Thị trường trái phiếu đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế.
Tại Hội nghị nhà đầu tư thường niên - Invest ASEAN của Maybank vừa diễn ra, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, nếu trong 30% nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái phiếu riêng lẻ có nhiều nhà đầu tư không chuyên thì đáng lo, bởi trái phiếu phát hành riêng lẻ là doanh nghiệp tự vay, tự trả và nhà đầu tư phải hiểu được bản chất của trái phiếu, có khả năng tự chịu trách nhiệm khi mua trái phiếu, nếu không thì rủi ro cho chính họ, qua đó gây rủi ro hệ thống.
Chia sẻ về thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup cho hay, vốn của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào ngân hàng, khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu vốn của thị trường rất lớn, nhưng nguồn lực của ngân hàng không đủ. Vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng rất mạnh, ở mức 40%/năm trong vài năm gần đây.
Tổ chức phát hành trái phiếu chủ yếu là ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản, năng lượng và xây dựng. Trong quy mô 1,5 triệu tỷ đồng đang lưu hành, hệ thống ngân hàng để tăng vốn cấp 2, công ty chứng khoán phân phối chiếm chưa đến 25%, nên theo ông Thuân, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân chuyên và không chuyên (khoảng 300.000 tỷ đồng) là vấn đề cần quan tâm chính.
Trong 5 năm qua, thị trường trái phiếu đóng vai trò rất lớn và nếu không có kênh này thì nền kinh tế không thể tăng trưởng như vừa qua. Trong 2 năm Covid-19, tổng quy mô 11 triệu tỷ đồng tín dụng ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, quy mô phát hành cổ phiếu thưởng, cổ tức khoảng 100.000 tỷ đồng vẫn nhỏ so với quy mô trái phiếu doanh nghiệp tương đương tăng trưởng giá trị cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng.
Về cơ cấu người mua, ngoài ngân hàng, các quỹ đầu tư bond fund và bảo hiểm tham gia khá mạnh, trong khi các nhà đầu tư cá nhân tham gia ít và các công ty chứng khoán phân phối ra thị trường. Việc nhà đầu tư duy trì giá trị tài sản thuần (NAV) 2 tỷ đồng được xác định là nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép mua trái phiếu theo ông Thuân là tiêu chí hơi dễ dãi. “Cơ quan quản lý nên thay đổi định nghĩa về nhà đầu tư chuyên nghiệp. Với chất lượng thông tin ở Việt Nam, thì nên siết cho nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu”, ông Thuân nói.
Về vấn đề này, bà Bình cho rằng, tăng điều kiện trở thành nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ là một phần. Thực trạng hiện nay là những đối tượng hỗ trợ các nhà đầu tư không chuyên tiếp cận sản phẩm và mua, mời chào không đúng bản chất sản phẩm. Vì vậy, trong quy định sắp tới, sẽ định hướng các nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia thị trường qua các định chế đầu tư chuyên nghiệp, giảm lượng nhà đầu tư cá nhân, tăng nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng là cách giảm thiểu rủi ro cho thị trường.
Một giải pháp nữa cũng được nêu ra là tổ chức thị trường thứ cấp. Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế có nêu: các tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ có thể lựa chọn tổ chức đăng ký, lưu ký là Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), hoặc thành viên lưu ký (là công ty chứng khoán). Song thực tế, tuyệt đại đa số qua công ty chứng khoán, tỷ trọng đăng ký qua VSD rất thấp, làm cho giao dịch giữa các nhà đầu tư này không minh bạch, kiểm soát rủi ro khó hơn.
Một trong những điểm sửa đổi của Nghị định 153/2020/NĐ-CP là các tổ chức phát hành đưa trái phiếu lên giao dịch trên nền tảng giao dịch tập trung. Phương án tổ chức thị trường đã được Bộ Tài chính phê duyệt, chờ Nghị định sửa đổi chính thức ban hành, còn hạ tầng thì đã chuẩn bị. “Chờ đợi chợ chính thức để nhà đầu tư muốn tham gia sân chơi này sẽ tham gia bài bản, minh bạch, giá giao dịch được yết công khai, giảm rủi ro”, bà Bình chia sẻ.