Thị trường vàng 40 tỷ USD: hãy chọn cách làm khác

Thị trường vàng 40 tỷ USD: hãy chọn cách làm khác

Thị trường vàng Việt Nam không thể là một ốc đảo khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập khá sâu, rộng với nền kinh tế toàn cầu.

> Ngân hàng muốn giữ hộ vàng phải có giấy phép của NHNN

> Ngân hàng vẫn nhộn nhịp đấu thầu vàng

> Sau tất toán, cầu vàng vẫn vượt dự báo

Thị trường 40 tỷ USD này cần một cách làm khác, thay vì giao dịch vàng vật chất như hiện nay, hãy nghĩ đến việc tạo dựng một công cụ tài chính dựa trên vàng vật chất, bởi tới 90% nhà đầu tư vàng không quan tâm đến miếng vàng cụ thể, mà chỉ muốn kiếm lợi nhuận trong các giao dịch vàng. Với góc độ là một chuyên gia, Ông Lê Hải Trà (ảnh), Ủy viên HĐQT, Phó TGĐ Thường trực Sở GDCK TP. HCM có cuộc trao đổi với ĐTCK.

 

Diễn biến thị trường vàng gần đây cho thấy, giá vàng trong nước vẫn có khoảng cách lớn với giá vàng thế giới, khác xa với những dự báo về việc thu hẹp chênh lệch giá vàng sau thời điểm các ngân hàng phải tất toán trạng thái vàng vào 30/6. Ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện này ra sao?

Thị trường vàng Việt Nam hiện có quy mô khoảng 40 tỷ USD, một khối tài sản rất lớn. Tuy nhiên, xét trên bình diện thị trường vàng thế giới, thị trường vàng Việt Nam vẫn rất nhỏ bé, vì vậy, không có lý gì để thị trường vàng trong nước tồn tại như một ốc đảo riêng, không theo sát với những biến động của thị trường thế giới.

Gọi là ốc đảo riêng, vì nó không được liên thông một cách tự do (bởi những hàng rào chặt chẽ về giao dịch, xuất nhập khẩu vàng…). Do vậy, để vàng đi vào giao dịch, phải trải qua quá trình mất nhiều thời gian và chi phí. Những yếu tố đó góp phần khiến giá vàng trong nước không thể thích ứng nhanh với những biến động của giá vàng thế giới. Điều này cũng lý giải vì sao có thời điểm giá vàng quốc tế giảm mạnh, nhưng đà giảm của giá vàng trong nước không theo kịp.

Theo tôi, rất khó có thể điều hành thị trường vàng dựa trên cơ sở thị trường vàng vật chất như vậy, vừa tốn kém nguồn lực xã hội, vừa cồng kềnh, khó có thể đưa giá vàng Việt Nam liên thông mật thiết với giá vàng thế giới. Xuất nhập khẩu vàng không phải là giải pháp hiệu quả hay duy nhất đối với bài toán giá vàng.

 

Tuy nhiên, nhiều người dân Việt Nam có tâm lý thích nắm giữ vàng vật chất. Để tạo sự liên thông với thị trường quốc tế, theo ông, làm thế nào để vượt qua rào cản này?

Thực tế, nhu cầu nắm giữ vàng vật chất chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng cầu vàng trên thị trường. Ước tính, có tới 90% nhu cầu mua bán vàng hiện tại chỉ nhằm mục đích đầu tư, đầu cơ, hưởng lợi từ biến động giá vàng. Do vậy, đối với một thị trường mà các thành viên không quan tâm nhiều đến giá trị sử dụng, chỉ quan tâm đến lợi ích của giá, thì không nhất thiết phải tốn công sức trong việc tạo dựng một thị trường vàng vật chất. Đã đến lúc Việt Nam cần tính đến việc thiết lập một công cụ tài chính dựa trên nền tảng giá vàng, nhằm thúc đẩy thị trường vàng giao dịch nhanh hơn, hiệu quả hơn, bám sát với giá vàng thế giới hơn. Công cụ tài chính đó sẽ đáp ứng được tới 90% nhu cầu giao dịch vàng. Phần còn lại là không gian của thị trường vàng vật chất, phục vụ những người có nhu cầu giao dịch các sản phẩm vàng thực.

 

Một số ngân hàng từng mở sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng tài khoản, nhưng những hoạt động này đã bị cấm từ ngày 30/3/2010, thưa ông?    

Việc bùng nổ “chợ vàng” của các ngân hàng thời gian trước thể hiện sự manh mún, đặc thù và rủi ro. Mỗi ngân hàng là một cái chợ, tự quản lý, không có một hệ thống luật lệ thống nhất để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia giao dịch. Theo tôi, trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần tính đến việc xây dựng một thị trường công cụ tài chính về vàng một cách chính thức, có luật lệ rõ ràng, áp dụng các chuẩn mực thanh toán tài chính chứ không phải thanh toán vật chất, như cách mà nhiều nước đã và đang vận hành các thị trường vàng trên thế giới rất hiệu quả.

 

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về cách xây dựng thị trường vàng dựa trên công cụ tài chính liên quan đến vàng?

Trên thị trường tài chính thế giới, có nhiều sản phẩm liên quan đến vàng. Một trong những sản phẩm thành công nhất hiện nay trong việc thu hút sự tham gia của công chúng đầu tư là quỹ ETF vàng. Dựa trên một lượng vàng vật chất được kiểm đếm, bảo quản nghiêm ngặt, người ta sẽ phát hành các chứng chỉ vàng tương ứng ra thị trường. Chứng chỉ ETF vàng được niêm yết và giao dịch tập trung trên Sở giao dịch chứng khoán. Thay vì phải giao dịch vàng thật, các nhà đầu tư sẽ giao dịch chứng chỉ ETF vàng như giao dịch chứng khoán hiện nay.

Đây là một công cụ hoàn toàn khả thi trong điều kiện Việt Nam. Cũng giống như cổ phiếu, hãy tư duy về một thị trường vàng phi vật chất, ở đó, các hoạt động giao dịch được tiến hành nhanh chóng, an toàn, thuận tiện hơn rất nhiều. Chúng ta cũng đã từng đối mặt với thách thức tương tự về chứng chỉ cổ phiếu khi xây dựng thị trường chứng khoán. Trên thực tế, việc tập trung hóa và phi vật chất hóa chứng chỉ chứng khoán đã diễn ra rất thành công và hiệu quả.