Là thành viên gắn bó với thị trường chứng khoán, ông nhìn nhận về sự phát triển của thị trường thời gian qua như thế nào?
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn – Hà Nội. |
Thị trường chứng khoán của chúng ta đang phát triển ngày càng mạnh mẽ cả về chất và lượng.
Về chất, thị trường đang thể hiện rõ nét là kênh huy động vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết.
Phần lớn các tập đoàn kinh tế trọng yếu, các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế đều đã niêm yết cổ phiếu cổ phiếu trên các sở giao dịch chứng khoán và họ tìm thấy lợi ích to lớn ở đó.
Thông qua thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp huy động được nguồn lực từ nhiều thành phần xã hội để đầu tư và phát triển mạnh mẽ, đã xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp vốn hóa hàng chục tỷ USD, đem lại sự thịnh vượng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động và đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước.
Mặt khác, sự phát triển của thị trường chứng khoán với quy mô thị trường đang ngày càng lớn còn đem lại hình ảnh một nền kinh tế minh bạch, tiềm năng và nhiều cơ hội đầu tư trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Về lượng, trong giai đoạn 2016-2021, quy mô của thị trường vốn liên tục tăng trưởng mạnh mẽ với bình quân khoảng 28,5%/năm và đã đạt khoảng 135% GDP năm 2021, như vậy chỉ trong khoảng 5 năm quy mô của thị trường tăng gấp 3,5 lần; trong đó, quy mô của thị trường cổ phiếu khoảng 94% GDP và phần còn lại là trái phiếu. Hiện có trên 1.900 doanh nghiệp đã niêm yết trên các sở giao dịch và thị trường UPCoM.
Quy mô trái phiếu doanh nghiệp so với các nước trong khu vực năm 2020. |
Số lượng các doanh nghiệp niêm yết sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới bởi các doanh nghiệp đều nhìn thấy lợi ích to lớn không chỉ từ huy động vốn mà còn nhiều lợi ích vô hình khác như nâng tầm hình ảnh thương hiệu, phương thức quản trị, tính minh bạch...
Trong 3 năm trở lại đây, lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường cũng tăng đột biến, lượng tài khoản đầu tư chứng khoán hiện đã đạt con số 5 triệu tài khoản với tỷ lệ số tài khoản/tổng dân số trên 5,2%. Chúng tôi cho rằng, xu hướng bùng nổ đầu tư chứng khoán sẽ còn tiếp tục diễn ra trong nhiều năm tới bởi thị trường trong dài hạn đem lại cơ hội đầu tư hiệu quả cho nhà đầu tư.
Đó là những điểm “được” rất ý nghĩa mà chúng ta có được thông qua hành trình phát triển của thị trường. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng nào cũng có tính hai mặt, việc thị trường phát triển bùng nổ nhanh chóng tất yếu sẽ bộc lộ những vấn đề phát sinh không mong muốn cần phải giải quyết liên quan đến các hoạt động thao túng giá cổ phiếu, phát hành trái phiếu chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật...
Chúng ta nên nhìn nhận đó là những sự cố sẽ phải có trên tiến trình phát triển, các hành vi như vậy vẫn xảy ra kể cả ở các thị trường vốn phát triển hơn như Mỹ, châu Âu... Những sự cố đó giúp cho chúng ta rút ra được những bài học và kiện toàn hơn khung pháp lý và quy trình giám sát để phòng ngừa tái diễn trong tương lai.
Với độ phát triển sâu rộng như vậy, thị trường có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung?
Khi quy mô thị trường tăng, các chủ thể tham gia vào thị trường bao gồm cả doanh nghiệp và nhà đầu tư ngày càng nhiều thì biến động của thị trường vốn sẽ tác động ngay lập tức tới phần lớn các doanh nghiệp trong nền kinh tế và nhà đầu tư, cả tích cực và tiêu cực.
Chẳng hạn, đối với thị trường trái phiếu, các doanh nghiệp thực sự tốt và hoạt động đúng khuôn khổ pháp lý cũng gặp những khó khăn nhất định vì nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, hay đối với thị trường cổ phiếu niêm yết, những tác động tiêu cực ngắn hạn mà thị trường vừa trải qua đã gây ra những tổn thất cho nhiều nhà đầu tư và cả các doanh nghiệp tốt. Niềm tin của nhà đầu tư nếu bị sụt giảm, nhu cầu huy động vốn chính đáng để phát triển của doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng.
Môi trường kinh doanh năm nay có nhiều biến động đặt ra thêm những thách thức nào với các doanh nghiệp?
Nền kinh tế của chúng ta vừa trải qua một giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid, dẫn tới nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Khi chúng ta kỳ vọng vào một giai đoạn tích cực thuận lợi cho phục hồi kinh tế thì những biến động từ các yếu tố địa chính trị bên ngoài như chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đối với Ukraine đẩy giá nhiên liệu lên cao, tác động dây chuyền tăng giá từ nguyên liệu đầu vào sản xuất và đến mọi hàng hóa thiết yếu khác, lạm phát cũng khiến nhiều ngân hàng trung ương các nước phải tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ, chủ nghĩa bảo hộ cũng manh nha quay trở lại....
Lạm phát còn tạo ra tác động tâm lý khiến người dân muốn đầu tư vào các tài sản tích trữ như bất động sản, vàng..., dẫn đến nguồn vốn đầu tư sẽ không tìm đến đúng địa chỉ là khu vực sản xuất...
Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng với những chính sách điều tiết hỗ trợ kinh tế phục hồi kịp thời, uyển chuyển và phù hợp của nhà nước, Chính phủ cũng như sự quyết tâm vượt khó của doanh nghiệp, con người Việt Nam, mặc dù những thách thức trước mắt là rất lớn nhưng chúng ta sẽ vượt qua.
Các doanh nghiệp còn khá yếu ớt sau Covid-19, để doanh nghiệp có thể tiếp tục phát triển phục hồi kinh tế, theo ông đâu là những giải pháp cần thiết với thị trường vốn lúc này?
Sau 2 năm đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã phải vượt qua khó khăn để tồn tại và tới giờ, nguồn lực đã suy giảm nhiều. Để có thể phục hồi và tiếp tục phát triển trong tương lai, họ cần thêm các nguồn tài chính cả trong và ngoài nước mà bên cạnh dòng vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng, dòng vốn từ thị trường chứng khoán cũng đóng góp vai trò quan trọng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 2 năm tăng trưởng mạnh đã có đợt điều chỉnh giảm khá mạnh, tâm lý của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư mới đang có sự thận trọng, thể hiện qua việc dòng tiền vào thị trường giảm. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, quỹ đầu tư đều cho rằng mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện hấp dẫn để đầu tư.
Bên cạnh đó, sự ổn định của môi trường vĩ mô và sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế cũng được khẳng định thể hiện qua việc tổ chức S&P mới đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam.
Chúng tôi cho rằng, cần đẩy mạnh một số giải pháp bao gồm:
- Cơ quan quản lý bên cạnh việc tiếp tục hoạt động thanh tra, giám sát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi sai trái, cũng cần hỗ trợ hơn nữa về các quy trình thủ tục, hồ sơ để giúp cho các doanh nghiệp làm ăn chính đáng sớm đẩy nhanh hoạt động phát hành cổ phần, trái phiếu để từ đó có được nguồn vốn phục cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế theo đúng tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh trong hội nghị phát triển thị trường vốn vừa qua.
- Cần sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động hệ thống công nghệ thông tin, từ đó hỗ trợ cho việc triển khai các sản phẩm mới trên thị trường như giao dịch T-0, xem xét bỏ quy định ký quỹ 100% trước khi đặt lệnh mua chứng khoán.
- Tiếp tục thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước để gia tăng thêm hàng hóa cho thị trường chứng khoán.
- Quyết liệt đẩy nhanh tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam.
- Cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư vào TTCK Việt Nam tại các thị trường nước ngoài, qua đó tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có thêm thông tin về thị trường và doanh nghiệp.
Nhìn sang các nền kinh tế khác, họ đã sử dụng thị trường vốn hiệu quả ra sao để trợ giúp cho nền kinh tế?
Chúng ta đều biết thị trường vốn, gồm cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu và việc tận dụng thị trường này sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn vốn trung, dài hạn tránh phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn tín dụng từ ngân hàng.
Các quốc gia khác trong khu vực đã phát triển khá thành công thị trường này, ví dụ với thị trường cổ phiếu, Thái Lan, Indonesia hiện có quy mô lớn hơn nhiều lần so với Việt Nam và thu hút được dòng vốn ngoại (từ đầu năm tới nay đây là 2 thị trường mà vốn ngoại vẫn mua ròng trên 4 tỷ USD). Còn quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam cũng khá nhỏ.
Là CTCK song hành với TTCK và các doanh nghiệp, trong thời gian này, SHS có những hoạt động hay chương trình gì để đồng hành với các doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường ?
Là thành viên thị trường, SHS luôn tuân thủ các quy định của các cơ quan quản lý trong các hoạt động của mình. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn làm việc sát sao với các khách hàng doanh nghiệp để tiếp tục cung cấp các dịch vụ như tư vấn cổ phần hóa, tư vấn phát hành, tư vấn tái cấu trúc.
Chúng tôi cũng liên tục thông qua các kênh thông tin đại chúng, các kênh cung cấp thông tin riêng của SHS để giới thiệu đến các nhà đầu tư những cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp tốt, tiềm năng và cũng cấp thêm nhiều thông tin chính xác, minh bạch và kịp thời để nhà đầu tư có được những góc nhìn chính xác, đặc biệt là trong những giai đoạn thị trường nhiễu loạn thông tin để nhà đầu tư thêm tin tưởng khi bỏ vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán.