Trong 6 tháng cuối năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phục hồi khá rõ rệt
“Lội ngược dòng” trong nửa cuối năm
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA), tính đến ngày công bố thông tin 22/12/2023, tổng giá trị TPDN phát hành được ghi nhận đạt gần 274.000 tỷ đồng, trong đó 90,1% là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Còn theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, tính tới ngày 28/12/2023, tổng lượng TPDN phát hành đạt gần 300.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022.
Thị trường TPDN năm 2023 có phân hóa khá rõ ràng. Nửa đầu năm, kênh huy động vốn này gần như đóng băng. Quý I/2023, thị trường gần như không có đợt phát hành TPDN nào, lượng TPDN phát hành của cả 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 43.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, trong 6 tháng cuối năm, thị trường đã phục hồi khá rõ rệt. Tổng lượng TPDN phát hành 6 tháng cuối năm cao gấp gần 6 lần lượng phát hành nửa đầu năm. Ngân hàng là nhà phát hành lớn nhất thị trường (chiếm khoảng 54% tổng giá trị phát hành), bất động sản là nhóm ngành đứng thứ hai.
Năm 2023 cũng ghi nhận doanh nghiệp phát hành “ròng rã” mua lại TPDN trước hạn. Theo dữ liệu của VBMA, tính đến ngày 22/12/2023, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt hơn 231.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022, bằng gần 85% giá trị phát hành. Ngân hàng là bên mua lại TPDN lớn nhất, chiếm gần một nửa tổng giá trị mua lại trước hạn.
Một điểm nhấn nữa là sàn giao dịch TPDN riêng lẻ chính thức đi vào vận hành. Theo thống kê của HNX, tính đến hết ngày 28/12/2023, khối lượng đăng ký giao dịch đạt gần 717 triệu trái phiếu, giá trị giao dịch đạt hơn 208.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, năm 2023 vẫn là năm khó khăn với thị trường TPDN. Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, thị trường TPDN năm 2023 vẫn là “sân chơi” chủ yếu của các định chế tài chính, khi bên phát hành lẫn bên mua chủ yếu là ngân hàng thương mại. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa quay trở lại kênh này. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2023, nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 6,8% tổng lượng TPDN phát hành.
Tuy vậy, thị trường TPDN đã thoát khỏi thời điểm khó khăn nhất. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, sự phục hồi rõ nét của thị trường TPDN 6 tháng cuối năm cho thấy, các nhóm chính sách vừa qua với thị trường TPDN đã phát huy hiệu lực, nhất là Nghị định số 08/2023/NĐ-CP. Quyết sách chưa có tiền lệ này, đặc biệt là cơ chế giãn, hoãn nợ trái phiếu và cơ chế cho hoán đổi tiền - hàng (đổi TPDN sang bất động sản) đã giúp doanh nghiệp phát hành “thoát hiểm”.
Đỉnh đáo hạn năm 2024 và thách thức từ loạt quy định mới
Dù đã qua thời điểm khó khăn nhất, song thị trường TPDN năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức. Năm 2024 là đỉnh đáo hạn của TPDN với khối lượng kỷ lục, cũng là năm các quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) chính thức triển khai đầy đủ sau một thời gian giãn, hoãn theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08).
Theo ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Khối Thông tin tài chính (FiinGroup), lượng TPDN đáo hạn năm 2024 (cả gốc và lãi) khoảng 380.000 tỷ đồng, trong đó 70% tập trung vào 2 nhóm ngành chính là bất động sản và ngân hàng; riêng lượng TPDN bất động sản đáo hạn hơn 110.000 tỷ đồng.
Đây là thách thức lớn với doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn đang “ngập” trong nợ trái phiếu. Theo thống kê của MBS, tính đến ngày 22/12/2023, có khoảng 103 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, chiếm tỷ lệ gần 19% tổng dư nợ toàn thị trường, 70% là của nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Ngoài lượng đáo hạn lớn, năm 2024, các doanh nghiệp phát hành có thể phải chính thức phải tuân thủ các quy định khắt khe của Nghị định 65 do một số quy định giãn, hoãn của Nghị định 08 hết hiệu lực.
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Tài chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ về việc có tiếp tục kéo dài một số quy định của Nghị định 08 hay không, đồng thời cần có giải pháp đa dạng hoá sản phẩm, hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức. Bộ Tài chính cần rà soát khả năng chi trả của doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn thanh toán năm 2024. Từ đó, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ, tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, việc quay lại thực hiện Nghị định 65 sẽ gây áp lực nhất định cho doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, về lâu dài, thực hiện đầy đủ nghị định này sẽ tốt hơn cho thị trường, giúp lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Bên cạnh thách thức, thị trường TPDN năm 2024 vẫn có nhiều điểm sáng. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, năm 2024, lãi suất của Mỹ, châu Âu… có thể sẽ giảm, kéo theo dòng vốn chảy về các nước đang phát triển có khả năng phục hồi như Việt Nam. Lãi suất trong nước năm 2024 cũng dự báo tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp, điều này sẽ hỗ trợ tốt cho kênh phát hành TPDN.
Ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc VIS Rating cho rằng, thị trường TPDN đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới bền vững hơn nhờ lãi suất giảm, các chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi, thị trường minh bạch hơn, các quy định chặt chẽ hơn, tâm lý nhà đầu tư cải thiện.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp phát hành TPDN chậm nghĩa vụ thanh toán vẫn còn khá nhiều, song có nhiều doanh nghiệp phát hành vẫn thanh toán đúng hạn, tạo được uy tín với thị trường. Nói cách khác, thông tin thị trường đang minh bạch, rõ ràng hơn, niềm tin với nhà đầu tư cũng đang dần quay lại. Đây là yếu tố quyết định với sự hồi phục của thị trường.
Để thị trường TPDN phát triển bền vững, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cần xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi cho thị trường TPDN, đảm bảo sự nhất quán, ổn định các chính sách đối với thị trường TPDN, tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Bên cạnh đó, phải tạo lập cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả cho thị trường TPDN ngay từ bước gửi hồ sơ, sàng lọc đơn vị phát hành; xem xét nới điều kiện phát hành TPDN ra công chúng, đẩy nhanh khâu phê duyệt. Đồng thời, phải hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, gia tăng số lượng tổ chức định hạng tín nhiệm, đẩy nhanh tiến độ nâng hạng thị trường chứng khoán; phát triển hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ…