Đây là tín hiệu cho thấy không những các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm đến các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh của khu vực này mà còn có thêm nguy cơ bong bóng giá tài sản.
“Các nước Đông Á mới nổi linh hoạt hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng các chính phủ vẫn cần cẩn trọng đối với việc gia tăng dòng vốn mà không làm tăng quá mức giá tài sản và rằng họ đang chuẩn bị đối phó với khả năng đảo ngược về dòng vốn khi các nền kinh tế của Mỹ và châu Âu tăng trở lại”, ông Thiam Hee Ng, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp thuộc Văn phòng Hội nhập kinh tế khu vực của ADB cho biết.
Đến cuối năm 2012, các nền kinh tế mới nổi khu vực Đông Á (Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) còn 6.500 tỷ USD dư nợ trái phiếu nội tệ so với 5.700 tỷ USD vào cuối năm 2011, tương đương mức tăng 3,0%/quý và 12,1%/năm tính theo đồng nội tệ. Trái phiếu doanh nghiệp dù nhỏ hơn so với trái phiếu chính phủ, nhưng vẫn có mức tăng đáng kể, với mức 6,2%/quý và 18,6%/năm, lên 2.300 tỷ USD.
Báo cáo cho rằng, các nhà đầu tư đã rót tiền vào các nước Đông Á mới nổi kể từ đầu những năm 1990, các dòng tiền này đã tăng lên trong những năm gần đây do lãi suất thấp và tăng trưởng kinh tế chậm hoặc tăng trưởng kinh tế âm ở các nền kinh tế phát triển, trong khi các nền kinh tế mới nổi khu vực Đông Á đã đạt được mức tăng trưởng cao và đồng tiền của các nước này tăng giá trị. Vì vậy, thị trường trái phiếu của các nền kinh tế này ngày càng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tại Indonesia, các nhà đầu tư nước ngoài giữ 33% dư nợ trái phiếu chính phủ vào cuối năm 2012, còn tại Malaysia là 28,5% tính vào cuối tháng 9/2012.
Trong đó, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhất là Việt Nam, tăng 42,7% so với cuối năm 2011, các thị trường Philippines và Malaysia tăng tương ứng là 20,5% và 19,9%, trong khi thị trường Ấn Độ tăng 24,3%, lên 1.000 tỷ USD. Nhật Bản vẫn là thị trường trái phiếu lớn nhất ở châu Á ở mức 11.700 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc đạt mức 3.800 tỷ USD.