Thị trường vật liệu xây dựng: Cuộc thanh lọc mới

Thị trường vật liệu xây dựng: Cuộc thanh lọc mới

(ĐTCK) Dù đã có nhiều doanh nghiệp phải “bán mình”, một số cái tên đã bị xóa sổ, nhưng khó khăn của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng vẫn kéo dài.

Để có điều kiện phát triển tốt hơn khi kinh tế phục hồi, ngành vật liệu xây dựng lại bước vào một cuộc thanh lọc mới.

Viettel, một đại gia viễn thông mua lại 70% vốn cổ phần của Xi măng Cẩm Phả từ Tổng công ty Vinaconex, trị giá 127 triệu USD là thương vụ đình đám nhất mới được công bố. Với thương vụ này, số phận của Xi măng Cẩm Phả cuối cùng đã được định đoạt sau bao đồn đoán và “đùn đẩy” trước đó.

Về với “nhà giàu” Viettel, Xi măng Cẩm phả sẽ có điều kiện để cải thiện và cơ cấu lại tài chính của mình, trong khi Vinaconex bỏ được gánh nặng đã vác trên vai nhiều năm qua.

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, đơn vị từng có tin sẽ nhận bàn giao Xi măng Cẩm Phả từng nhận xét, trở ngại lớn nhất của Xi măng Cẩm Phả là vấn đề tài chính, còn nếu xét về công nghệ, vị trí, thị trường… thì Công ty có lợi thế hơn hẳn các nhà máy đã và đang chào bán cổ phần thời gian vừa qua.

 Thị trường vật liệu xây dựng: Cuộc thanh lọc mới ảnh 1

Hòa Phát doanh nghiệp hiếm hoi có sản lượng thép tiêu thụ tăng trong 9 tháng năm 2013

 

Trong khi đó, ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc Xi măng Cẩm Phả không giấu được niềm vui: “Sau khi được Viettel mua lại, việc tái cấu trúc tài chính sẽ sớm diễn ra và sang năm 2014, Xi măng Cẩm Phả bắt đầu có lãi thay vì lỗ liên tiếp như mấy năm vừa qua”.

Trước thương vụ này, làng xi măng cũng chứng kiến nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập khác như Semen Gresik mua 70% cổ phần Xi măng Thăng Long, The Vissai mua lại Xi măng Đồng Bành, Đô Lương…

Việc các nhà máy xi măng trên lọt vào mắt xanh của các “đại gia” như Viettel và Semen Gresik khiến nhiều nhà máy xi măng khác đang có kế hoạch tìm đối tác phải thèm thuồng.

Không tìm được đại gia để nương thân, nhiều doanh nghiệp đã hướng đến chính các cổ đông hiện hữu để tìm vốn. Trong kế hoạch tăng vốn của mình, Xi măng FICO đã thuyết phục được các cổ đông hiện hữu rót thêm tiền bằng chính kết quả kinh doanh ấn tượng với sản lượng tiêu thụ tăng 15% so với cùng kỳ.

Ông Đỗ Tất Chiến, đại diện phần vốn của Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) tại Xi măng FICO cho biết, thấy rõ hiệu quả của FICO, nên DIC Corp và các cổ đông khác chấp nhận bỏ thêm vốn vào đây, thay vì phải để FICO tìm cổ đông mới.

Không may mắn như ngành xi măng khi có nhiều đại gia nhòm ngó, các doanh nghiệp sản xuất thép lại khá bi đát với nhiều cái tên bị xóa sổ. Chỉ riêng tại Hải Phòng đã có 7 nhà máy phải đóng cửa. Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng nhiều khả năng, con số nhà máy thép đóng cửa không chỉ dừng lại ở đó.

Không chỉ có các nhà máy nhỏ, mà các “ông lớn” cũng lao đao. Thép Việt Ý phải dừng sản xuất 46 ngày do tồn kho tăng cao. Thép Sông Hồng càng sản xuất càng lỗ. Ngay như Tổng công ty Thép Việt Nam (Vina Steel) cũng có 7 công ty con và 2 công ty liên kết thua lỗ. Tuy nhiên, trong bức tranh tối màu của ngành thép, vẫn có những điểm sáng. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép Hoà Phát tăng 7,86% so với cùng kỳ. Thép Pomina vẫn sản xuất kinh doanh ổn định…

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, ngành vật liệu xây dựng chấp nhận sự ra đi của các doanh nghiệp yếu kém. Ở một góc độ nào đó, sự thanh lọc lại tốt cho ngành, vì khi kinh tế khá hơn, các doanh nghiệp trụ vững qua khó khăn sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn, thay vì cứ mãi sống thoi thóp như hiện nay.

Cuộc thanh lọc trong ngành vật liệu xây dựng không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà nó cũng đã từng diễn ra tại Trung Quốc, nơi được coi là công xưởng của thế giới.

Năm 2008, trước tình trạng phát triển ồ ạt của ngành công nghiệp, Trung Quốc đã đóng cửa 2.087 nhà máy, trong đó có 782 nhà máy xi măng và 175 nhà máy thép. Đặc biệt, cuộc đào thải ở Trung Quốc không chỉ nằm ở việc sáp nhập, đóng cửa, mà còn diễn ra ở cả dây chuyền, công nghệ. Không ít các dây chuyền xi măng lò đứng thời đó đã nhanh chân chuyển qua Việt Nam trước khi nhà máy bị đóng cửa và thép cũng không ngoại lệ.

Vì thế, cuộc thanh lọc lần này, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam sẽ có nhiều việc phải làm nếu muốn ngành này phát triển bền vững hơn, khả năng chống chọi tốt hơn trước thách thức của hàng ngoại nhập.

>> Tiêu thụ vật liệu, le lói tín hiệu phục hồi

>> Doanh nghiệp vật liệu: "Nhịn miệng đãi khách"