Trong công văn mới đây gửi Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT đã yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan bảo đảm hệ thống cảng biển thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, triển khai ngay giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng được giao đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng và việc xếp, dỡ hàng hóa đối với tàu thuyền vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Mỹ, châu Âu. Khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.
Cục Hàng hải Việt Nam còn được giao nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm thu hút các hãng vận tải container mở tuyến mới đến Việt Nam; tiếp tục, khẩn trương nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến hoạt động tàu thuyền.
Cần phải nói thêm rằng, các giải pháp nói trên dù được Bộ GTVT sốt sắng triển khai, nhưng không thể trực tiếp làm hạ giá cước vận chuyển container đi châu Âu và Bắc Mỹ, giống như trường hợp đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài dẫn đến khan hiếm container rỗng tại châu Á khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Hiện toàn bộ tuyến vận chuyển container bằng đường hàng hải từ Việt Nam tới châu Âu, Bắc Mỹ đều do các hãng tàu lớn nước ngoài đảm nhận. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ làm đại lý, thậm chí còn không can thiệp được lịch tàu, cũng như số lượng bốc xếp container cho từng chuyến tàu. Trong khi đó, các hãng tàu Việt Nam với quy mô nhỏ bé, chân hàng không ổn định cũng chỉ tập trung khai thác các tuyến nội Á. Vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt dù đang được quảng bá nhiều, nhưng mỗi tuần cũng chỉ vận chuyển được vài trăm container đi châu Âu, trong khi chỉ riêng siêu tàu container M/V OOCL Spain từng cập cảng Cái Mép - Thị Vải đã có sức chứa khổng lồ, lên tới hơn 24.000 container.
Nói như vậy để thấy rằng, hiện chưa có bất kỳ giải pháp căn cơ, khả dĩ nào ứng phó hữu hiệu trước tình trạng giá cước vận chuyển container của các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam đi châu Âu và Bắc Mỹ bằng đường biển tăng chóng mặt.
Giải pháp duy nhất lúc này là các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đi châu Âu và Bắc Mỹ phải thích ứng với những biến động khó lường trong lĩnh vực vận tải biển theo phương châm: “Khó người khó ta, dễ người dễ ta”. Cụ thể, các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics cần tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình tới các doanh nghiệp trong ngành, qua đó nắm chắc thông tin để chủ động lên kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh phát sinh tác động bất lợi khác.
Trong phạm vi của mình, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết, có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng, đồng thời tìm hiểu phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.
Đặc biệt là, khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển, các doanh nghiệp nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong những tình huống khẩn cấp; mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường hàng hải đang phát sinh xung đột. Mặt khác, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chủ động phương án vận chuyển để không ảnh hưởng đến tiến độ giao, nhận hàng theo hướng đẩy sớm hơn thời điểm vận chuyển hàng để có đủ thời gian dự phòng.
Xét cho cùng, việc giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường hàng hải đi châu Âu, châu Mỹ tăng cao hiện đã trở thành câu chuyện toàn cầu. Chính vì vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, bất ổn như hiện nay, trong khi chưa thể chuyển hướng thị trường, thì doanh nghiệp nào linh hoạt, có giải pháp phù hợp, chắc chắn, doanh nghiệp đó sẽ trụ vững và ngày càng mở rộng quy mô.