Nhiều cổ đông cá nhân đã phải ngậm "quả đắng" khi mua CP VCB trong đợt IPO.

Nhiều cổ đông cá nhân đã phải ngậm "quả đắng" khi mua CP VCB trong đợt IPO.

Thiệt hại của cổ đông cá nhân từ IPO Vietcombank

Với việc đưa tiêu chí giá lên hàng đầu khi đấu giá cổ phần lần đầu (IPO), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam -Vietcombank (VCB) đã tự đưa mình vào tình trạng bế tắc. Cổ đông cá nhân trót mua cổ phần VCB đành phải ngậm “quả đắng” từ phi vụ đầu tư này. Còn những NĐT trót mua trái phiếu chuyển đổi với giá 3 - 4 chấm, mức lỗ so với giá hiện tại còn cao hơn rất nhiều.

Còn nhớ thời điểm chuẩn bị cổ phần hóa cuối năm 2007, VCB có ba ứng cử viên nặng ký để chọn làm cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Tài chính Nomura (Nhật Bản), Goldman Sachs và General Electric của Mỹ.

Từ 3 ứng viên này, Ngân hàng sẽ lựa chọn 2 cổ đông chiến lược. Nhưng do không thỏa thuận được về giá bán cổ phần giữa hai bên (các tập đoàn này chỉ đưa ra mức giá từ khoảng 45.000 đồng - 60.000 đồng/CP), nên VCB đã IPO mà không có cổ đông chiến lược nước ngoài.

Việc này càng đi vào bế tắc khi giá IPO của VCB sau đó được đẩy lên tới bình quân trên 103.000 đồng/CP, cao gần gấp đôi giá các cổ đông chiến lược nước ngoài trả, cá biệt có những cá nhân bỏ giá tới trên dưới 200.000 đồng/CP.

Nhưng ngay sau đó giá cổ phiếu VCB trên thị trường OTC liên tục lao dốc cùng với sự sụt giảm chung của TTCK, thời điểm thấp nhất chỉ còn khoảng 30.000 đồng/CP. Bài toán chọn cổ đông chiến lược nước ngoài của VCB không tìm được đáp án phù hợp. Bán với giá cao tất nhiên không được, nhưng nếu bán với giá thấp tương đương với giá cổ phiếu trên thị trường OTC thời điểm đó thì hóa ra “người nhà bị mua giá cao, người ngoài được mua giá thấp”.

Niêm yết từ cuối tháng 6/2009, cổ phiếu VCB chào sàn ở mức giá 60.000 đồng/CP, sau đó có xu hướng giảm theo thị trường, cho đến nay chỉ còn khoảng 49.000 - 50.000 đồng/CP (theo giá giao dịch phiên 5/1/2010).

Sự kiện gần đây nhất liên quan đến cổ phiếu VCB là việc Vietcombank phát hành thêm 9,28% vốn cổ phần, tương đương với 112,29 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ cho Vietcombank. Bộ Tài chính và SCIC khá tích cực trong các kế hoạch của Vietcombank. Trong Văn bản số 1672 ngày 30/7/2009 trả lời việc phát hành thêm của Vietcombank, SCIC nói rõ, Tổng công ty đăng ký tham gia mua hết số cổ phiếu được mua với tư cách cổ đông hiện hữu.

Trước những diễn biến như vậy, cổ đông cá nhân  hy vọng sẽ “giảm lỗ” khi mua phát hành thêm, nếu sau khi chia tách cổ phiếu VCB tiếp tục lên giá. Cần chú ý rằng, ngoài NĐT cá nhân, còn có rất nhiều CBCNV của Ngân hàng tham gia mua đấu giá thêm cổ phần VCB ngoài lượng cổ phiếu ưu đãi. Nếu được phép phát hành thêm ở mức giá hiện tại (49.000 đồng/CP), sau khi chia VCB sẽ nằm ở giá khoảng 45.700 đồng (1.000 x 49.000 + 1.000 x 9,28% x 10.000)/1.092,8 = 45.700 đồng/CP.

Tuy nhiên, sau khi chia, nếu được đánh lên về giá cũ, mức lời thêm vài ngàn đồng của cổ đông cá nhân cũng không thấm tháp gì so với mức lỗ mà họ từng phải gánh chịu.

Cuối cùng thì Ngân hàng Nhà nước đã không chấp thuận phương án tăng vốn này với yêu cầu, VCB phải tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài trước khi tăng vốn.

Các cổ đông cá nhân là “người nhà” nếu có lỡ mua cổ phần đấu giá của VCB có cơ hội được giảm bớt lỗ qua mức thưởng Tết cho CBCNV năm 2009 dự kiến khá cao. Tuy nhiên, các cổ đông cá nhân, (không phải là CBCNV) trót ôm cổ phần VCB từ khi đấu giá, vẫn ôm khoản lỗ lớn, không biết đến bao giờ mới hòa được vốn.

 

Giá VCB (đồng/CP)

Mức lỗ (%)

Bán tại thị trường OTC

30.000

70,87%

Bán lúc mới lên sàn

60.000

41,74%

Bán tại thời điểm hiện tại

49.000

52,4%