Phụ nữ Việt Nam hưởng ứng chiến dịch “Rung chuông vì bình đẳng giới”

Phụ nữ Việt Nam hưởng ứng chiến dịch “Rung chuông vì bình đẳng giới”

Thiết kế 'phiên bản thành công hơn' cho phụ nữ

0:00 / 0:00
0:00
Nhờ yêu thương và thấu hiểu, nhiều phụ nữ đã và đang hoàn thiện bản thân để trở thành phiên bản đẹp hơn, thành công hơn.

1. Phụ nữ chiếm 49,7% dân số thế giới (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2023). Bởi vậy, khi bạn đầu tư vào phụ nữ, thay đổi sẽ diễn ra. Khi phụ nữ đầu tư vào chính mình, thay đổi bền vững sẽ diễn ra. Khi phụ nữ phát triển, thì gia đình sẽ tiến bộ, cộng đồng phát đạt, và đất nước có được nền tảng vững chắc để duy trì hòa bình và vươn tới thịnh vượng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần có khát vọng bay cao, khát vọng chinh phục, khát vọng tạo ra giá trị, từ đó hấp dẫn vũ trụ của riêng mình.

Tại Quỹ Genesia Ventures Việt Nam, bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Quỹ là phụ nữ duy nhất. Tuy nhiên, điều đó không làm bà bận tâm và không cần mọi người phải làm nổi bật lăng kính về giới. Bà tin rằng, trong nghề đầu tư mạo hiểm, nữ hay nam không quan trọng bằng việc có tầm nhìn, mục tiêu, kỷ luật và chăm chỉ lăn xả “chạy bền”.

Khi quyết định theo đuổi và gắn bó với nghề này, bà Dung chỉ có một mục tiêu nhất quán là đầu tư và đồng hành hỗ trợ được càng nhiều nhà sáng lập thành công tại Việt Nam càng tốt. Thành công trong khởi nghiệp nằm ở việc xây dựng start-up có tiềm năng tăng trưởng cao, có khả năng mở rộng quy mô, tập trung vào tăng trưởng liên tục và bền vững, tạo ra tác động lớn và tích cực trong thị trường, có thể đem đến cơ hội thoái vốn mang lại lợi nhuận cho tất cả cổ đông.

Khi giữ được tinh thần lạc quan, ý chí bền bỉ, có kiến thức chuyên môn và kỹ năng sống, phụ nữ sẽ có thêm cơ hội để tăng thu nhập, đầu tư hiệu quả, chi tiêu hợp lý hơn. Muốn chủ động kiếm nhiều tiền hơn, phụ nữ phải đầu tư vào bản thân và những mối quan hệ chất lượng.

“Nếu Việt Nam không có nhiều người thành công với khởi nghiệp, là tấm gương thành công thực sự, thì sẽ không có nhiều người tin vào khởi nghiệp, sẽ không có ai dám dấn thân vào khởi nghiệp, để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ đổi mới, để tạo nhiều việc làm trong xã hội. Tôi tin rằng, tinh thần khởi nghiệp này chính là động lực quan trọng cho phát triển đất nước”, bà Dung chia sẻ.

Đường đến thành công thực sự với khởi nghiệp là những gian nan chồng chất gian nan đối với các nhà sáng lập. Bà Dung muốn mình luôn là người ủng hộ, hỗ trợ các nhà khởi nghiệp thành công thông qua việc kết nối tất cả những nguồn lực có thể, từ tài chính, nhân lực, thông tin, kiến thức, đối tác tiềm năng hợp tác kinh doanh… theo đúng tinh thần “Chiến đấu liên tục”- đã trở thành câu cửa miệng của bà khi muốn cổ vũ các nhà sáng lập start-up cho đến nay.

2. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thường gắn với sự đảm đang, đức hy sinh, hoạt động chăm sóc gia đình và không chú trọng vào việc đầu tư tài chính. Tuy nhiên, trong một xã hội hiện đại, quan niệm này dần thay đổi khi hạnh phúc của phụ nữ không chỉ đến từ việc chăm lo cho gia đình, mà còn từ sự tự chủ, tự tin và độc lập về mặt tài chính. Việc phụ nữ yêu thương và đầu tư vào bản thân, tự chủ về tài chính để có được sự tự tin, sự tự do mới thực sự mang lại hạnh phúc bền vững.

“Phụ nữ hiện đại không ngại đầu tư, làm chủ tài chính” là tên một tọa đàm ấm cúng do bà Nguyễn Thị Hương Giang, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Tititada thiết kế, diễn ra vào ngày 9/3 tại TP.HCM. Sự kiện mang đến những kiến thức về tài chính cá nhân, chi tiêu thông minh, tiết kiệm và đầu tư hiệu quả dành riêng cho phái nữ, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội.

“Tôi luôn mong muốn có thể đem những kiến thức đầu tư và quản lý tài chính cá nhân đến với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Đầu tư là một hành trình và tôi mong có thể làm ra một sản phẩm đơn giản, dễ dùng, để có thể đồng hành cùng các bạn trẻ trong hành trình đầu tư dài hạn”, bà Giang chia sẻ.

Hiện phần lớn người Việt vẫn chưa nhìn nhận việc đầu tư và tích lũy là dành cho tương lai, là chuẩn bị cho việc về hưu sau này. Mọi người vẫn cho rằng, việc tham gia thị trường đầu tư chứng khoán mang tính chất kiếm tiền ngắn hạn nhiều hơn. Quan điểm này sẽ cần nhiều thời gian để thay đổi, cũng như việc mỗi cá nhân cần phải tự đầu tư tích lũy để sau này khi về hưu có được sự tự do tài chính, không phải phụ thuộc nhiều vào con cháu.

Trong kinh doanh, cần năng lực lãnh đạo của cả nam và nữ. Lãnh đạo nữ có những ưu điểm nhất định trong việc lãnh đạo và quản lý chi tiết, nhiều phương án dự phòng. Đáng chú ý, 80% doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hoạt động hiệu quả nhất trong thời kỳ đại dịch đều do phụ nữ lãnh đạo, cho thấy khả năng lãnh đạo của nữ giới trong giai đoạn đầy thử thách.

Với niềm đam mê trong mảng đầu tư tài chính và ước mơ ấp ủ hơn 10 năm dành cho dự án khởi nghiệp Tititada, bà Giang tin rằng, đây là một sản phẩm được xây dựng dựa trên những nhu cầu đầu tư thiết thực nhất của từng khách hàng, được hoàn thiện, cải tiến đến từng chi tiết và sẽ giúp khách hàng gắn bó lâu dài.

Chìa khoá để mở cánh cửa khó khăn nhất trong cuộc đời làm nghề đầu tư của bà đọng lại trong một câu nói: “Thay đổi nhận thức, thay đổi tương lai”. Bà cho rằng, công việc nào cũng sẽ phát sinh vấn đề và mỗi khi có vấn đề phát sinh, bà khá bình tĩnh và đón nhận như một phần công việc.

3. Grab - một siêu ứng dụng hàng đầu tại Đông Nam Á cung cấp các dịch vụ giao nhận, di chuyển và các dịch vụ tài chính kỹ thuật số tại hơn 500 thành phố thuộc 8 quốc gia khu vực Đông Nam Á, bao gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Đúng theo sứ mệnh của mình từ khi “khai sinh” vào năm 2012, nhằm đưa Đông Nam Á tiến về phía trước thông qua việc tạo thêm cơ hội kinh tế cho mọi người, Grab nỗ lực hướng đến 3 mục tiêu: mang đến hiệu quả tài chính bền vững cho các đối tác, tạo ra những ảnh hưởng xã hội tích cực và góp phần bảo vệ môi trường cho khu vực Đông Nam Á.

Siêu ứng dụng này vừa công bố triển khai Chương trình Nữ đối tác tài xế Grab hỗ trợ phụ nữ tại Việt Nam có thêm cơ hội thu nhập thông qua việc trở thành đối tác tài xế Grab. Chương trình được xây dựng nhằm giảm thiểu những rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các cơ hội thu nhập khi là một đối tác tài xế Grab. Chương trình nằm trong lộ trình thực hiện sứ mệnh của Grab về thúc đẩy Đông Nam Á phát triển bằng cách trao quyền kinh tế cho tất cả mọi người.

Ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết, phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số ở Đông Nam Á, nhưng chỉ chiếm 42% lực lượng lao động và chiếm thiểu số trong cộng đồng đối tác tài xế của Grab trên toàn khu vực. Grab đang tập trung hỗ trợ cộng đồng đối tác tại Việt Nam, mở thêm nhiều tiềm năng của khu vực, trong đó phụ nữ đóng vai trò then chốt.

Sự kiện “Rung chuông vì Bình đẳng giới” lần thứ 10 do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức trên toàn cầu và là lần thứ 6 Việt Nam tham gia mới đây cũng đề cập vấn đề bình đẳng giới. Tuy nhiên, lần này, vai trò then chốt của khu vực tư nhân được nhấn mạnh trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hướng tới doanh nghiệp và xã hội phát triển bền vững.

Trong phiên thảo luận “Đầu tư cho phụ nữ: Từ chính sách tới thực tiễn”, Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), bà Lê Hồng Thủy Tiên chia sẻ, bình đẳng và hòa nhập trong hoạt động kinh doanh là một phần thể thiếu trong văn hóa của IPPG hơn 39 năm kinh doanh và phát triển tại Việt Nam.

Việc được nhận Giải thưởng “Lãnh đạo cam kết bình đẳng giới”, cũng như việc ký kết các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ của Liên hợp quốc để thúc đẩy bình đẳng giới là một bước quan trọng của IPPG nhằm truyền tải thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ hơn cho tất cả thành viên trong Tập đoàn và cả khách hàng, đối tác. Đó chính là xây dựng một môi trường làm việc gắn kết, hòa nhập, mỗi người đều có cơ hội làm việc, thăng tiến, cùng nhau thành công, cùng nhau xây dựng và phát triển cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Bà Tiên còn trăn trở về việc làm sao Việt Nam có thể tính đến việc triển khai ngoại giao vì bình đẳng giới một cách bài bản trong tổng thể chính sách đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng phù hợp với nội lực quốc gia; thúc đẩy chính sách đối ngoại vì quyền của phụ nữ, để chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, nhìn nhận lại chính sách đối ngoại của mình, từ đó quan tâm và đầu tư hơn đến việc bảo vệ, chăm lo, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Tin bài liên quan