Đồ thị tuần VN - Index

Đồ thị tuần VN - Index

Thị trường vào giai đoạn tích lũy

(ĐTCK) VN-Index đã trở lại xu hướng tăng điểm, với mức tăng 5,18 điểm (0,83%) trong phiên cuối tuần sau hai phiên điều chỉnh liên tiếp nhờ sự phục hồi ấn tượng của nhóm cổ phiếu bảo hiểm và ngân hàng.

Khối ngoại trở lại mua ròng sau khi bán ròng nhẹ trong phiên liền trước, nhưng hoạt động chính của khối này vẫn là tái cơ cấu danh mục với giá trị mua bán khá lớn, nhưng giá trị bán ròng/mua ròng ở mức thấp.

Tính trong cả tuần, VN-Index đã tăng 13 điểm (khoảng 2%) với giá trị giao dịch được duy trì ở mức cao, xấp xỉ 3.000 tỷ đồng/phiên, cho thấy dòng tiền nội vào thị trường và áp lực chốt lời hiện đều ở mức cao.

Với thông tin về việc mở room, cho phép giao dịch trong phiên và tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong 6 tháng đầu năm, thông tin hỗ trợ cho thị trường vào thời điểm hiện tại là mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu phục hồi ấn tượng nhất trong thời gian qua lại là nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm chắc chắn sẽ không được mở room trong đợt này.

Như vậy, tác động thực sự của việc mở room đến từng cổ phiếu sẽ được thị trường phản ánh rõ ràng hơn khi thông tin này đi vào thực tế trong 2-3 tháng nữa sau khi có hướng dẫn chi tiết và từng doanh nghiệp cho thấy sự cởi mở thực sự của mình với chính sách mới này. Như vậy, tác động thực sự của việc mở room sẽ không đến sớm hơn quý IV/2015, thậm chí có thể phải sau mùa đại hội cổ đông năm sau.

Tương tự, nhà đầu tư đánh giá việc cho phép giao dịch T+0 sẽ tác động lớn đến thanh khoản, khiến TTCK hấp dẫn hơn. Cùng với việc mở room và thúc đẩy các doanh nghiệp lớn lên sàn sẽ tạo động lực thu hút thêm dòng vốn đầu tư cả trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, tác động thực sự của các chính sách này sẽ chỉ bắt đầu khi các chính sách này đi vào cuộc sống, thậm chí việc thu hút đầu tư sẽ chỉ đến sau đó cùng với hoạt động quảng bá thị trường Việt Nam cởi mở hơn của các CTCK, công ty quản lý quỹ và cả cơ quan nhà nước. Như vậy, tác động của các chính sách sẽ là tích cực lâu dài với thị trường, nhưng sẽ không đến trước cuối năm nay.

Như vậy, trong ngắn hạn, khi các cổ phiếu ngân hàng quốc doanh đã tăng quá mạnh (trên 100%), nhóm cổ phiếu bảo hiểm (chủ yếu là BVH) có vốn hóa không đủ lớn để có thể dẫn dắt thị trường, VN-Index vẫn chưa tìm thấy nhóm cổ phiếu dẫn dắt mới để vững vàng vượt qua vùng giá 630-640 điểm. Ngoài cổ phiếu ngân hàng, 3 nhóm cổ phiếu có đủ khả năng dẫn dắt thị trường bao gồm dầu khí, bất động sản và nhóm VNM, FPT, REE (đều đã hết room).

Cả ba nhóm này đều chưa thể hiện xu hướng tăng một cách rõ ràng do các vấn đề riêng. Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh của việc giá dầu giảm và duy trì ở mức thấp. Nhóm VNM, FPT, REE chịu tác động mạnh của việc mở room và tác động giá của nhóm này có thể sẽ không sớm hơn 3 tháng nữa, khi mà phản ứng của từng doanh nghiệp với việc mở room được làm rõ.

Nhóm bất động sản có triển vọng nhất do thanh khoản của thị trường đã phục hồi trở lại, nhưng gánh nặng nợ và khả năng bán hàng cụ thể của từng doanh nghiệp vẫn khiến nhà đầu tư lo ngại do việc đóng băng của thị trường này đã kéo dài suốt 5 năm qua. Theo báo cáo của CBRE, tình hình bán hàng trong 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp đã được cải thiện, đặc biệt là trong quý II. Khả năng kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp nhóm này có thể sẽ làm yên lòng nhà đầu tư. Như vậy, dù tín hiệu tăng giá của nhóm cổ phiếu này, đặc biệt là VIC, chưa rõ ràng, chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là nhóm dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

Về triển vọng chung, VN-Index đang gặp vùng kháng cự rất mạnh 630-640 điểm và chưa tìm ra nhóm cổ phiếu dẫn dắt phù hợp. Tuy nhiên, xu hướng của chỉ số này vẫn đang rất tốt về cả ngắn hạn và dài hạn. Do vậy, nhiều khả năng, VN-Index sẽ tích lũy trong vùng giá hiện tại trong thời gian tới để đợi thông tin chính xác về kết quả kinh doanh quý II và xa hơn là tác động của các chính sách mới.

Tin bài liên quan