽ, đây chính là 2 trong số 13 nội dung các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia pháp luật đã cùng kiến nghị sửa đổi, làm rõ khi rà soát thực hiện Luật Đầu tư vào năm 2011. Những thay đổi theo đề xuất mới sẽ tháo gỡ hàng loạt rào cản mà nhà đầu tư thường gặp phải khi triển khai dự án đầu tư, nhất là thời gian thực hiện kéo dài, phải đi lại nhiều cơ quan hoặc nhiều lần đến một cơ quan…

Đặc biệt, theo ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đề xuất này cũng sẽ khiến cơ chế một cửa mà một số địa phương đang thực hiện thực chất hơn. “Cơ chế một cửa hiện tại chủ yếu ở khâu tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính. Còn nhà đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau của UBND cấp tỉnh để được giải quyết các thủ tục hành chính theo các quy định của luật khác nhau”, ông Hùng phân tích. Lý do của tình  trạng này là các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản luật liên quan, dẫn đến sự chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt, trong khi lại thiếu sự kế thừa, công nhận kết quả của nhau.

Theo Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, nhà đầu tư chỉ có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ dự án đầu tư theo quy định. Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tập trung các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng. “Có nghĩa là, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm tổ chức xem xét, lất ý kiến các cơ quan chuyên môn về các nội dung thẩm tra, mà không yêu cầu nhà đầu tư phải đến từng cơ quan”, ông Hùng cho biết.

Ngoài ra, Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm theo hướng, yêu cầu tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đơn giản trong trường hợp này. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không thẩm tra, xem xét lại những nội dung đã được thẩm tra, xem xét trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

Tuy vậy, câu hỏi về tính khả thi của những đề xuất mang tính cải cách này không dễ trả lời. Vì cho tới thời điểm này, Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường đối với dự án đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa hoàn tất, do đề nghị tạm dừng của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lý do được bộ này đưa ra là quy trình giải quyết thủ tục hành chính về môi trường đối với dự án đầu tư đã được thể hiện rõ ràng, chi tiết tại Nghị định 29/2011/NĐ-CP và Thông tư 26/2011/TT-BTNMT và những thay đổi theo Dự thảo Thông tư liên tịch không phù hợp với quy định hiện hành.

Cũng phải làm rõ, sự ra đời của Dự thảo thông tư này là theo Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 19/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ triển khai trong 3 năm 2013 - 2015 nhằm thực hiện Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế... 

Liên quan đến thủ tục triển khai dự án đầu tư, một số quy định mới cũng được đề xuất như quy định về giám định lại chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị nhập khẩu của dự án đầu tư trong trường hợp cần thiết để đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị hoặc xác định căn cứ tính thuế. Mục tiêu là nhằm góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá của một số doanh nghiệp… Theo quy định hiện hành, các nội dung này được quy định thuộc phần tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư.

Trong Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, khái niệm và tên gọi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với nội hàm ghi nhận việc nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư đang được đề nghị thay thế cho tên gọi Giấy chứng nhận đầu tư, tránh tình trạng bị hiểu nhầm là văn bản Nhà nước xác nhận việc nhà đầu tư đã thực hiện dự án.

Tin bài liên quan