Trong 6 năm qua, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã tăng 3,5 lần. Bà có nhận xét gì về sự phát triển này?
So với các thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng nội tệ khác trong ASEAN, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong năm 2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng VND đạt 29 tỷ USD, chiếm chưa đến 2% tổng giá trị phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ trong khu vực.
Tiềm năng tăng trưởng của thị trường trái phiếu Việt Nam là rất lớn. Một minh chứng là Standard Chartered đã tham gia vào 7 giao dịch do Quỹ Đầu tư và đảm bảo tín dụng (Credit Guarantee and Investment Facility) hoặc Guarantco bảo lãnh trong 8 năm qua. Các giao dịch này đều được phát hành cho các nhà đầu tư định chế với mức lãi suất cố định, kỳ hạn 5, 7 hoặc 10 năm.
Nhưng sự phát triển nhanh chóng này dường như đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và cho nền kinh tế?
Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam |
Với bất cứ thị trường nào, quá trình phát triển đều cần được diễn ra một cách an toàn, minh bạch và bền vững. Các nhà đầu tư không chỉ nhìn vào lợi nhuận mà còn mong muốn đầu tư vào các doanh nghiệp có nền tảng mạnh mẽ, hệ thống quản trị hiệu quả cũng như kế hoạch phát triển rõ ràng trong dài hạn.
Yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngày càng trở thành chủ đề được các nhà đầu tư quan tâm. Các nhà đầu tư mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp có đóng góp vào các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, như biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng và chống bất bình đẳng xã hội. Đây là một khía cạnh mà các nhà phát hành cần chú ý nếu muốn thành công trong việc thu hút vốn trên thị trường chứng khoán.
Bà đánh giá thế nào về tương quan vai trò của các kênh dẫn vốn đối với doanh nghiệp?
Ngân hàng sẽ vẫn là một kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu có thể mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như giảm sự phụ thuộc vào ngân hàng, đa dạng hóa các nhà đầu tư, sự linh động trong việc phát hành các công cụ nợ kỳ hạn dài, đáo hạn một lần và có lãi suất cố định...
Cũng là một kênh dẫn vốn quan trọng, thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam rất sôi động và thu hút nhiều nhà đầu tư. Câu hỏi ở đây, giống như thị trường trái phiếu, rằng sự tăng trưởng đó có quá nóng?
Quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ kể từ năm 2019 và lớn hơn nhóm thị trường cận biên.
Việt Nam là một nền kinh tế đang nổi và chúng tôi tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều động lực tích cực để thúc đẩy tăng trưởng, các doanh nghiệp có thể thực hiện các đợt phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn.
Những động thái gần đây liên quan đến việc thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và đưa ra các quy định về công bố thông tin là những bước đi đúng đắn và tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam có hành động mạnh mẽ nhằm làm trong sạch thị trường chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư. Bà có đề xuất gì cho việc thúc đẩy hơn nữa tính minh bạch và chất lượng của thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tương lai?
Thị trường chứng khoán, bao gồm thị trường vốn (cổ phiếu) và thị trường nợ (trái phiếu) đóng vai trò quan trọng trong việc cấp vốn cho nền kinh tế, đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính và giúp các chính sách tiền tệ được triển khai một cách hiệu quả. Vì vậy, thị trường chứng khoán cần được phát triển một cách minh bạch và bền vững.
Các hành động cần thiết để đảm bảo quyền lợi của các đối tượng tham gia thị trường và các bên liên quan sẽ góp phần thúc đẩy niềm tin trên thị trường. Thông tin kịp thời và có chất lượng cao được công bố trước các giao dịch cũng như sau các giao dịch đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thị trường chứng khoán hiệu quả.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo các yêu cầu về công bố thông tin là một yếu tố then chốt. Standard Chartered luôn áp dụng các tiêu chuẩn cao về công bố thông tin trong các giao dịch do chúng tôi tư vấn tại Việt Nam. Chúng tôi làm việc chặt chẽ với khách hàng, các nhà đầu tư và các bên liên quan để đảm bảo chất lượng và sự minh bạch ở mức cao nhất.
Tham khảo tình hình thực tiễn trong việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu và công bố thông tin tại các thị trường ASEAN khác cũng là một cách hiệu quả. Hoạt động tại tất cả các thị trường trong ASEAN, Standard Chartered có thể đóng vai trò là cầu nối giúp cải thiện khuôn khổ phát hành tại Việt Nam.
Không thể khi có vấn đề thì phanh gấp lại
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV
Thị trường tài chính có tính liên thông rất cao. Với 4 trụ cột ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản thì bất kỳ một trụ cột nào có vấn đề đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến thị trường tài chính. Chúng ta cần quan tâm đến những giải pháp nhằm ngăn chặn những vấn đề có khả năng xảy ra, chứ không nên để khi xảy ra xong rồi mới tìm cách giải quyết.
Thị trường trái phiếu Việt Nam trong khoảng 10 năm qua đã tăng trưởng từ quy mô hoạt động phát hành 28.000 tỷ đồng/năm lên 640.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021 - cơ hội tăng trưởng gần như là chưa có tại bất kỳ thị trường tài chính nào. Điều này cũng thể hiện sự bức xúc của thị trường cần sản phẩm như vậy và doanh nghiệp cần có một kênh như vậy để vay vốn.
Do đó, các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính cần định hướng để thị trường phát triển lành mạnh nhất, chứ không thể khi có vấn đề thì phanh gấp lại, dẫn đến không chỉ trục trặc tại trụ cột này mà cả các trụ cột khác.
Hơn 1 năm trước, tại Trung Quốc đã có khủng hoảng tương tự liên quan đến một số doanh nghiệp bất động sản lớn không có khả năng thanh toán trái phiếu do thị trường bất động sản phát triển tương đối nóng. Trung Quốc đã đưa ra một số chính sách nhất định mà chúng ta có thể quan tâm, xem xét triển khai để những doanh nghiệp nào có khả năng đáp ứng được “lằn ranh” mới được phát hành trái phiếu.
Thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản tương đối khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng. Còn hiện tại, kênh huy động vốn qua trái phiếu càng khó khăn hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà.