Dữ liệu vừa công bố cho thấy, đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm hơn dự kiến, tới 260.000 trong tuần trước, trong khi đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền trong tháng 10, ngoại từ máy bay tăng 1,3%, nhiều hơn so với mức 0,4% của giới phân tích dự báo.
Tuy nhiên, niềm tin người tiêu dùng trong tháng 10 chỉ tăng 0,1%, thấp hơn so với mức 0,3% như dự kiến.
Với thông tin kinh tế không mấy khả quan, cùng lo ngại về tình hình căng thẳng địa chính trị, cũng như trước ngày nghỉ lễ Tạ Ơn, cũng như tập trung vào mùa mua sắm quan trọng trong năm, nên phố Wall giao dịch khá trầm lắng. Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ chủ yếu giằng co trong biên độ hẹp ở trên tham chiếu và đóng cửa gần như không đổi so với phiên trước.
Trong khi các nhà đầu tư được trích dẫn điều kiện tốt cho người tiêu dùng, họ đã thận trọng về các vấn đề an ninh toàn cầu và tác động từ Mỹ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006, trong đó dự kiến rộng rãi để xảy ra trong tháng mười hai.
Kết thúc phiên 25/11, chỉ số Dow Jones tăng 1,2 điểm (+0,01%), lên 17.813,39 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,27 điểm (-0,01%), xuống 2.088,87 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 13,33 điểm (+0,26%), lên 5.116,14 điểm.
Trong khi chứng khoán Mỹ lình xình, thì chứng khoán châu Âu lại hồi phục mạnh trở lại, lấy hết cả vốn lẫn lãi đã để mất trong phiên hoảng loạn trước đó trước thông tin Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga.
Chứng khoán châu Âu hồi phục nhờ đồng euro giảm mạnh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của khu vực này. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn được hỗ trợ bởi 2 mã lớn là Metro và LafargeHolcim khi cả 2 thông báo tăng tiền trả cổ tức cho cổ đông.
Kết thúc phiên 25/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 60,41 điểm (+0,96%), lên 6.337,64 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 235,55 điểm (+2,15%), lên 11.169,54 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 72,71 điểm (+1,51%), lên 4.892,99 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp và lo sợ về căng thẳng địa chính trị, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản đã chốt lời, đẩy chỉ số Nikkei 225 điều chỉnh trong phiên thứ Tư, nhưng mức giảm không mạnh.
Cũng lo sợ về căng thẳng địa chính trị, chứng khoán Hồng Kông cũng tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục lại tăng khá mạnh nhờ thông tin về hỗ trợ cho vay.
Kết thúc phiên 25/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 77,26 điểm (-0,39%), xuống 19.847,58 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 89,63 điểm (-0,40%), xuống 22.498 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 31,82 điểm (+0,88%), lên 3.647,93 điểm.
Sau phiên hồi phục khá tốt trong ngày thứ Ba nhờ thông tin Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga, giá vàng đã nhanh chóng giảm trở lại trong phiên thứ Ba khi đồng USD tăng, trong khi giá dầu điều chỉnh. Ngoài ra, cũng giống như thị trường dầu thô và phố Wall, giao dịch trên thị trường vàng cũng diễn ra chậm do nhà đầu tư thận trọng trước kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn.
Kết thúc phiên 25/11, giá vàng giao ngay giảm 4,5 USD (-0,42%), xuống 1.070,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 3,8 USD (-0,35%), xuống 1.070,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 giảm 3,6 USD (-0,34%), xuống 1.069,7 USD/ounce.
Trong phiên thứ Ba, giá dầu thô đã tăng lên mức cao nhất 2 tuần sau thông tin Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga. Tuy nhiên, trong phiên thứ Tư, lo ngại về khả năng kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh và tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ lễ khiến giá dầu thô đảo chiều trở lại. Tuy nhiên, khi dữ liệu về kho dự trữ dầu của Mỹ được công bố với mức giảm không mạnh như dự báo, giá dầu thô đã hồi phục trở lại.
Kết thúc phiên 25/11, giá dầu thô Mỹ tăng 0,17 USD/thùng (+0,4%), lên 43,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,05 USD (+0,11%), lên 46,17 USD/thùng. Có lúc giá cả 2 loại dầu thô này đã giảm hơn 1 USD/thùng.