Theo Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN (Thông tư 22), ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ ngày 1/6/2014, hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất và mua bán vàng trang sức, kinh doanh vàng miếng sẽ phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, chất lượng, hàm lượng sản phẩm. Các sản phẩm vàng nữ trang bày bán sẽ phải gắn với tiêu chuẩn, chất lượng, xuất xứ, kiểu dáng kích cỡ… theo nhãn mác và niêm yết công khai.
Có thể nói, Thông tư 22 là bước đột phá lớn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bởi lâu nay, việc kiểm soát chất lượng vàng trang sức bị thả nổi, khiến gần như 100% sản phẩm loại này bày bán trên thị trường là vàng ăn gian tuổi.
Một thời gian dài, các “thượng đế” bị nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng ngang nhiên móc túi. Đây có thể là lý do giải thích vì sao, nhiều doanh nghiệp lại lên tiếng phản ứng khi Thông tư 22 sắp có hiệu lực thi hành.
Lý lẽ mà một số doanh nghiệp đưa ra là lượng vàng trang sức tồn kho hiện rất lớn và không đủ điều kiện để lưu hành theo chuẩn của Thông tư 22. Vì vậy, nếu thực hiện theo Thông tư này, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn, bởi phải nấu lại các sản phẩm vàng hoặc phải lùi tuổi vàng cho đúng hàm lượng, đúng tuổi ghi trên sản phẩm. Thậm chí, có doanh nghiẹp còn đề nghị gia hạn thời điểm thực hiện thông tư thêm... 1 năm.
Song trên thực tế, thời gian quay vòng một sản phẩm vàng nữ trang chỉ là 45 ngày, trong khi đã 8 tháng kể từ khi Thông tư 22 ban hành đến khi có hiệu lực. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp thừa sức tái sản xuất các sản phẩm theo quy chuẩn mới. Đó là chưa kể chẳng doanh nghiệp nào lại dại dột “ôm” sản phẩm vàng trong vòng 8 tháng liền để bị chôn vốn.
Ngay cả khi lượng vàng tồn kho chưa bán hết, thì việc ghi lại tuổi vàng, hàm lượng vàng trên sản phẩm cũng không phải quá khó. Hiện hầu hết các doanh nghiệp lớn đã điều chỉnh lại tuổi vàng ghi trên sản phẩm cũ và sản xuất sản phẩm mới theo đúng quy chuẩn của Thông tư 22. Đây cũng là cách để họ khẳng định uy tín của mình.
Thái độ “cù nhầy” trong thực hiện chính sách, đợi đến giờ G mới phản ứng mạnh nhằm tạo sức ép với cơ quan quản lý nhà nước, đề nghị hoãn thời gian thực hiện Thông tư 22 là hành vi kinh doanh không “fair” của một số doanh nghiệp nhỏ và họ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Người tiêu dùng kỳ vọng, việc thực hiện nghiêm Thông tư 22 sẽ góp phần siết lại kỷ cương trên thị trường vàng trang sức, bảo vệ quyền lợi “thượng đế”. Nhìn rộng hơn, việc lập lại trật tự trên thị trường vàng trang sức sẽ hoàn thiện miếng ghép trong quản lý thị trường vàng. Theo đó, cả vàng miếng lẫn vàng trang sức đều đi vào khuôn khổ.
Một khi được chuẩn hóa về chất lượng, vàng nữ trang trong nước cũng sẽ lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng. Hiện tại, mỗi năm Việt Nam phải nhập lượng vàng và vàng trang sức trị giá tới 3,5 tỷ USD, trong khi doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể chiếm lĩnh mảng này, thậm chí vươn ra xuất khẩu.
Dĩ nhiên, trong triển khai thực hiện, không loại trừ khả năng văn bản quy phạm còn những điểm chưa phù hợp với thực tế cuộc sống và cần được tiếp tục điều chỉnh. Thông tư 22 có thể không phải là ngoại lệ, song không thể lùi thời hạn áp dụng. Nói cách khác, không thể vì lợi ích của một bộ phận doanh nghiệp cố tình lợi dụng “tranh tối tranh sáng” để trục lợi, mà hy sinh quyền lợi chính đáng của hàng triệu người tiêu dùng.