Dòng vốn vào trái phiếu doanh nghiệp không còn dồi dào như trước. Ảnh: Dũng Minh

Dòng vốn vào trái phiếu doanh nghiệp không còn dồi dào như trước. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Dòng tiền chờ đợi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền khá lớn đang trong trạng thái chờ đợi những diễn biến rõ ràng hơn trong quy định pháp lý và thực tiễn hoạt động phát hành trái phiếu.

Trái phiếu doanh nghiệp đóng băng

Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh, chỉ đạt hơn 203.300 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ, trong đó có 194.300 tỷ đồng phát hành riêng lẻ và gần 9.000 tỷ đồng chào bán ra công chúng.

Năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp nội địa đạt 682.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) duy trì ở mức cao, khoảng 46%. Theo các chuyên gia kinh tế, mức tăng này gần như chắc chắn sẽ suy giảm khi kết thúc năm 2022, bởi giá trị phát hành 7 tháng đầu năm mới chỉ bằng gần 29% so với cả năm 2021.

Thực tế, quy mô phát hành trái phiếu nửa đầu năm 2022 giảm mạnh ngay sau khi Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực (15/1/2022), đến nay chưa có dấu hiệu phục hồi, dù hoạt động phát hành trái phiếu của các nhà phát triển bất động sản đã quay trở lại trong tháng 5 và 6, sau khi vắng bóng trong tháng 4.

“Chúng tôi cho rằng, các lô trái phiếu này chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp bất động sản lớn niêm yết, trong khi phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ kênh trái phiếu”, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro tín dụng, FiinRatings nhận xét.

“Trái phiếu doanh nghiệp đóng băng” là cụm từ được các chuyên gia phân tích đề cập khi trao đổi về thị trường trái phiếu trong những tháng đầu năm 2022. Dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị nghẽn nên các doanh nghiệp phải đi tìm nguồn tiền thay thế và tín dụng ngân hàng được cho là lựa chọn hàng đầu. Áp lực liệu có đổ dồn vào hệ thống ngân hàng?

Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, các ngân hàng trong những tháng qua ưu tiên giải ngân cho khách hàng sử dụng những dịch vụ trong hệ sinh thái của mình, còn đa số khách hàng khác “chịu chết”, không được giải ngân. Do đó, nếu nói là trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, áp lực dồn sang hệ thống ngân hàng thì cũng không hẳn, bởi nhiều ngân hàng không còn hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng. Cạn room tín dụng nên công việc của cán bộ tín dụng không tập trung vào cho vay như trước, mà là đi đòi nợ.

Dòng vốn vào trái phiếu doanh nghiệp ít đi, vậy số tiền có khả năng đầu tư vào kênh này trị giá hàng trăm ngàn tỷ đồng như những năm trước giờ đang ở đâu?

Ông Nghĩa chia sẻ, ông nhận được rất nhiều cuộc điện thoại thăm dò xem đã đến thời điểm nên mua lại cổ phiếu hay chưa. Liệu thị trường trái phiếu có ảnh hưởng nặng nề đến thị trường cổ phiếu hay không? Nếu thị trường trái phiếu vẫn có những “vấn đề” thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và làm niềm tin của nhà đầu tư giảm sút.

“Sau tháng 7 Âm lịch mà theo dân gian gọi là tháng cô hồn, nhà đầu tư sẽ đẩy mạnh các hoạt động. Đồng thời, nhà đầu tư cũng có tâm lý chờ đợi những doanh nghiệp bị vỡ nợ trái phiếu và theo đó, thanh lý các dự án, tài sản để trả nợ trái phiếu khiến giá bất động sản xuống thấp hơn nữa, khi đó nhà đầu tư sẽ vào thị trường”, ông Nghĩa nhận định.

Cần “siết” phát hành riêng lẻ, “nới” phát hành ra công chúng

Nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi những doanh nghiệp bị vỡ nợ trái phiếu, theo đó thanh lý các dự án, tài sản để trả nợ, khiến giá bất động sản xuống thấp hơn...

Theo ông Nghĩa, dòng tiền khá lớn đang trong trạng thái chờ đợi cơ hội và vấn đề này không chỉ có sự hiện diện của nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa, dòng tiền lớn đâu đó vẫn đang trong dân, chờ đợi cơ hội đầu tư tốt hơn. Đặc biệt, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp chờ đợi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp được sửa đổi để trái phiếu được phát hành ra công chúng nhiều hơn là phát hành riêng lẻ.

“Doanh nghiệp bất động sản hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề phát hành trái phiếu. Nếu nhóm này phát hành trái phiếu thuận lợi sẽ giúp thị trường chứng khoán đi lên và đồng nghĩa sẽ có tác động tích cực đến hệ thống ngân hàng”, ông Nghĩa nói.

Số liệu cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp bất động sản ghi nhận sự suy giảm giá trị phát hành trái phiếu, chỉ đạt hơn 51.000 tỷ đồng, giảm gần 37% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Nghĩa, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh thì các nhà làm luật phải hiểu rằng, trái phiếu phát hành ra công chúng là quan trọng nhất. Nếu cứ ồ ạt phát hành riêng lẻ thì thị trường không thể cải thiện tính minh bạch và việc xếp hạng tín nhiệm trở nên vô nghĩa, gây rủi ro cho nhà đầu tư. Quy định mới phải làm thế nào hạn chế tối đa việc phát hành riêng lẻ và mở rộng tối đa việc phát hành ra công chúng.

“Chính phủ hay Bộ Tài chính nên có những thông điệp liên quan đến thị trường trái phiếu về việc muốn phát triển thị trường trái phiếu mạnh hơn, còn một vài trường hợp sẽ khuyến cáo và chấn chỉnh. Chính phủ cần phải làm nhanh, không thể cầu toàn, mà chỉnh sửa dần. Từ nay đến cuối năm 2022 chưa phải là thời điểm chúng ta đưa ra được quy định căn cơ, mà đây là thời điểm chống chọi với những nguy cơ trước mắt và khắc phục những nguy cơ gây đổ vỡ hệ thống tài chính”, ông Nghĩa nhấn mạnh

Đồng quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia chia sẻ, Nghị định 153 sửa đổi chắc chắn sẽ phải theo hướng thận trọng và chặt chẽ hơn, nhưng quan trọng phải đúng lúc, đúng đối tượng. Theo đó, nhà đầu tư phải chuyên nghiệp hơn, tiêu chí phải cao hơn, chủ thể phát hành phải minh bạch hơn, các đơn vị trung gian cũng phải được chuẩn hóa.

Bên cạnh đó, việc mua đi bán lại trái phiếu trên thị trường thứ cấp cũng phải rõ ràng và chuyên nghiệp hơn. Liên quan đến việc phát hành ra công chúng, kênh này phải mở rộng hơn, thông thoáng hơn, chứ không phải mất quá nhiều quy trình thủ tục để xin phát hành.

“Cuối cùng, sửa Nghị định 153 chắc chắn sẽ giúp thị trường lành mạnh hơn, an toàn hơn cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, song song với đó phải sửa Nghị định 156/2020/NĐ-CP liên quan đến chế tài để xử phạt những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, không quá kỳ vọng nghị định này sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề tồn tại trên thị trường trái phiếu”, ông Lực nói.

Ông Tùng Anh dự báo, mặc dù không thể sôi động ngay lại như nửa cuối năm 2021 nhưng kỳ vọng trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần sôi động trở lại vào đầu quý IV/2022, khi Nghị định 153 sửa đổi được ban hành và có hiệu lực như kế hoạch được thông báo bởi Bộ Tài chính.

“Việc phân phối cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp sẽ khó khăn hơn, nhưng các quy định mới như dự thảo hiện nay nếu đi vào áp dụng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp niêm yết hoặc các doanh nghiệp chủ động minh bạch hóa thông tin và hồ sơ tín dụng để hướng đến các nhà đầu tư tổ chức cùng chia sẻ rủi ro và kỳ vọng mức lãi suất phù hợp”, ông Tùng Anh nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn, Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia

Trong những năm gần đây, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 30 - 35%/năm. Giả sử dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn nền kinh tế hiện tại là 1,4 triệu tỷ đồng, với tốc độ tăng 35%/năm (nghĩa là sau 2 năm tăng gấp đôi, sau 6 năm tăng gấp 8), thì đến năm 2028 thị trường này sẽ có quy mô lên tới 11,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, 60% dùng cho bất động sản, đủ đáp ứng nhu cầu vốn phát triển dự án mà không cần tới tín dụng ngân hàng. Trong kịch bản này, tín dụng ngân hàng khi đó dành cho vay người mua nhà là chủ yếu.

Tuy nhiên, sự chững lại đáng lo ngại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản khiến nhiều dự án không được tiếp tục triển khai, nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán dư nợ trái phiếu chuẩn bị đáo hạn (ước khoảng 120.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2022 trong tổng số khoảng 360.000 tỷ đồng giai đoạn 2022 - 2024). Nói cách khác, một bộ phận lớn doanh nghiệp bất động sản có thể đối diện nguy cơ vỡ nợ trái phiếu. Rủi ro có thể khá lớn cho thị trường bất động sản nói riêng và thị trường tài chính nói chung, bao gồm cả thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng.

Tin bài liên quan