Thị trường trái phiếu toàn cầu trải qua đợt bán tháo tồi tệ nhất kể từ những năm 1990

Thị trường trái phiếu toàn cầu trải qua đợt bán tháo tồi tệ nhất kể từ những năm 1990

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái phiếu đầu tư toàn cầu đang trải qua đà bán tháo tồi tệ nhất trong ít nhất ba thập kỷ dựa trên Chỉ số tổng lợi nhuận trái phiếu toàn cầu của Bloomberg.

Theo dữ liệu của FactSet, quỹ ETF iShares Core theo dõi điểm chuẩn trái phiếu toàn cầu bao gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và các loại trái phiếu có thu nhập cố định khác tính bằng 28 đồng tiền đã giảm 21,5% so với năm trước, đây là mức giảm theo phần trăm mạnh nhất kể từ ít nhất là năm 2017.

Nikolaos Panigirtzoglou, chiến lược gia tại JP Morgan đã mô tả mức tăng 2,5% của lợi suất chỉ số trái phiếu tổng hợp toàn cầu trong 9 tháng qua là “mức tăng mạnh nhất và lớn nhất trong lịch sử của chỉ số”. Giá trái phiếu và lợi suất di chuyển theo hướng ngược nhau.

Chỉ số trái phiếu tổng hợp toàn cầu xuất hiện từ đầu những năm 1990, và ban đầu được gọi là Chỉ số tổng lợi nhuận trái phiếu tổng hợp toàn cầu của Lehman Brothers (Lehman Brothers Global Aggregate Bond Total Return Index).

Diễn biến Chỉ số trái phiếu tổng hợp toàn cầu

Diễn biến Chỉ số trái phiếu tổng hợp toàn cầu

Phạm vi của động thái này trong năm nay thậm chí còn lớn hơn sự gia tăng lợi suất toàn cầu xảy ra vào năm 1994, vào năm mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong một lần duy nhất vào tháng 11/1994. Đây là lần cuối cùng Fed tăng lãi suất với biên độ lớn như vậy sau một cuộc họp trước tháng 6 năm nay.

Kể từ đó, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản ba lần trong năm nay sau các cuộc họp vào tháng 6, tháng 7 và tháng 9.

Hơn nữa, Gennadiy Goldberg, chiến lược gia lãi suất cao cấp của Mỹ tại TD Securities cho biết, đây là đợt bán tháo tồi tệ nhất trên thị trường trái phiếu toàn cầu kể từ ít nhất là vào đầu những năm 1980.

“Rất khó để so sánh trực tiếp, nhưng đây đã là mức tăng lãi suất nhanh nhất kể từ năm 1981. Lạm phát và lãi suất tăng nhanh có thể gây ra thảm họa cho các nhà đầu tư trái phiếu”, ông cho biết.

Hơn nữa, hiệu suất của chỉ số trái phiếu tổng hợp toàn cầu dựa trên cơ sở không điều chỉnh theo sức mạnh của đồng đô la, nên trên thực tế tổn thất càng nghiêm trọng hơn.

Chỉ số Dollar Index đã tăng lên mức cao nhất trong 20 năm vào tháng này khi được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng euro, bảng Anh và yên Nhật bên cạnh các đồng tiền khác.

Do sự hỗn loạn trên thị trường, đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc đã bị đảo ngược trong nhiều tháng. Điều này cũng khiến các nhà đầu tư lo lắng khi ngồi trên núi tiền mặt. Do đó, tỷ lệ sở hữu trái phiếu của các nhà đầu tư phi ngân hàng đã giảm xuống chỉ còn 17% trong tổng danh mục đầu tư, mức thấp nhất so với tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu, tiền mặt và các vị thế khác kể từ năm 2008 theo dữ liệu của JP Morgan.

Ngoài ra, việc bán tháo trái phiếu và cổ phiếu kể từ đầu năm đã khiến các chiến lược gia tại JP Morgan đưa ra hai kết luận chính.

Thứ nhất là các nhà đầu tư tổ chức đang nắm giữ nhiều tiền mặt đến mức có thể giúp hỗ trợ thị trường chống lại sự sụt giảm tiếp theo. “Bối cảnh phân bổ tiền mặt cao, theo quan điểm của chúng tôi, chúng có thể tạo ra một điểm tựa cho cả cổ phiếu và trái phiếu”, chiến lược gia Panigirtzoglou cho biết.

Thứ hai là cổ phiếu khó có thể tăng điểm trừ khi trái phiếu cũng phục hồi vì lợi suất trái phiếu kho bạc tăng được cho là nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng bán tháo cổ phiếu, đây cũng là quan điểm chung của nhiều chiến lược gia phố Wall.

Các nhà đầu tư trên khắp thế giới gần đây đã theo dõi sát sao thị trường trái phiếu toàn cầu, đặc biệt sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) buộc phải can thiệp để ngăn chặn sự biến động chưa từng có trong thị trường trái phiếu chính phủ, điều này tác động tới thị trường trái phiếu trên toàn cầu và thậm chí làm xáo trộn chứng khoán Mỹ.

Các nhà phân tích của Deutsche Bank cách đây vài ngày đã chỉ ra rằng, trái phiếu toàn cầu hiện đang ở trong thị trường gấu đầu tiên sau 76 năm, dựa trên dữ liệu từ năm 1786.

Tin bài liên quan