80% nhà đầu tư trên thế giới suy nghĩ về đầu tư xanh và sạch
Chia sẻ tại Tọa đàm: “Kinh tế tuần hoàn - từ thực tế đến chính sách” và “Kinh tế tuần hoàn - trung hòa carbon: Con đường tất yếu” vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu GIBC cho biết, các mục tiêu trong cam kết giải quyết biến đổi khí hậu tại COP26 hướng đến Net zero Carbon năm 2050 đưa ra các cột mốc chiến lược bao gồm: Loại bỏ dần nhiệt điện than năm 2040; chấm dứt nạn phá rừng năm 2030; giảm phát thải nhà kính (Green house Gas) 2030… Việt Nam là một trong 12 quốc gia hoàn thành cập nhật mức đóng góp quốc gia tự quyết (NDC - Nationally determined contribution) vào ngày 11/09/2022.
Theo ông Trai, việc chuyển đổi để hướng tới kinh tế xanh chính là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm sắp tới. Chính phủ cũng đang có nhiều diễn đàn và nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang kinh tế xanh.
Về phía doanh nghiệp, kinh tế xanh không còn là sự chuyển đổi theo nhiệm ý, mà đã trở thành sự tất yếu trong quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp. Mô hình kinh tế tuyến tính, nơi chỉ có khai thác và tận dụng tài nguyên, không còn là lựa chọn thích hợp cho việc phát triển bền vững và lâu dài. Các doanh nghiệp đã dần chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, người tiêu dùng cũng dần chuyển sang lựa chọn các sản phẩm mang “thương hiệu xanh”. Đặc biệt, với 19 FTA đã ký kết, trong đó 16 FTA đã có hiệu lực cho thấy Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thị trường toàn cầu. Điều này cho thấy các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ theo luật chơi mới mang tên CO2 và biến đổi khí hậu trong thương mại và đầu tư toàn cầu.
Các diễn giả trao đổi tại Tọa đàm. |
“Câu chuyện của ngành dệt may Việt Nam từng vị thế số 2 thế giới đã bị mất nhiều đơn hàng về Bangladesh, do thiếu tiêu chuẩn xanh... là một ví dụ đắt giá gần đây”, ông Trai nhìn nhận.
Còn theo ông Don Lam, Tổng giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital, hiện nay trên 80% nhà đầu tư trên thế giới suy nghĩ về đầu tư xanh và sạch. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần lượng vốn đầu tư khoảng 370 tỷ USD (tương đương khoảng 6,8% GDP/năm) để triển khai đồng thời lộ trình chống chịu với biến đổi khí hậu và trung hòa phát thải carbon.
Là một nhà đầu tư có trách nhiệm, VinaCapital cũng đã tiên phong trong việc nâng cao nhận thức ESG vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho các công ty mà VinaCapital đầu tư như đầu tư và phát triển các dự án quy mô lớn về năng lượng tái tạo và năng lượng sạch nhằm góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường của các nguồn năng lượng truyền thống.
“Chúng tôi cũng thành lập quỹ đầu tư tác động VinaCarbon để đầu tư vào các công ty và dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon. Một tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn khí thải nhà kính được cắt giảm”, Don Lam cho biết.
Không chuyển đổi chúng ta sẽ tụt hậu với thế giới
TS. Bùi Đức Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT khẳng định, hiện nay thị trường tín chỉ carbon trên thế giới hoạt động rất sôi động, ở khắp các châu lục, tuy nhiên mỗi một quốc gia, mỗi khu vực có cách thức và lịch sử vận hành khác nhau.
Về thời gian triển khai thực hiện, thị trường carbon của Liên minh châu Âu được hình thành sớm nhất trên thế giới vào năm 2005, đến nay trải qua 5 giai đoạn. Tiếp theo đó là đến thị trường Hàn Quốc vận hành thử nghiệm vào năm 2012, chính thức vào năm 2015 và trải qua 3 giai đoạn. Thị trường Trung Quốc vận hành thử nghiệm năm 2012 tại một vài tỉnh và chính thức toàn quốc năm 2022; Anh từ năm 2021; Nhật Bản vừa kết thúc thử nghiệm, vận hành chính thức từ 4/2023.
Về cách thức vận hành, thị trường carbon trên thế giới hiện đang vận hành theo 3 hình thức thức, gồm: bắt buộc, tự nguyện, tuân thủ theo Điều 6 thỏa thuận Paris. Ngoài ra, có một hình thức nữa không liệt vào 3 loại trên, và tương đối đơn giản, là đơn thuần mang lên sàn mua bán, hiện chỉ có Singapore đang thực hiện... Đối với Việt Nam, Chính phủ đang đặt mục tiêu 2025 vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ carbon, 2028 vận hành chính thức.
Về giá tín chỉ carbon, ông cho biết, ở hình thức thứ ba (tuân thủ theo Điều 6 thỏa thuận Paris) sẽ không có giá tín chỉ, chỉ có hình thức thứ nhất, và hình thức thứ hai như đã nêu ở trên, tín chỉ được định giá thông qua đấu giá hoặc mua bán trên sàn. Giá tín chỉ phụ thuộc vào cung - cầu, cụ thể phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực phát thải. Như Hàn Quốc hiện nay chỉ giao dịch khoảng 5-6 USD/tín chỉ, Úc 25 USD, Trung Quốc 10 USD, EU lên đến 77 euro...
Theo ông Hiếu, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế, sản xuất đang có độ mở cao, nếu chúng ta áp dụng sớm thị trường, đồng nghĩa với việc bắt buộc các doanh nghiệp giảm phát thải, sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ. Ngoài ra, các công nghệ để giảm phát thải lại rất đắt đỏ, ngoài chi phí mua, chuyển đổi công nghệ, còn phải xem xét đến đội ngũ nhân lực vận hành, làm chủ các công nghệ, máy móc đó.
“Tuy nhiên, chúng ta phải làm, chúng ta phải chuyển đổi, nếu không chúng ta sẽ tụt hậu với thế giới”, ông Hiếu nói và cho rằng, doanh nghiệp sẽ có nhiều mặt lợi và cũng sẽ có nhiều thách thức phải đối mặt trong cuộc chơi hướng tới net zero và thị trường carbon.
Về mặt vĩ mô, doanh nghiệp giảm phát thải, tham gia thị trường carbon là cùng Chính phủ để thực hiện cam kết quốc tế trong giảm phát thải. Ngoài ra, tham gia thị trường carbon, tài chính xanh chắc chắn sẽ làm tăng thương hiệu của doanh nghiệp, qua đó sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện giảm phát thải cũng là cơ hội để chính doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất, công nghệ. Qua đó tạo ra tín chỉ để bán ra thị trường, thu về lợi nhuận…
“Cũng như các nước trên thế giới, tôi tin thị trường giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam sẽ rất sôi động...”, ông Bùi Đức Hiếu nhận định.
Chia sẻ về xu hướng phát triển mới này TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) nhìn nhận, chứng chỉ carbon không chỉ đơn giản chứng chỉ ý nghĩa về môi trường mà là một chứng chỉ của nền kinh tế, thời đại mới. Đây cũng là cuộc chiến sống còn của các nền kinh tế.
Theo ông Nghĩa, mô hình kinh tế của loài người tạo ra một mức rác thải lớn khủng khiếp. Để tiếp tục tồn tại và phát triển, loài người hiện nay phải tiến tới một mô hình kinh tế mới là mô hình kinh tế dựa vào thiên nhiên sống cùng thiên nhiên. Mô hình này những nước nghèo sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thiệt thòi, nhưng các quốc gia sẽ phải thay đổi và thực hiện nếu không sẽ gặp các rào cản về xuất khẩu như câu chuyện các doanh nghiệp xuất khẩu thép vào châu Âu đã gặp phải (phải có báo cáo phát thải bao nhiêu vào môi trường). Câu chuyện của các doanh nghiệp thép cũng sẽ là vấn đề rất khó khăn với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.