Thị trường vật liệu xây dựng đón nguồn cầu lớn

Thị trường vật liệu xây dựng đón nguồn cầu lớn

0:00 / 0:00
0:00
Bất động sản và vật liệu xây dựng được ví như hai chiếc bình thông nhau, điểm nghẽn của thị trường bất động sản đang được tháo gỡ, ngành vật liệu xây dựng cũng đứng trước cơ hội tăng trưởng.

Lực đẩy thị trường

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2021, thị trường bất động sản nhà ở có nhiều triển vọng lạc quan. Đây là tín hiệu tốt thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng phục hồi và tăng trưởng sau một năm nhiều khó khăn do tác động của Covid-19.

Cụ thể, số liệu khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, tại Hà Nội, trong quý I và quý II/2021, dự kiến có hàng vạn sản phẩm ở nhiều phân khúc được chào bán ra thị trường, trong đó, khu vực phía Bắc và phía Tây Hà Nội chiếm tỷ trọng lớn.

Tại TP.HCM, theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, khoảng 20 dự án sẽ chào hàng trong 6 tháng đầu năm 2021, cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 sản phẩm với đủ loại phân khúc.

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ, không thể phủ nhận, thị trường vật liệu xây dựng tăng hay giảm có mối liên hệ mật thiết với thị trường bất động sản, vì đầu ra của các sản phẩm vật liệu xây dựng chính là để phục vụ xây dựng nhà ở, văn phòng, khu công nghiệp và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Ngoài “cú hích” từ thị trường bất động sản, năm 2021, ngành vật liệu xây dựng còn có động lực từ nguồn cầu lớn. Đó là quyết định chủ trương đầu tư nhiều Dự án đầu tư công được phê duyệt từ cuối năm 2020 sẽ triển khai trong năm 2021.

“Đầu tư bất động sản tăng lên kéo theo việc sử dụng vật liệu vào các công trình cũng tăng. Đó là những cơ sở để đánh giá, thị trường sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng tại Việt Nam tương đối khả quan so với các nước khác trong khu vực”, ông Bắc nhận định.

Từ góc nhìn vĩ mô, ông Nguyễn Quang Cung, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, ngoài “cú hích” từ thị trường bất động sản, năm 2021, ngành vật liệu xây dựng còn có động lực từ nguồn cầu lớn. Đó là quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án đầu tư công được phê duyệt từ cuối năm 2020 sẽ triển khai trong năm 2021.

Ngoài ra, để khắc phục sự cố lũ lụt ở miền Trung và sạt lở ở miền núi trong thời gian vừa qua, cũng cần dùng đến số lượng vật liệu rất lớn để đáp ứng công tác xây dựng, sửa chữa hạ tầng. Đây cũng được xem là một lực đẩy của thị trường vật liệu xây dựng trong năm 2021.

Mục tiêu tham vọng

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh trong năm 2021, ông Đinh Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, VICEM có kế hoạch sản xuất khoảng 22 triệu tấn clinker (tăng khoảng 1% so với năm 2020); trên 26 triệu tấn xi măng (tăng khoảng 8% so với năm 2020). Dự kiến, tổng sản phẩm tiêu thụ của toàn Tổng công ty năm 2021 đạt trên 30 triệu tấn, tăng khoảng 5% so với năm 2020.

Là công ty chuyên gia công, phân phối thép, Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại SMC (mã CK: SMC) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 với sản lượng tiêu thụ 1,35 triệu tấn thép các loại.

Công ty cổ phần Thép Nam Kim phấn đấu bán được khoảng 840.000 tấn sản phẩm. Để làm được điều này, ban lãnh đạo Công ty cho biết, sẽ tập trung vào thị trường miền Nam và đã lên kế hoạch đầu tư một nhà kho mới tại tỉnh Bình Dương, đồng thời, hoãn dự án xây dựng nhà máy ống thép mới tại tỉnh Quảng Ngãi.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, ngoài việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh doanh, các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng còn nỗ lực tung ra thị trường các sản phẩm mới, đầu tư cho công nghệ bán hàng, đặc biệt chú trọng đến tăng trưởng xanh bền vững.

Đơn cử, Tập đoàn FLC Stone đã kịp thời trang bị hệ thống công nghệ sản xuất hiện đại, khép kín từ khai thác, sản xuất, phân phối, thi công hoàn thiện sản phẩm đá tự nhiên tại Việt Nam.

Tương tự, VICEM cũng đã đẩy mạnh việc nghiên cứu sản xuất clinker có lượng carbon thấp nhằm giảm phát thải khí CO2 và bụi, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo; đồng thời, giảm tiêu hao nhiệt năng, điện năng, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Theo lý giải của ông Nguyễn Quang Cung, đây là xu hướng sẽ được tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm của vật liệu xây dựng tới môi trường.

Tin bài liên quan