Nhờ phát triển công nghiệp hỗ trợ khá bài bản, tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong sản phẩm của Thaco đã lên tới 44%

Nhờ phát triển công nghiệp hỗ trợ khá bài bản, tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong sản phẩm của Thaco đã lên tới 44%

Thị trường thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển

Đa số công nghệ sản xuất linh kiện ô tô đều yêu cầu kỹ thuật cao và đòi hỏi nhiều vốn.

Một chiếc ô tô có khoảng 2.500 linh kiện, phụ tùng khác nhau và rất đa dạng trong nhiều lĩnh vực công nghệ. Bởi vậy, việc xây dựng hệ thống công nghiệp hỗ trợ cho ngành có yêu cầu công nghệ cao như ô tô không dễ dàng và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Theo các chuyên gia, dung lượng thị trường có tác động rất lớn đến quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nếu dung lượng nhỏ, nhà máy sẽ không thể đầu tư dây chuyền để sản xuất sản phẩm đó. Lý do là, đa số công nghệ sản xuất linh kiện ô tô yêu cầu kỹ thuật cao và đòi hỏi nhiều vốn, nên để giảm thiểu chi phí trên một đơn vị sản phẩm, các nhà đầu tư cần có thị trường với dung lượng đủ lớn (hoặc ít ra là có tiềm năng dung lượng lớn trong tương lai) trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Tiếp đó, tình trạng chênh lệch hoặc không phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng giữa nhà cung cấp linh phụ kiện và các doanh nghiệp lắp ráp, nhất là giữa tiêu chuẩn nội địa và tiêu chuẩn nước ngoài, cũng là nhân tố cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài ra, bản quyền là một điểm quan trọng trong tiến trình thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trên thực tế, đa số các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam đều nhập linh kiện của một số hãng ô tô lớn ở nước khác, nên doanh nghiệp tại Việt Nam muốn làm nội địa hóa linh kiện đó, thì phải nhận được sự đồng ý và chuyển giao công nghệ của nhà cung cấp hiện tại.

Trong khi đó, yếu tố nguồn nhân lực có trình độ cao và kỹ năng tốt còn quan trọng hơn máy móc hiện đại. Điểm làm nên điều khác biệt chính là đội ngũ nhân công có tay nghề cao, vì họ chính là những người trực tiếp vận hành, cải tiến máy móc, sáng tạo ra những phương pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả công việc.

Cuối cùng, những chính sách của Chính phủ như chính sách thuế (miễn giảm và ưu đãi) và các chính sách hỗ trợ khác (công nghệ, tài chính, đào tạo...) là công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Đối với công nghiệp ô tô, diễn biến thị trường luôn rất nhạy cảm trước sự can thiệp của Nhà nước vào quá trình phát triển của ngành. Chính sách hạn chế xe cá nhân vừa qua là một ví dụ. Khi Nhà nước áp dụng đến 9 loại thuế và phí đối với ô tô, thị trường ô tô đã nhanh chóng giảm sút, qua đó ảnh hưởng đến cả sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp đã thực hiện được công nghiệp hỗ trợ khá bài bản và quy mô, như Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), thì cơ hội phát triển lại chuyển sang một giai đoạn khác. Doanh nghiệp này đã bước đầu hình thành được một cụm tổ hợp nhà máy công nghiệp hỗ trợ, như nhà máy cơ khí cơ bản, nhà máy cơ khí chuyên dụng, nhà máy linh kiện nhựa nội - ngoại thất ô tô, nhà máy sản xuất kính ô tô, nhà máy ghế ô tô, nhà máy sản xuất các linh kiện điện và audio ô tô, nhà máy hóa chất, nhà máy điện lạnh… Nhờ đóng góp của các doanh nghiệp trong cụm tổ hợp này, tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong sản phẩm ô tô do Thaco sản xuất ra đã lên đến 44%.

Ngoài ra, hiện còn có tới 102 nhà cung cấp linh kiện và 92 nhà cung cấp vật tư phụ khác tham gia cung cấp linh phụ kiện cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô của Thaco.

Đó là những con số rất đáng khích lệ trong lộ trình hình thành một trung tâm cơ khí đa dụng tại Chu Lai phục vụ sự phát triển của Khu công nghiệp Ô tô Chu Lai Trường Hải tại tỉnh Quảng Nam.

Có được kết quả này là nhờ Thaco đã phát triển công nghiệp hỗ trợ theo phương châm “chuyên biệt để hiệu quả và kết hợp để tạo lợi thế”. Theo đó, trong điều kiện sản lượng nhỏ, nhưng nếu biết kết hợp với các thiết bị, đồ gá vạn năng và chuyên dùng, thì vẫn có thể sản xuất được linh kiện cho công nghiệp hỗ trợ và đến khi dung lượng đủ lớn sẽ tách ra làm thành nhà máy độc lập để phát triển nhanh và có hiệu quả hơn.

Tin bài liên quan