Khi thị trường trong xu hướng tiêu cực, việc bảo vệ tài sản là ưu tiên hàng đầu.

Khi thị trường trong xu hướng tiêu cực, việc bảo vệ tài sản là ưu tiên hàng đầu.

Thị trường vẫn cẩn trọng với bull trap

(ĐTCK) Sau phiên hồi phục chóng vánh cuối tuần qua, chứng khoán Việt Nam lại tiếp tục bị “cuốn” theo cơn bão giảm điểm của thị trường chứng khoán toàn cầu. 

Chỉ số VN-Index ghi nhận giảm hơn 18 điểm trong phiên ngày 15/10, rơi xuống mức 950 điểm, với thanh khoản khá thấp. Điều đáng mừng là chưa xảy ra tình trạng hoảng loạn từ phía nhà đầu tư.

Chỉ số giảm điểm mạnh được lý giải là do giá của các cổ phiếu trụ rơi sâu. Nhưng liên tiếp các phiên giảm điểm diễn ra làm cho xu hướng tăng trung hạn của thị trường bị bẻ gãy.

Ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia phân tích lưu ý về sự hồi phục “giả tạo” của thị trường để “thoát hàng”, hay còn gọi là bull trap. Bởi xu hướng ngắn hạn của thị trường đang cho thấy chuyển biến tiêu cực nhanh chóng, đồng thời diễn biến này rất bất ngờ và khó lường.

Chẳng hạn, phiên hồi phục cuối tuần qua (12/10) mang đậm nét của một sự hồi phục thông thường sau khi bị bán tháo mạnh ở phiên trước đó, mà không xuất hiện cổ phiếu trụ cột mang tính dẫn dắt.

Ông Dương Hoàng Linh, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) cho rằng, ở thời điểm hiện tại, khi thị trường đang có diễn biến tiêu cực, việc bảo vệ tài sản cần phải được chú trọng trước tiên.

Việc cố gắng tìm kiếm lợi nhuận không phải là ưu tiên, cơ hội cho việc này không cao và hoàn toàn không dễ dàng. Thậm chí, các phiên bật tăng là cơ hội để giảm tỷ trọng cổ phiếu, đưa danh mục đầu tư về mức an toàn, kiểm soát, đặc biệt với nhà đầu tư ngắn hạn.

Đồng quan điểm, ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, giai đoạn này, nhà đầu tư cần xem xét thật kỹ các tín hiệu về mặt xu hướng để đánh giá xem thị trường có khả năng xuất hiện bull trap hay không; đồng thời, nên hạn chế tối đa các hoạt động mua đuổi cổ phiếu ở các mức giá cao trong phiên hồi phục mạnh của thị trường sau đó.

Bởi các yếu tố hỗ trợ thị trường như diễn biến vĩ mô, thế giới, dòng tiền, khối ngoại... hiện tại vẫn chưa thực sự ủng hộ cho một xu thế tích cực cả trong ngắn hạn và trung - dài hạn.

Nếu muốn giải ngân ở thời điểm này, ông Bách cho rằng, các cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt đã hé lộ kết quả kinh doanh tích cực là lựa chọn an toàn hơn. Ngoài ra, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng đáng được lưu tâm, bởi nhóm ngành này được dự báo sẽ có một năm tăng trưởng khá mạnh.

Từ sau khi chỉ số VN-Index mất đỉnh lịch sử (trong tháng 4) đến nay, thị trường chứng khoán trong nước đã xảy ra khá nhiều phiên bull trap. Vì vậy, sự thận trọng là điều cần thiết lúc này.

Tuy nhiên, sẽ vẫn có nhiều nhà đầu tư bắt đáy nếu thị trường giảm thêm, bởi vì nhiều mã cổ phiếu đã hay sắp rơi vào vùng quá bán, nhưng phần lớn là “đánh T+3”, chứ không phải vì thấy rẻ mà mua. Nhưng giao dịch này chủ yếu dành cho những nhà đầu tư có rất nhiều kinh nghiệm.

“Tôi đã từng chứng kiến sự kiện này nhiều lần và giai đoạn này nếu nhà đầu tư lướt sóng T+ với hàng sẵn có không cẩn thận vẫn lỗ và lỗ không hề nhỏ. Vì thế, cần thật sự chắc chắn với quyết định mua bán của mình và nên xác định biên độ của giá từ đáy lên khoảng 15% là tối đa.

Cổ phiếu sẽ giao dịch trong biên độ đó trong ít nhất 1 tháng. Nếu có tin tức tốt xuất hiện, có thể lúc đó mới có xu hướng tăng giá thực sự và bắt đầu thoát khỏi đà giảm”, nhà đầu tư T.V Nam chia sẻ.

“Không chấp nhận cắt lỗ” hay “chơi chứng khoán mà cắt lỗ như lên xe đổ đèo mà không dùng phanh”… là khẳng định của nhiều nhà đầu tư khi được hỏi về quyết định sẽ bám trụ thị trường hay tháo chạy ở thời điểm này.

Dù vậy, “vẫn còn quá sớm để kết luận nhịp điều chính của thị trường đã kết thúc, bởi xu hướng ngắn hạn vẫn đang khá xấu trong bối cảnh hàng bắt đáy trong hai phiên cuối tuần vừa qua sẽ về tài khoản trong tuần này và áp lực xả hàng vẫn còn hiển hiện”, nhà đầu tư Nguyễn Cường chia sẻ.    

Tin bài liên quan