Những tia sáng le lói ở nhóm cổ phiếu chứng khoán trong phiên sáng đã không phát huy được tác dụng bởi dòng tiền tham gia khá yếu trong khi lực bán luôn thường trực khiến VN-Index chỉ duy trì đà tăng nhẹ nhờ công lớn của một số mã bluechip.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn giao dịch ảm đạm bởi tâm lý thận trọng với trạng thái chung là phân hóa. Sau hơn 1 giờ nỗ lực kéo lên mốc 1.225 điểm nhưng bất thành, chỉ số VN-Index đã quay đầu lùi về sát mốc tham chiếu trước khi bật hồi đôi chút về cuối phiên.
Nhóm cổ phiếu VN30 là động lực chính giúp thị trường ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp và tiếp tục vượt qua mốc 1.220 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên giao dịch gần đây.
Bên cạnh một số mã bluechip khởi sắc, nhóm cổ phiếu hàng không là tâm điểm đáng chú ý của thị trường trong phiên chiều. Đặc biệt là HVN, sau công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ gần 1.500 tỷ đồng và hợp nhất đạt hơn 4.441 tỷ đồng, ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu hấp thụ mạnh mẽ đã nhanh chóng kéo cổ phiếu này tăng kịch trần chỉ sau hơn 10 phút mở cửa.
Kết phiên, HVN tăng 6,9% lên mức giá 18.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 6,74 triệu đơn vị và dư mua trần gần 4,5 triệu đơn vị. Đây là mức giá cao nhất của HVN trong gần 2 năm qua và cũng là mức thanh khoản cao nhất trong khoảng 1,5 năm, kể từ phiên 6/7/2023 khớp hơn 8,6 triệu đơn vị.
Bên cạnh HVN, cổ phiếu VJC cũng “cất cánh” khi kết phiên tăng 2%, thuộc top 5 mã tăng tốt nhất trong rổ VN30, lên gần vùng đỉnh của năm, tại mức giá 106.000 đồng/CP với giao dịch sôi động, đạt gần 1,1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Đóng cửa, sàn HOSE có 223 mã tăng và 200 mã giảm, VN-Index tăng 4,67 điểm (+0,38%), lên 1.221,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 643,43 triệu đơn vị, giá trị 17.027,31 tỷ đồng, tăng 12,82% về khối lượng và 18,25% về giá trị so với phiên hôm qua (2/5). Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 76,2 triệu đơn vị, giá trị 1.861 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, nhóm VN30 là điểm tựa chính khi kết phiên vẫn giữ mức tăng khá tốt hơn 8,4 điểm. Trong đó có 12 mã giảm, với GVR giảm mạnh nhất là 2%, tiếp theo là POW giảm 1,4%, FPT giảm 1,1%, còn lại đều giảm nhẹ chưa tới 1%.
Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng HDB lấy lại sức nóng, xác nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp của cổ phiếu này và cũng là mức giá cao kỷ lục mới. Kết phiên tăng 3,4% lên mức 24.450 đồng/CP, đồng thời khối lượng khớp lệnh sôi động với gần 11,4 triệu đơn vị, tăng hơn 30% so với mức thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây của HDB.
Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất cho thị trường vẫn là TCB. Kết phiên, TCB tăng 2,9% lên mức 48.200 đồng/CP với thanh khoản đạt 13,66 triệu đơn vị, đã đóng góp gần 1,2 điểm cho chỉ số chung. Ngoài ra, các mã tăng tốt khác trong rổ bluechip như VRE tăng 2,9%, MSN tăng 2,6%, ACB tăng 1,9%.
Xét về nhóm ngành, bên cạnh sự dẫn đầu của nhóm cổ phiếu vận tải kho bãi nhờ các mã hàng không “cất cánh”, nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng đứng ở vị trí tiếp theo với cặp đôi lớn HPG và HSG cùng tăng hơn 1%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ đà tăng nhẹ nhờ các mã lớn trong ngành như TCB, cùng VCB và CTG tăng nhẹ, BID đứng giá tham chiếu…
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán trở lại trạng thái phân hóa khi nhiều mã quay xe giảm như SSI, TVB, VIG, cùng hàng loạt mã lùi về mốc tham chiếu như VND, FTS, ORS, CTS, BVS, APS…
Trên sàn HNX, thị trường thu hẹp biên độ về cuối phiên khi nhóm HNX30 hạ độ cao.
Đóng cửa, sàn HNX có 92 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng 0,73 điểm (+0,32%), lên 228,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,5 triệu đơn vị, giá trị 1.112,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,54 triệu đơn vị, giá trị 289,27 tỷ đồng, trong đó riêng GKM thỏa thuận gần 3,7 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 121 tỷ đồng và HUT thỏa thuận 6,24 triệu đơn vị, giá trị hơn 106 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ còn tăng 2,5%, dù sắc xanh vẫn chiếm áp đảo với 16 mã tăng và chỉ 5 mã giảm. Trong đó, các mã giảm là TMB, VC3, DVM, DHT và MBS với biên độ chỉ trên dưới 1%.
Ngược lại, VCS vẫn tích cực nhất dù biên độ thu hẹp đáng kể khi kết phiên tăng 3,7%; tiếp theo là LHC, CEO, HLD, NVB, PVG, NTP tăng trong khoảng 1-2%.
Cổ phiếu chứng khoán SHS không nằm ngoài xu hướng chung của ngành, kết phiên lùi về mốc tham chiếu 18.200 đồng/CP, thanh khoản vẫn sôi động nhất thị trường với 12,95 triệu đơn vị.
Một vài mã đáng chú ý như CEO tăng 1,7% và khớp 5,65 triệu đơn vị, VGS tăng 4% và khớp 1,83 triệu đơn vị, cặp đôi nhỏ là AAV và VHE cùng đóng cửa trong sắc tím với thanh khoản tương ứng 3,17 triệu đơn vị và 1,17 triệu đơn vị.
Ngược lại, cổ phiếu TAR sau khi nhận án hủy niêm yết đã nằm sàn, đóng cửa tại mức giá 5.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 0,68 triệu đơn vị và dư bán sàn tới hơn 4 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường may mắn lấy lại sắc xanh trong những phút cuối phiên dù phần lớn thời gian trong phiên chiều lình xình dưới mốc tham chiếu.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,1%), lên 89,78 điểm với 225 mã tăng và 100 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,48 triệu đơn vị, giá trị 331,21 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn có giao dịch sôi động nhất với hơn 4,1 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công và trong xu hướng khởi sắc chung của họ P, kết phiên mã này tăng 1,1% lên mức 18.200 đồng/CP.
Bên cạnh đó, góp mặt trong nhóm cổ phiếu hàng không, ACV tiếp tục nới rộng biên độ trong phiên chiều và đóng cửa tăng 6,9% lên mức giá 94.400 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt gần 0,7 triệu đơn vị.
Ngược lại, cũng trong nhóm cổ phiếu công nghệ, VGI đóng cửa giảm 2,8% xuống mức 66.000 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 2,26 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2405 tăng 7,2 điểm, tương đương +0,6% lên 1.249,6 điểm, khớp lệnh 194.260 đơn vị, khối lượng mở 52.656 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CHPG2331 giao dịch sôi động nhất với gần 3,25 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 10% lên 660 đồng/cq; tiếp theo là CHPG2334 khớp hơn 2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,8% lên 560 đồng/cq.