Theo ông, Luật Chứng khoán sửa đổi có thể tác động như thế nào tới thị trường trái phiếu năm 2025?
Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội thông qua vào ngày 29/11/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã bổ sung một số quy định, nâng cao tính kỷ luật về nghĩa vụ công bố thông tin đối với tất cả các thành viên tham gia thị trường trái phiếu, từ tổ chức phát hành cho tới các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan. Ngoài ra, Luật cũng mô tả rõ quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, giám sát hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ và có những quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm cả phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ. Các quy định mới này có lợi cho trái chủ, thông qua việc ngăn chặn vi phạm từ các tổ chức phát hành trái phiếu, hạn chế hoạt động đầu tư có rủi ro cao, áp dụng bắt buộc các công bố thông tin kịp thời và xếp hạng tín nhiệm để cải thiện kỷ luật thị trường.
Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cao cấp Xếp hạng tín nhiệm và Nghiên cứu, VIS Rating |
Chúng tôi cho rằng, hoạt động phát hành riêng lẻ trong năm 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất, tâm lý thị trường được hồi phục, thể hiện ở việc hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói chung tăng trưởng trở lại trong năm 2024, với mức tăng đáng kể so với năm 2023. Thứ hai, môi trường tín nhiệm đang được cải thiện. Với hai động lực này, quy mô phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ tiếp tục tăng so với năm 2024.
Như vậy, ông đánh giá là năm 2025, thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực so với năm 2024?
Với hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng, tuy Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung quy định về điều kiện phát hành theo hướng chặt chẽ hơn nhưng sẽ không ảnh hưởng đến các kế hoạch phát hành cũng như tổng quy mô phát hành trái phiếu năm 2025.
Với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, theo các quy định cũ, cụ thể là Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP, trái phiếu phát hành riêng lẻ được phép phân phối cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và tổ chức chuyên nghiệp. Tuy nhiên, luật mới quy định rõ hơn và chặt chẽ hơn việc phân phối trái phiếu phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Cụ thể, các trái phiếu phát hành riêng lẻ nếu muốn phân phối cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, phải đáp ứng các điều kiện bao gồm: có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản đảm bảo hoặc có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng. Các trái phiếu phát hành riêng lẻ mà chỉ bán cho nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp thì không cần đáp ứng các điều kiện như vậy.
Luật Chứng khoán sửa đổi có điều khoản chuyển tiếp, theo đó, trái phiếu riêng lẻ phát hành trước ngày 1/1/2026 sẽ theo quy định cũ, tức là vẫn được phân phối cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, bao gồm nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Vì thế, các điều kiện áp dụng cho trái phiếu đã phát hành trước đây và phát hành trong năm 2025 chưa có sự thay đổi. Các tổ chức phát hành có 1 năm để chuẩn bị cho các quy định mới, nên các sửa đổi nói trên sẽ không gây sốc cho thị trường.
Xét về diễn biến chậm trả gốc/lãi hoặc không thể thanh toán (vỡ nợ), trong năm 2024, số trường hợp chậm trả đã giảm đi rất nhiều so với giai đoạn 2022 - 2023 và xu hướng này sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2025. Câu chuyện về trái phiếu chậm trả trong năm 2025 sẽ dần mờ nhạt, không đáng chú ý như giai đoạn trước.
Ngoài câu chuyện về chậm trả, có vấn đề bất ổn nào có thể tác động tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025 hay không?
Câu chuyện về chậm trả chúng ta đang nói tới là chậm trả phát sinh mới. Theo thống kê của VIS Rating, số lượng tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi phát sinh mới đã giảm rất nhiều trong năm 2024 và trong quý IV/2024, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp công bố chậm trả phát sinh mới. Tuy nhiên, các khoản trái phiếu đã chậm trả, đang trong quá trình xử lý, phải gia hạn hoặc đàm phán với trái chủ tái cấu trúc nợ vẫn còn đó. Chúng tôi ước tính tổng quy mô trái phiếu doanh nghiệp gặp tình trạng chậm trả cho tới nay là khoảng hơn 190.000 tỷ đồng.
Đây tiếp tục là vấn đề cần phải xử lý, sẽ có những doanh nghiệp không thể phục hồi, không còn khả năng trả nợ, gây ra thua lỗ cho nhà đầu tư, cho trái chủ của những trái phiếu đó. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, cũng như tài sản của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, điểm tích cực là chúng ta đã nhận diện được những trái phiếu có vấn đề, phần nào khoanh vùng được các trái phiếu/tổ chức phát hành gặp khủng hoảng.
Bên cạnh đó, các diễn biến trên thị trường giai đoạn vừa qua giúp nhà đầu tư phát triển hơn về nhận thức rủi ro. Khi tiến hành đầu tư, nhà đầu tư sẽ có những đánh giá phù hợp hơn về rủi ro khi lựa chọn trái phiếu, không còn “đánh đồng” mọi loại trái phiếu như trước. Nhiều trường hợp trước đây, trái phiếu của các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, có khả năng trả nợ cao cũng phải chịu mức giá giống như trái phiếu của doanh nghiệp có rủi ro cao. Chúng tôi cũng kỳ vọng xếp hạng tín nhiệm trở thành một kênh thông tin đối với thị trường, giúp nhà đầu tư phân biệt hoá về mặt rủi ro thông qua mức giá của trái phiếu.
Cùng với sự ấm lên của thị trường trái phiếu, các doanh nghiệp được thành lập chỉ để huy động vốn cũng có thể sẽ gia tăng trở lại. Ông có nhận xét gì về diễn biến này?
Trên thị trường, có những doanh nghiệp dự án, tuy chưa có lịch sử về hoạt động kinh doanh nhưng có dự án cụ thể và có kế hoạch huy động vốn để thực hiện dự án. Chúng tôi muốn nhắc tới các doanh nghiệp được thành lập với mục đích huy động vốn và sau đó dùng vốn sai mục đích. Đó là những doanh nghiệp cần được nhận diện, cần được đánh giá rủi ro một cách kỹ càng hơn.
Hiện tại, các quy định liên quan tới công bố mục đích sử dụng vốn đầu tư trái phiếu, cũng như báo cáo định kỳ sau khi phát hành của cơ quan nhà nước đã được thắt chặt. Đặc biệt, trong tháng 11/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 76/2024/TT-BTC, hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Theo đó, các nội dung phải báo cáo định kỳ liên quan đến số tiền huy động được, mục đích sử dụng và kết quả thực hiện đầu tư khi huy động được vốn từ phát hành riêng lẻ.
Chúng tôi kỳ vọng những quy định này sẽ giúp giám sát thị trường tốt hơn, doanh nghiệp cũng nắm rõ được vai trò và trách nhiệm công bố thông tin của mình, hạn chế tình trạng sử dụng doanh nghiệp để phát hành trái phiếu và sử dụng vốn huy động sai mục đích.
Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu huy động vốn trên thị trường của các doanh nghiệp, nhất là qua kênh trái phiếu?
Đối với doanh nghiệp, nhu cầu vốn lúc nào cũng có, nhất là vốn dài hạn. Hiện quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp so với tổng quy mô tín dụng ngân hàng rất nhỏ bé, chiếm chưa đầy 10%. Trong khi đó, nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp là hiện hữu và kênh trái phiếu đáng lẽ phải là nguồn huy động vốn dài hạn của doanh nghiệp nhưng vẫn chưa thể thực hiện vai trò này một cách mạnh mẽ.
Định hướng của Chính phủ cũng xác định thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn rất quan trọng cho doanh nghiệp. Mục tiêu tới năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP, năm 2030 đạt 25% GDP, trong khi hiện tại con số này mới là khoảng 10%. Đây sẽ là dư địa lớn để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.
Về phía nhà đầu tư, rõ ràng, nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân có nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân tuy đã trải qua một đợt khủng hoảng về niềm tin giai đoạn trước, nhưng hiện tại niềm tin dần hồi phục, thể hiện qua khối lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp qua nền tảng giao dịch trái phiếu riêng lẻ của HNX gia tăng. Chúng tôi cũng quan sát thấy có nhiều nhà đầu tư tổ chức - những đơn vị đầu tư chuyên nghiệp và am hiểu thị trường vẫn đang tích cực đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.