Tuần qua, lần đầu tiên trong lịch sử, giá vàng nhẫn niêm yết cao hơn cả giá vàng miếng. Nếu như năm 2023, giá vàng nhẫn thấp hơn giá vàng miếng cả chục triệu đồng/lượng, thì hiện đã xấp xỉ nhau, có thời điểm còn cao hơn giá vàng miếng.
Đây là hiện tượng bất thường, bởi vàng miếng SJC là thương hiệu quốc gia, có tính thanh khoản cao, đóng vai trò như một loại tiền tệ, trong khi vàng nhẫn chỉ là vàng trang sức. Song xét trong bối cảnh các biện pháp quản lý thị trường vàng đang duy trì hiện nay, thì tình trạng trên lại không hề đáng ngạc nhiên.
Cho dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép 4 ngân hàng thương mại nhà nước (big 4) và SJC bán vàng miếng trực tiếp cho dân, nhưng chỉ một lượng rất nhỏ người dân có thể mua vàng. Các doanh nghiệp, ngân hàng này đều bán vàng trực tuyến với khối lượng nhỏ giọt, hầu như hết sạch chỉ sau vài phút mở bán.
Vàng miếng khan hiếm, người dân đổ xô chuyển sang vàng nhẫn, khiến vàng nhẫn cũng khan hiếm theo và đắt ngang ngửa với vàng miếng.
Không những thế, thị trường vàng cũng đã xuất hiện nhiều biến tướng, có dấu hiệu hình thành thị trường “chợ đen” vàng miếng và tình trạng thuê xếp hàng, mua lại suất mua vàng... Nguyên nhân là giá vàng mà SJC và big 4 ngân hàng bán ra thấp hơn 2-3 triệu đồng so với thị trường chợ đen, khiến nhiều người tranh thủ mua đi, bán lại kiếm lời.
Dù mục tiêu kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã được NHNN thực hiện thành công, nhưng những bất cập tồn tại trên thị trường vàng cho thấy, cơ chế quản lý thị trường vàng hiện nay vẫn chưa tối ưu.
Trước mắt, các giải pháp hiện tại có thể khiến thị trường vàng tạm lắng, song khi những con sóng này bị “ngầm hóa”, thị trường chợ đen phình to, thì về sau, công tác quản lý sẽ thêm khó khăn.
Đầu tư, tích lũy vàng, “vàng ống bơ” đã trở thành thói quen của người dân. Với đa phần người Việt còn ít am hiểu về thị trường chứng khoán, không có nhiều tiền đầu tư vào bất động sản, thì vàng và tiền gửi tiết kiệm là hai kênh đầu tư phổ biến nhất.
Mua bán, tích trữ vàng là quyền lợi hợp pháp của người dân, bên cạnh các hình thức tích lũy tài sản khác như gửi tiết kiệm, mua ngoại tệ, mua đất… Thậm chí, với không ít người, tích lũy vàng còn tốt hơn tích lũy đất, bởi vàng có tính thanh khoản cao, dễ chuyển đổi sang dạng tài sản khác.
Chính vì vậy, cơ quan quản lý cần có thêm các giải pháp dài hạn hơn cho thị trường vàng, bởi mấu chốt để ổn định thị trường là phải cân đối được cung - cầu.
Theo đó, thay vì co hẹp nguồn cung, hạn chế mua bán, cơ quan quản lý cần có giải pháp tăng cung bằng cách cho nhập khẩu vàng song hành với biện pháp tác động nhằm giảm mức cầu đối với sản phẩm này.
Vẫn biết, nỗi lo tỷ giá hiện là rào cản lớn nhất khiến cơ quan quản lý lo ngại nếu cho phép nhập khẩu vàng. Song việc chi 2-3 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu vàng có lẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến “kho” ngoại tệ, chưa kể còn có thể kích thích xuất khẩu vàng trang sức để thu ngoại tệ về.
Về giảm cầu, giải pháp quan trọng nhất là đánh thuế hợp lý, minh bạch hóa thị trường vàng, đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cũng như các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… phát triển. Một khi sản xuất, kinh doanh phục hồi, các kênh đầu tư khác phát triển, thì người dân sẽ tự khắc giảm vốn đầu tư vào vàng.
Dĩ nhiên, giải pháp quan trọng nhất để người dân không đổ xô vào vàng là phải kiểm soát được lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Một khi lạm phát tăng cao, tiền đồng mất giá, người dân sẽ càng lao vào vàng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng cần xem xét sửa đổi, có thể thí điểm thực hiện một số giải pháp mới nhằm ổn định thị trường vàng dài hạn, trong đó có việc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng, bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu thấu đáo đề xuất lập sàn vàng, để tránh những tác động bất lợi.