Thị trường trái phiếu nửa cuối năm: Áp lực đáo hạn còn lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm 2023 ước tính 170.000 tỷ đồng, suy giảm đáng kể so với thời điểm kết thúc quý IV/2022 do việc chủ động mua lại trước hạn.
Thị trường trái phiếu nửa cuối năm: Áp lực đáo hạn còn lớn

Trong nửa đầu năm 2023, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục thu hẹp. Tính tới ngày 12/7/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đăng ký lưu ký đạt 1.078.787 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 11% quy mô nền kinh tế. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và cũng cách xa mục tiêu đề ra vào năm 2025.

Xu hướng thu hẹp xuất phát từ lượng phát hành thành công mới thấp trong khi lượng đáo hạn và chủ động mua lại tiếp diễn.

Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp qua các tháng kể từ đầu năm 2022 tới nay

Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp qua các tháng kể từ đầu năm 2022 tới nay

Trong nửa cuối năm 2023, dự báo quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi vào trạng thái ổn định do một số nguyên nhân: Mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm giúp tạo thuận lợi hơn cho các đợt phát hành mới trong nửa cuối năm 2023. Lượng trái phiếu mua lại trước hạn dự báo ngừng tăng. Các tổ chức phát hành đẩy mạnh đàm phán gia hạn trái phiếu trong thời điểm lãi suất có diễn biến thuận lợi và nghị định 08 còn đang trong quá trình còn hiệu lực. Qua đó, giúp cho doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý trái phiếu đến hạn.

Về phía cầu, đối với nhà đầu tư tổ chức, tổ chức phát hành vẫn đang chiếm ưu thế khi xét tới rủi ro lợi nhuận. Trong khi đó, đối với nhà đầu tư cá nhân, vẫn cần thêm thời gian để lấy lại niềm tin thị trường.

VCBS kỳ vọng hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ trong thời gian tới sẽ dần dần tăng số lượng trái phiếu riêng lẻ niêm yết, tăng mức độ minh bạch công bố thông tin như dữ liệu giao dịch, thông tin trạng thái trái phiếu đang lưu hành, góp phần bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho nhà đầu tư….

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp

Nhìn một cách tổng thể, không chỉ việc triển khai xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nói riêng mà các nỗ lực nâng cao, cải thiện tính minh bạch của thị trường nói chung là một hướng đi đúng và là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Trong 1,078 triệu tỷ đồng dự nợ trái phiếu doanh nghiệp ở thời điểm tháng 7/2023, khối lượng dư nợ lớn nhất thuộc về ngành Bất động sản (35%) và Ngân hàng (32%). Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm 2023 ước tính 170 nghìn tỷ đồng, suy giảm đáng kể so với thời điểm kết thúc qúy IV/2022 do việc chủ động mua lại trước hạn.

“Trong đó, đáng chú ý, giá trị mua lại tại ngành Bất động sản trong Quý I đạt 38,7 nghìn tỷ đồng cho thấy áp lực mua lại trước hạn vẫn hiện hữu. Tuy nhiên, điểm tích cực giai đoạn này là giải pháp ngắn hạn về việc cho phép thay đổi điều khoản trái phiếu nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý trái phiếu đến hạn”, VCBS nhận định.

Một điểm cộng trong nửa cuối năm là mặt bằng lãi suất đang trong xu hướng giảm giúp cho doanh nghiệp có thể giảm chi phí huy động vốn bằng trái phiếu, đặc biệt với phần lãi suất tham chiếu.

Trong dài hạn hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ đi vào vận hành ổn định được kỳ vọng cải thiện thanh khoản, kéo giảm chi phí phát hành. Tuy vậy, đối với nhà phát hành có lịch sử chậm trả gốc, lãi, lãi suất trái phiếu áp dụng cho thời gian gia hạn sẽ vẫn ở mức cao đi kèm với khả năng phát hành mới thấp.

Tin bài liên quan