Thị trường Trung Đông đang gần lại

0:00 / 0:00
0:00
Khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (CEPA) có hiệu lực, sẽ đưa thị trường Trung Đông rộng mở với hàng Việt, nhờ giảm thuế và thuận lợi hóa thương mại.

Đón đầu xuất khẩu

Hơn 300 mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, phổ biến là nông sản chế biến, rau quả, trái cây, hàng tiêu dùng nhanh và nhóm hàng công nghiệp như dệt may, giày dép… đang được bày bán trên các kệ hàng thuộc hệ thống siêu thị của Lulu - tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Tới đây, danh mục hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bán tại UAE và các nước Trung Đông sẽ mở rộng hơn nữa, bởi Tập đoàn Lulu có kế hoạch tăng mua hàng từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Cam kết tăng mua hàng Việt, tập trung vào nhóm nông sản chế biến, hàng thủy sản, trái cây tươi, hàng tiêu dùng nhanh, được Giám đốc Tập đoàn Lulu, ông Thamban Kanna Poduval, nói với Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng tại sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại Siêu thị Lulu (Dubai) mới đây.

Nhóm mặt hàng được bán nhiều tại Lulu là nông sản thực phẩm thế mạnh của Việt Nam như hạt điều, các loại trái cây thanh long, chanh, ổi, mít, gạo, thực phẩm chế biến và thủy sản đông lạnh…

“Việt Nam có nhiều nông sản thực phẩm chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của người dân UAE. Sắp tới, với lợi thế của FTA song phương đã ký kết, Tập đoàn Lulu có kế hoạch tăng cường nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm trái cây tươi, thực phẩm chế biến, thủy sản…”, ông Thamban Kanna Poduval cho hay.

Thông qua Tập đoàn Lulu, hàng hóa Việt Nam không chỉ bán trong hệ thống siêu thị tại UAE, mà còn mở rộng ra các thị trường lân cận. Lulu đã đưa các sản phẩm Việt Nam sang Quatar, Ả rập Saudi… Để tận dụng cơ hội thị trường, Lulu đang tập huấn cho các đơn vị cung cấp Việt Nam có được chứng nhận Halal (chứng nhận sản phẩm được phép sử dụng cho những người theo đạo Hồi) để mở ra cánh cửa thâm nhập thị trường Hồi giáo.

Thương mại hàng hóa với thị trường UAE và khu vực Trung Đông đang có đà tăng tốc rõ rệt, với cú hích từ việc ký kết FTA song phương tháng 10/2024. Tới đây, khi CEPA được 2 bên phê chuẩn và đưa vào thực thi trong năm 2025, sẽ tạo bệ phóng để tăng tốc xuất khẩu, hưởng ưu đãi thuế quan.

CEPA là FTA đầu tiên mà Việt Nam đàm phán với một nước Ả-rập ở khu vực Trung Đông và châu Phi, là bước khởi đầu cho việc thúc đẩy quan hệ với UAE và khu vực.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VNfruit) cho hay, xuất khẩu trái cây vào Saudi Arabia hay UAE và các nước Trung Đông đang chuyển biến tích cực. Thuận lợi là yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật tại UAE và Trung Đông không cao như Mỹ và EU. Cùng với đó, các điều kiện thông quan và giấy tờ thuận lợi hơn rất nhiều.

Kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang UAE năm 2023 gần 60 triệu USD, tăng 30%; trong 3 quý đầu năm 2024 đạt 51 triệu USD, còn với Saudi Arabia đạt 10,9 triệu USD.

Vượt qua trở ngại

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - UAE trong 10 tháng của năm 2024 đạt 5,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,8 tỷ USD, tăng gần 45%, nhập khẩu từ UAE là 713 triệu USD, tăng 17,8%. Dự kiến cả năm 2024, thương mại 2 chiều sẽ đạt 7 tỷ USD (xuất khẩu hơn 6 tỷ USD, nhập khẩu gần 1 tỷ USD).

Mục tiêu thương mại 2 chiều đạt 10 tỷ USD sẽ sớm thành hiện thực khi CEPA được thực thi.

Nguồn: Bộ Công thương

Theo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương), trong khuôn khổ Hiệp định CEPA, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi CEPA có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, từ đó sang các nước Trung Đông.

Đáng chú ý là, hai bên đã thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại với việc UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này, trong khi Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh.

Các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu như nông - thủy sản, đồ gỗ, hàng tiêu dùng gồm dệt may, da giày, điện tử… có nhiều cơ hội tăng tốc xuất khẩu.

Đường lớn đã thông, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang UAE nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung đã rộng hơn rất nhiều. Dù vậy, trong quá trình thực thi Hiệp định CEPA, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết của Hiệp định, cũng như nắm rõ tập quán kinh doanh của thị trường UAE và Trung Đông.

Hiện UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Các thị trường còn lại đang phát sinh giao dịch không lớn, chỉ vài chục triệu USD, riêng Iraq và Israel khoảng trên 1 tỷ USD/năm.

Giai đoạn 2018-2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (3-4 tỷ USD/năm). Năm 2023, tổng trao đổi thương mại hai chiều đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2022, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 4,3% và nhập khẩu đạt trên 676 triệu USD.

Dù là thị trường xuất khẩu lớn nhất tại Trung Đông, song UAE mới chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiện hàng Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Brazil, Sri Lanka…

Tin bài liên quan