Cạnh tranh ngày càng gay gắt
Thị trường bất động sản hồi phục từ cuối năm 2014 giúp nhiều ngành nghề liên quan tăng trưởng theo, trong đó có ngành vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, năm 2018, thị trường vật liệu xây dựng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản năm 2018 có thể sẽ không còn tăng trưởng sôi động theo bề nổi, mà thay vào đó là sự phát triển ổn định, trầm lắng hơn. Số dự án bất động sản được khởi công mới trong năm tới không nhiều, nên sức cầu tiềm năng đối với ngành vật liệu xây dựng cũng sẽ ít đi.
Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Nam đưa ra các số liệu từ các công ty xây lắp cho thấy, mọi năm đến tầm tháng 9, các doanh nghiệp xây dựng lớn như Coteccons và Hòa Bình đã thông báo đủ việc làm cho cả năm tới, nhưng năm 2017 thì lại khác. Hiện tại, hai tổng thầu xây dựng này vẫn đang phải lo công việc cho sang năm.
Trong khi đó, trong năm 2017, tiêu thụ của nhiều loại vật liệu thiết yếu trong xây dựng như gạch, cát, xi măng, thép đã chững lại.
Đơn cử, theo số liệu từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), sản lượng sản phẩm xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa trong 11 tháng năm 2017 đạt khoảng 55,63 triệu tấn, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 87% kế hoạch năm. Tuy nhiên, tại thị trường xuất khẩu lại khởi sắc khi trong 11 tháng năm 2017, xuất khẩu clinker và xi măng đạt 17,16 triệu tấn, tăng 27% với cùng kỳ năm 2016.
Đại diện VNCA cho biết, mặc dù sản lượng xuất khẩu tăng nhưng mặt hàng này cũng đang phải đối mặt với các đối thủ ngoại “nặng ký” là Thái Lan và Trung Quốc. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc sau thời gian phát triển nóng đã dư thừa công suất khoảng 670 triệu tấn xi măng. Lượng dư này gấp khoảng 8 lần tổng công suất xi măng của Việt Nam.
“Con số khổng lồ này không chỉ gia tăng sức ép cạnh tranh đối với láng giềng gần nhất là Việt Nam, mà Trung Quốc cũng trở thành đối thủ ‘đáng gờm’ với các nước xuất khẩu xi măng khác”, lãnh đạo VNCA nhấn mạnh.
Với gạch ốp lát, sau nhiều năm bị lép vế trên sân nhà, năm qua, hàng nội đã lấy lại vị thế trước hàng Trung Quốc nhờ các công ty sản xuất đổi mới công nghệ theo hướng chuyên biệt, sáng tạo mẫu mã mới, hạ thấp thành sản phẩm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời gian tới, các nhà sản xuất trong nước sẽ bước vào cuộc đua tranh giành thị phần quyết liệt, bởi năng lực sản xuất đang vượt quá nhu cầu. Điều này dẫn đến lợi nhuận biên của doanh nghiệp sẽ giảm. Nếu không có chiến lược kinh doanh hợp lý, doanh nghiệp sẽ không còn lợi nhuận để tái đầu tư, nhất là cho công tác nghiên cứu, phát triển.
“Trong các năm tới, mức độ cạnh tranh trong ngành gạch ốp lát rất khốc liệt, đặc biệt ở phân khúc gạch ceramic. Nguyên nhân bởi tăng trưởng của ngành công nghiệp này mạnh hơn so với nhu cầu tiêu thụ, tức đã xuất hiện tình trạng cung vượt cầu”, ông Phạm Văn Bắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam cho biết.
Doanh nghiệp phải làm gì?
Để đối phó với nhu cầu vật liệu của thị trường bất động sản giảm, ông Nam cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước cần phải có kế hoạch sản xuất phù hợp, đổi mới công nghệ, hướng đến sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.
“Ngoài chuyện tổ chức sản xuất tốt, tăng cường năng lực cạnh tranh, hàng hóa chất lượng cao, hạ giá thành, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và thị trường một cách bài bản, trong đó phải đẩy mạnh khuyếch trương thương hiệu”, ông Nam khuyến nghị.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Cung, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp trong nước phải chú trọng hơn nữa vào việc đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng phải giảm giá thành…
Đối với doanh nghiệp sản xuất xi măng, trong một báo cáo mới đây, VNCA cũng khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, nếu cần thiết phải giảm nguồn cung để tránh bị ép giá.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com