Thị trường xuất khẩu rộng mở với RCEP

0:00 / 0:00
0:00
Hiệp định RCEP khi thực thi không chỉ mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn, mà còn tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất của khu vực.
Thị trường xuất khẩu rộng mở với RCEP

Cơ hội từ thị trường rộng lớn

“RCEP có tác động tạo thương mại, chứ không chỉ là chuyển hướng thương mại. Cùng với việc tăng cường thương mại hàng trung gian, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực”, Báo cáo Thực hiện hiệu quả Hiệp định RCEP gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố vào giữa tuần này khẳng định.

Bao trùm khu vực chiếm 30% GDP toàn cầu, RCEP được kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhờ thuận lợi hóa thương mại và thúc đẩy hoàn thiện chuỗi cung ứng nhờ đầu tư công nghiệp hỗ trợ.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI), bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, Việt Nam đang thực thi 14 FTA, trong đó, có 2 FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao (EVFTA và CPTPP), do đó, khi RCEP đi vào thực thi, dù có tiêu chuẩn thấp hơn, vẫn gia tăng tác động tích cực, chứ không làm giảm động lực cải cách thể chế hay đầu tư, bởi sự chuyển động ở cả tầm vĩ mô và vi mô để thích ứng với 14 FTA hiện hữu đã và vẫn đang diễn ra.

Về vấn đề tăng nhập siêu từ thị trường RCEP, bà Trang cũng khẳng định, không nên quá lo ngại, ngược lại, các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra.

Chưa kể, nhiều thị trường trong Khối đã tăng tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu, điển hình là Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…, nên cũng không lo các doanh nghiệp trong nước không chú ý đến sức cạnh tranh của hàng hóa.

Đánh giá tổng quan, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương nhấn mạnh, những cụm từ “đứt gãy”, “gián đoạn” chuỗi cung ứng đã được nhắc quá nhiều trong năm 2020, có thời điểm gây quan ngại nặng nề cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Nhưng, kết thúc năm 2020, xuất khẩu vẫn góp sức quan trọng trong “cỗ xe tam mã” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

RCEP là FTA thứ 15 mà Việt Nam tham gia, khi được phê chuẩn sẽ mở ra thị trường với 2,2 tỷ người tiêu dùng và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, mang đến nhiều cơ hội cho thương mại, đầu tư, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt và nền kinh tế Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, bà Minh đánh giá, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc gia tăng chất lượng hàng nhập khẩu cho tiêu dùng. Cùng với việc gia tăng thương mại hàng trung gian, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất của khu vực.

Khai thác hiệu quả RCEP

Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, RCEP sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN.

Nhờ đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành trong các FTA khác nhau của ASEAN.

Theo Bộ Công thương, RCEP tạo thuận lợi cho thương mại, giảm chi phí giao dịch sẽ tạo động lực thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu.

Bởi vậy, tham gia RCEP, phát triển chuỗi sản xuất nội khối sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước thâm nhập sâu vào chuỗi sản xuất. Về lâu dài, đây là điều kiện để doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng.

Ông Aedan Puleston, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam lưu ý, để thực thi hiệu quả RCEP gắn với bảo đảm sự tự chủ của nền kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục cải cách nền tảng kinh tế, bao gồm cả chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh, các thị trường nhân tố sản xuất.

Yếu tố quan trọng nữa là cần đặt chính sách đầu tư ở vị trí trung tâm, gắn sâu xa hơn về tư duy định hướng, khả thi về một số ngành cần ưu tiên phát triển, ngành cần thúc đẩy tự do cạnh tranh, mức độ tham gia chuỗi giá trị ở khu vực RCEP…

Tin bài liên quan