Trong số báo trước, chúng ta đã được chuyên gia phong thủy Hoàng Trà giới thiệu về quy trình thiết kế gồm 4 bước: Bước 1: Đến thực địa xem địa hình và đo hướng khu đất; Bước 2: Tiếp nhận nhiệm vụ thiết kế; Bước 3: Tính toán phong thủy, vẽ kích thước khổ đất và án ngữ đồ hình phong thủy; Bước 4: Vẽ các phương án thiết kế nhà.
Trong số này, chuyên gia sẽ tiếp tục chia sẻ các bước tiếp theo.
Bước 5: Đặt mặt bằng phương án kiến trúc vào Đồ hình phong thủy (xem hình 1)
Với lựa chọn tầng 1 có để ô tô trong nhà, thì không gian phía trong đặt phòng khách, vệ sinh đặt gầm cầu thang cho tiết kiệm không gian và kín đáo.
Tầng lửng (xem hình 2) có diện tích đủ lớn để đặt không gian bếp và ăn, có bộ bàn ghế sofa để mọi người trong gia đình và khách thân thiết ngồi chơi nói chuyện. Khi tầng 1 dùng làm kinh doanh thì gia đình vẫn tiếp khách trên tầng lửng được, lúc này không gian “khách-bếp-ăn” giống như căn hộ chung cư.
Vị trí bếp và chậu rửa, được tính chuẩn theo phong thủy của tất cả các trường phái phong thủy, dù thầy phong thủy xem theo trường phái nào cũng đồng thuận. Bởi có nhiều người học phong thủy ở mức độ khác nhau, nên khi đến nhà sẽ có ý kiến khác nhau và tư tưởng của chủ nhà rất dễ dao động khi cuộc sống gặp vận thịnh suy do bản mệnh tính theo lá số.
Cũng có người không thích bếp ở trên tầng lửng, thì có thể chuyển xuống tầng 1, ở vị trí và hướng giống nhau. Vì vậy, khi thiết kế phải tính đế hệ thống cấp thoát nước và đường điện chờ sẵn cho khu bếp cả phương án đặt ở tầng 1 và tầng lửng. Giải pháp là hệ thống tủ bếp được đóng thành các module rời nhau, để khi chuyển bếp chỉ cần bê lên và lắp đặt là xong.
Khi lên ý tưởng kiến trúc cho tầng 2 (xem hình 3), đã phải giải lá số tứ trụ của hai vợ chồng và các thành viên trong gia đình.
Từ đó, chọn được vị trí giường ngủ tốt theo phong thủy chung của các trường phái. Như hình trên, giường ngủ vợ chồng nằm trong cung tốt của bát trạch, cũng nằm trong sơn tốt theo 24 sơn, ví dụ giường ngủ vợ chồng nằm trong sơn Tấn Tài. Xét theo Huyền không Phi tinh, cũng chẳng ai có thể chê vào đâu được.
Vị trí của vệ sinh cũng phải được tính theo phong thủy, nhưng cũng phải đảm bảo sử dụng thật hợp lý về công năng. Trong đó, phòng vệ sinh và phòng tắm vợ chồng gia chủ khép kín, có khoang tắm riêng được ngăn cách bởi vách kính. Phòng vệ sinh chung được thiết kế rộng và có khoang tắm riêng, được ngăn bởi vách kính. Có giá trị vào mùa Đông khi tắm thì không bị ướt toàn bộ sàn của phòng tắm - vệ sinh, cũng có lợi thế là khi muốn lắp hệ thống sen vòi kết hợp với máy xông hơi ướt.
Khu vệ sinh luôn cần phải thoát khí, thoát mùi, chính vì vậy, sau thang máy cần để chừa lại một giếng trời nhỏ mà không làm ảnh hưởng đến công năng và diện tích của ngôi nhà.
Vị trí giường ngủ của vợ chồng luôn được ưu tiên khi tính phong thủy. Các vị trí giường ngủ còn lại tính hợp phong thủy theo từng thành viên trong gia đình, khi giải lá số Tứ trụ để chọn.
Khi chỉ định màu sắc toàn bộ ngôi nhà và màu sắc các không gian trong ngôi nhà và phòng ngủ cũng phải phù hợp theo 2 vợ chồng, còn màu sắc phòng ngủ các con thì được tính theo lá số từng người (A4).
Sau khi các phương án kiến trúc của các tầng dưới được thống nhất, thì việc thiết kế và đặt phong thủy cho tầng 3 rất đơn giản (xem hình 4), bởi tầng 3 chỉ có phòng thờ là không gian quan trọng nhất. Có một phòng ngủ thì đặt vị trí tốt theo phong thủy không khó khăn gì.
Hướng ban thờ đặt hợp với tuổi, cạnh phòng thờ và phòng ngủ có sân thượng đủ rộng để có không gian mở thoáng và đẹp. Khu sân phơi được đặt phía sau, là khu sân phơi riêng biệt không ảnh hưởng tới phong thủy. Có nhiều người hay đặt phòng thờ vào phía sau và khu sân phơi ở trước nơi thờ tự là không tốt và phạm về phong thủy.
Trong quá trình tính toán phong thủy, phải dựa vào thiết kế kiến trúc tính chiều cao từng tầng và ấn định số bậc theo từng tầng. Từ tầng 1 lên tầng lửng, chiều cao nhà dao động từ 3 - 3,2 m. Từ tầng lửng lên tầng 2 cũng có chiều cao tương tự, cho nên lựa chọn số bậc từng tầng là 17 bậc, đảm bảo số bậc chia cho 4 dư 1, đứng chữ “sinh”. Từ tầng 2 lên tầng 3 với chiều cao tầng khoảng 3,3 - 3,45 m, nên chọn số bậc là 18 bậc, chia cho 4 dư 2, đảm bảo tốt theo quy tắc “sinh lão bệnh tử”.
Trường hợp nhà này làm thêm cầu thang để đi lên trên mái, thì số bậc cầu thang có thể lấy là 17 hoặc 18 bậc. Như vậy, tổng số bậc toàn nhà là 69 hoặc 70 bậc. Vậy tổng số bậc cầu thang tính theo “sinh”, “lão”, “bệnh”, “tử” là tốt.
Trường hợp không làm cầu thang lên mái, khi tính tổng số bậc của cả ngôi nhà là 52 bậc, thành ra rơi vào chữ “tử” không tốt. Để hóa giải điều này, tại tầng 1 trước thềm cầu thang có thể làm thêm 1 bậc giả, vừa có tác dụng về công năng ngăn bụi bẩn của nền để ô tô và xe máy. Bậc chênh này không nhất thiết phải làm bậc cao, thậm chí, là chênh 2 cm đủ dày với một tấm đá lát nền cũng vẫn gọi là bậc.
Nói đến phong thủy cầu thang, người ta thường có quan niệm đi lên theo chiều thuận kim đồng hồ, hay tính toán bậc đầu tiên theo động khẩu và các phần thân cầu thang gọi là lai mạch. Cũng có quan điểm cho rằng, cầu thang phải nằm bên Thanh Long, không nằm bên Bạch Hổ, nhưng từ hồ sơ bản vẽ trên, khi tính toán theo phong thủy, chúng ta thường phải chọn theo nguyên tắc vị trí cửa chính, rồi đến vị trí giường ngủ, vị trí bếp ở những phương vị tốt, rồi mới đến các vị trí thang bộ, thang máy và vệ sinh. Cho nên, các công năng phụ trong ngôi nhà phải phụ thuộc vào yếu tố chính chứ không phải là yếu tố đầu tiên khi thiết kế nhà theo phong thủy.
Trường hợp này, thang máy và thang bộ được đặt cạnh nhau, nhưng khi tính toán kiến trúc và phong thủy có những ngôi nhà phần công năng lại phù hợp với việc thang bộ ôm tháng máy (chạy xung quanh), điều đó cũng không ảnh hưởng gì đến phong thủy của ngôi nhà.
Sau khi có phương án kiến trúc tốt theo phong thủy, cộng với đáp ứng mục đích sử dụng của chủ đầu tư, thì căn chỉnh kích thước cửa theo thước Lỗ Ban, rồi bước tiếp theo là dựng phối cảnh hình ảnh cho công trình. Bước này gia chủ phải chọn phong cách kiến trúc theo kiểu nào: tân cổ điển, hiện đại, kiến trúc Pháp hay Nhật…
Từ đó, kiến trúc sư mới thiết kế phối cảnh theo đúng kích thước thực tế của công trình. Rồi cuối cùng mới triển khai bản vẽ kỹ thuật thi công. Tiếp đến là chọn ngày giờ đẹp để động thổ, đặt móng, hàn long mạch, cất nóc, nhập trạch.
Khi lên hồ sơ bản vẽ thi công, sẽ có cấu tạo liên quan đến phần móng và theo kỹ thuật có những vị trí không thể thay đổi được về mặt kết cấu. Lúc này chúng ta chọn bể phốt và bể nước ngầm, vừa phải tính toán theo phong thủy nhưng cũng phải đặt vào những ô trống trên nền móng, chứ không phải cứ chỉ định vị trí bể phốt theo phong thủy mà nằm vào vị trí móng thì không thể xây dựng được.
Như vậy, các bước thiết kế kiến trúc theo phong thủy của một ngôi nhà đã đầy đủ và hoàn thiện. Với mỗi công trình có đặc thù về phong thủy và kiến trúc khác nhau, cho nên cũng có các giải pháp khác nhau. Chứ không phải nhà nào cùng hướng Đông Nam cũng đặt phong thủy giống nhau, bởi trong một hướng là đông nam chia thành 3 sơn “thìm, tốn, tỵ”, rồi mỗi sơn lại chia nhỏ ra 3 long thành ra mỗi hướng là có 9 long khác nhau. Vì vậy, phong thủy và kiến trúc sẽ khác nhau.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com