Cần một luật chơi công bằng với tất cả
Theo quan sát của người viết, hiện có sự đối xử chưa công bằng hoặc có tính khu biệt giữa thị trường trái phiếu DN và TPCP; giữa các chủ thể đầu tư trên thị trường. Theo quy định hiện hành, thị trường lãi suất liên ngân hàng và nghiệp vụ thị trường mở (OMO) là hai thị trường mà chỉ riêng các NHTM, đối tượng của thị trường tiền tệ được là thành viên. Trên thị trường vốn, TTCK, chỉ có các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ mới được làm thành viên. Tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), các NHTM được là thành viên thị trường TPCP, nhưng không được là thành viên thị trường trái phiếu DN tại HOSE. Điều này tạo ra hệ lụy sau:
Thứ nhất, NHTM đầu tư TPCP sẽ rẻ hơn đầu tư trái phiếu DN, do phí giao dịch khi là thành viên thấp hơn so với phí giao dịch khi là nhà đầu tư. Điều này làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu DN, ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường trái phiếu DN.
Thứ hai, NHTM đầu tư TPCP có chi phí rẻ hơn tương đối so với các nhà đầu tư khác, chẳng hạn công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính, công ty đầu tư, các quỹ đầu tư. Trong khi đó, về lâu dài, các quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ hưu trí sẽ là những chủ thể tham gia sôi động nhất của thị trường trái phiếu.
Nêu lên thực tế này, người viết mong muốn nhà quản lý sẽ sớm tạo ra một luật chơi công bằng với tất cả các bên, với tất cả các công cụ tài chính. Hãy giúp các chủ thể trong thị trường thực hiện đúng vai trò của họ là nhà môi giới cung cấp dịch vụ, hay là nhà đầu tư.
Thời gian thanh toán cần hoàn toàn là T+1
Nếu hệ thống chưa thể rút ngắn thời gian thanh toán về T+ 0 thì việc rút thời gian thanh toán về đúng bản chất T+1 là một yêu cầu cần thiết. Trong khi thanh toán giao dịch cổ phiếu đã rút ngắn thời gian thanh toán về đúng bản chất T+3 thì trái phiếu vẫn chưa hoàn toàn là T+1. Vì đến ngày T+2, người mua mới có thể giao dịch được trái phiếu của mình và đến chiều ngày T+1, người bán mới sử dụng được tiền của mình, trong khi giao dịch trái phiếu là giao dịch có giá trị lớn, khối lượng giao dịch thường từ mức 50 tỷ đồng trở lên. Việc thời gian giao dịch chưa thể hiện đúng bản chất T+1 làm giảm tính thanh khoản của trái phiếu.
Cần cơ chế cho phép sửa lỗi giao dịch
Các giao dịch trái phiếu chủ yếu diễn ra dưới hình thức giao dịch thỏa thuận, trong khi việc thỏa thuận giá trong thực tế không thể diễn ra cách ngày thực hiện giao dịch quá dài vì sự biến động thị trường, nên hợp đồng và phiếu lệnh thường được hoàn thành vào cận giờ đóng cửa phiên giao dịch, dẫn tới tình trạng dồn ứ lệnh. Điều này gây ức chế cho các đại diện giao dịch, dễ dẫn đến sai sót khi nhập lệnh. Việc nhập nhầm chiều mua/bán dẫn tới việc xảy ra các lỗi giao dịch rất nặng do không có trái phiếu thanh toán mà đáng lý ra chỉ bằng động tác sửa giao dịch thì giao dịch có thật vẫn xảy ra, trong khi không cần phải hủy giao dịch. Đã nhiều lần các thành viên đề xuất cho phép sửa chiều giao dịch mua/bán của các lệnh thỏa thuận đã khớp, nhưng hiện vẫn chưa được chấp thuận. Việc không cho sửa chiều giao dịch, dẫn tới hủy giao dịch, làm giảm quy mô giao dịch, không tạo điều kiện cho các chủ thể thị trường tham gia giao dịch vào những phút cuối trước giờ đóng cửa.
Cần có tổ chức định mức tín nhiệm
Để thị trường trái phiếu phát triển, ngoài việc giải quyết ba bất cập nêu trên thì điều kiện tiên quyết là môi trường kinh tế vĩ mô phải ổn định, trong đó có sự ổn định của chính sách tỷ giá, chính sách lãi suất và lạm phát.
Thực tế cho thấy, hệ lụy của sự bất ổn định trong nền kinh tế vĩ mô sẽ khiến lãi suất cho vay trên thị trường tăng cao, dẫn tới thị trường trái phiếu DN “bất động” trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, những trái phiếu có giao dịch thì giá cả ở mức chiết khấu rất cao, đặc biệt là nguy cơ rút vốn ra khỏi thị trường, nhất là từ phía các nhà đầu tư nước ngoài.
Một đòi hỏi khác từ thực tế khách quan của nền kinh tế là cần nhanh chóng thiết lập hành lang pháp lý cho sự ra đời, hoạt động của các tổ chức định mức tín nhiệm. Việc ra đời các tổ chức này sẽ giúp thẩm tra lại và công bố “sức khỏe” tài chính của các tổ chức phát hành trái phiếu khi chào bán trái phiếu. Định chế này sẽ giúp hạn chế các rủi ro về khả năng thanh toán gốc và lãi trái phiếu của chủ thể phát hành, tránh trường hợp mất khả năng thanh toán như trái phiếu của Megaland với Tài chính Vinaconex Viettel trong thời gian vừa qua.