Đó là quan điểm của ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) trong cuộc trao đổi với ĐTCK.
Thị trường vàng, ngoại hối Việt Nam biến động khá mạnh trong những ngày qua, trước diễn biến căng thẳng trên Biển Đông. Từ góc độ ngân hàng nước ngoài, ông có bình luận gì?
Trong 2 tuần gần đây, VND mất giá khoảng 0,2% và giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế xấp xỉ 4 triệu đồng/lượng. Theo tôi, đây là sự biến động bình thường, mức độ biến động ở mức chấp nhận được. Các biến động này chủ yếu là do: thứ nhất, yếu tố tâm lý của một bộ phận dân cư chuyển dịch tiết kiệm từ VND sang USD hoặc vàng. Thứ hai, các ngân hàng giảm trạng thái ngoại tệ âm để bảo đảm an toàn ngoại hối. Thứ ba, các khách hàng xuất khẩu đóng các hợp đồng bán kỳ hạn ngoại tệ trước đây do lo ngại tỷ giá sẽ biến động thêm trong thời gian tới. Tuy nhiên, lực cầu ngoại tệ thực tế của các DN không có nhiều biến động do cầu của nền kinh tế vẫn ở mức thấp.
Tôi tin rằng, thị trường vàng và ngoại tệ sẽ sớm trở lại ổn định do: Việt Nam có mức thặng dư thương mại khoảng 2 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm và dự trữ ngoại hối hiện đạt trên 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô đang ổn định, lạm phát được kiểm soát và khó có khả năng tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi VND vẫn đang ở mức hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi USD. Trong khi đó, NHNN đã thực hiện rất tốt các biện pháp chống đô la hóa nền kinh tế thông qua Thông tư 37 bằng việc hạn chế cho vay ngoại tệ đối với các DN không có nguồn thu ngoại tệ. Do đó, sẽ không có nhiều DN không có nguồn thu ngoại tệ phải mua ngoại tệ trên thị trường để trả nợ khoản vay ngoại tệ khi thị trường có biến động.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trước những biến động vừa qua, NHNN cần có biện pháp cụ thể hơn, thay vì chỉ ra thông cáo trấn an. Theo ông, cần giải pháp gì cho thị trường vàng và ngoại tệ?
Theo tôi, các biến động nhỏ của thị trường trong thời gian gần đây cũng có yếu tố tích cực, giúp các DN và ngân hàng nhận thấy cần phải quản trị rủi ro một cách tích cực và chủ động. Chúng ta không thể luôn cho rằng, tỷ giá sẽ không bao giờ biến động mạnh và không cần quản trị rủi ro về tỷ giá USD/VND. Mức độ biến động hiện nay của tỷ giá và giá vàng nằm trong mức chấp nhận được, tỷ giá vẫn đang giao dịch trong biên độ quy định.
Tôi nghĩ rằng, NHNN sẽ xem xét can thiệp vào thị trường khi thị trường có biến động quá mạnh, gây ảnh hưởng lên tính ổn định của thị trường. Nếu tỷ giá USD/VND tăng mạnh và các DN không thể mua được ngoại tệ ở mức tỷ giá trần, tôi tin rằng, NHNN sẽ xem xét khả năng can thiệp bằng việc bán ngoại tệ ra trên thị trường hoặc hút bớt tiền đồng ra khỏi hệ thống. Việc hút bớt VND ra khỏi hệ thống sẽ khuyến khích các ngân hàng bán ngoại tệ trên thị trường. Về thị trường vàng, khả năng đấu thầu vàng để cung ứng vàng cho thị trường là hoàn toàn có thể, nếu chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao và gây áp lực lên tỷ giá USD/VND.
2 tuần gần đây, VND mất giá khoảng 0,2%
Với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài, ông có quan ngại về tình hình kinh doanh ở Việt Nam?
Sự kiện Biển Đông và một số sự kiện xảy ra vào tuần trước tại một số tỉnh, thành có thể làm thị trường quên đi thực tế là Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc ổn định kinh tế vĩ mô trong hơn 2 năm gần đây và Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo tôi, các sự kiện diễn ra tuần trước chỉ mang tính chất nhất thời và khó có khả năng lặp lại trong tương lai. Các cam kết và hành động kịp thời của Chính phủ và NHNN gần đây về việc đảm bảo tính ổn định của hệ thống, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh đã giúp tạo niềm tin vào môi trường đầu tư ổn định tại Việt Nam. Cái quan trọng nhất chúng ta cần làm là hỗ trợ các DN khôi phục sản xuất - kinh doanh một cách nhanh nhất và tích cực truyền thông trong nước và ra quốc tế để mọi người hiểu rõ quan điểm, định hướng của Chính phủ Việt Nam.
Sau sự kiện Biển Đông, hoạt động tại HSBC Việt Nam có những thay đổi gì?
Hoạt động của HSBC Việt Nam và các khách hàng vẫn diễn ra bình thường. Nhìn chung, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin rằng, những sự kiện diễn ra trong tuần trước chỉ là một vài sự kiện riêng lẻ và khó có khả năng lặp lại. Không có hiện tượng khách hàng rút tiền ra khỏi ngân hàng. Hầu hết DN đã bắt đầu lại hoạt động sản xuất - kinh doanh vào đầu tuần này. Điều này cũng chứng tỏ khả năng xử lý tình huống và phương án dự phòng của các DN là rất tốt.
Các DN hiện đang xem xét phương án dự phòng trong trường hợp nguồn cung nguyên vật liệu và máy móc từ một số thị trường bị gián đoạn. Đây là giải pháp cần thiết vì nếu chúng ta phụ thuộc nguồn nguyên liệu hoặc thị trường xuất khẩu vào một thị trường nhất định, các DN sẽ gặp khó khăn khi có biến động trên thị trường đó. HSBC cũng đang tích cực làm việc với các khách hàng bị ảnh hưởng nhằm hỗ trợ các DN này vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất - kinh doanh một cách nhanh nhất.