Sự đòi hỏi... vô độ của khách hàng
Ông Tăng Văn Khanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư K&G Việt Nam, người sáng lập nhãn hàng thời trang nam cao cấp Aristino đã chọn từ bất trắc để nói về tình hình kinh doanh năm nay.
“Các tên tuổi lớn thế giới đang đổ vào Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam đa phần vẫn là “thợ may giỏi”. Trong khi đó, khách hàng lại đòi hỏi... vô độ, nên chúng tôi không dám dùng từ chiến lược kinh doanh cho những năm tới, mà là nỗ lực hiểu và đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Khanh chia sẻ khi bàn về các kế hoạch kinh doanh năm 2020.
Sự vô độ này được ông Khanh giải thích theo nghĩa là những đòi hỏi miễn phí, hoàn hảo và ngay lập tức với các thương hiệu thời trang.
“Miễn phí không có nghĩa là dùng không trả tiền, mà là cùng một mức chi trả, khách hàng đòi hỏi lợi ích nhiều hơn, sản phẩm hoàn thiện hơn và phải được phục vụ luôn và ngay”, ông Khanh làm rõ.
Vấn đề nằm ở chỗ, doanh nghiệp Việt đa phần có quy mô nhỏ và vừa, quen làm ăn theo kinh nghiệm, nên khi va vào xu hướng mới, đòi hỏi thay đổi nhanh sẽ rất dễ bị lỡ nhịp, nhất là khi mức độ cạnh tranh trên thị trường thời trang Việt đang tăng nóng.
Mới đây nhất, sau khi ra mắt hoành tráng tại TP.HCM, Uniqlo - thương hiệu thời trang của Nhật Bản - đang chuẩn bị hiện diện tại Hà Nội đầu năm 2020. Như vậy, thị trường Việt Nam đang hội tụ khá đông đủ thương hiệu thời trang, như Zara, H&M, Mango, Topshop, Pull&Bear, Stradivarius...
Đó là chưa kể sự cạnh tranh có vẻ thầm lặng, nhưng lại chứa đựng sức ép lớn từ các trang thương mại điện tử, mô hình kinh doanh trên mạng Internet...
“Chúng tôi thấy rõ khách hàng của mình đang bị “săn đuổi”. Chỉ cần có một động thái tìm kiếm trên Google, họ sẽ bị bủa vây bởi các trang thương mại điện tử. Bài toán mà doanh nghiệp Việt phải giải lúc này không chỉ là chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mà còn phải tạo sự thiện cảm, cảm xúc giữa khách hàng và thương hiệu. Chỉ có mối liên hệ tình cảm mới có sự gắn bó. Đây là điều chúng tôi phải nỗ lực làm trong năm nay và những năm tiếp theo”, ông Khanh chia sẻ.
Cái giá của sự... không thay đổi
Chia sẻ trên của ông Khanh trong buổi Tọa đàm “Triển vọng kinh tế tài chính năm 2020 và góc nhìn doanh nhân”, do Hội Doanh nghiệp Hà Nội (HBA) vừa tổ chức, đã nhận được sự đồng tình của nhiều người.
Ông Hồ Hoàng Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Phú Thành - thương hiệu đang nắm tới 95% thị phần chiếu sáng tòa nhà ở Hà Nội, 90% thị phần cả nước - cũng đang ở thế “làm mọi sự tốt nhất như thể ngày mai không còn cơ hội nữa”.
“Chúng tôi cũng không dự đoán được 5 - 10 năm tới sẽ làm gì, chỉ nghĩ đến 3 năm. Nhưng phải nhìn công nghệ để thay đổi. Hôm rồi, tôi gặp ông chủ Mai Linh, ông ấy chia sẻ đúng là không thể ngờ có ngày Grab xuất hiện...”, ông Hải nói. Cũng theo ông Hải, giải pháp Phú Thành đang làm là hoàn thiện bộ máy quản trị theo hướng hiệu quả, gọn nhẹ để tăng sự linh hoạt cho doanh nghiệp.
Không phải chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới tìm kiếm thế mạnh từ sự linh hoạt. TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã nhắc đến các doanh nghiệp lớn mà ông làm việc cũng chỉ lên kế hoạch 3 năm. Trong 3 năm đó, mỗi năm đều phải cuốn chiếu xem xét lại do những dự báo kinh tế vĩ mô, cả trong nước và quốc tế, đều cho thấy sự bất định và đòi hỏi thay đổi.
“Khi làm việc với các doanh nghiệp lớn, họ đã nói với tôi rằng, ngay cả Stephen Elop, CEO của Nokia - thương hiệu một thời huy hoàng cũng đã phải thốt lên: ‘Chúng tôi chẳng làm gì sai, thế mà chúng tôi vẫn thua trận’. Rõ ràng, thế giới đã thay đổi, nếu làm theo cách cũ thì cái giá phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều khi thay đổi”, ông Thành nói.
Nhưng hàm ý mà TS. Võ Trí Thành muốn nói không chỉ dành cho doanh nghiệp. “Môi trường kinh doanh, môi trường thể chế cần sự bứt phá, điều chưa làm được trong năm 2019. Nếu chi phí giao dịch không chính thức còn, nếu giải ngân đầu tư công chậm, doanh nghiệp càng khó tính cho bài toán linh hoạt”, ông Thành thẳng thắn.
Đặc biệt, lo ngại từ sự chậm trễ trong đầu tư hạ tầng đang nổi lên khi tổng mức đầu tư cho hạ tầng năm 2019 chỉ bằng khoảng 6% GDP, thay vì mức 12% GDP của năm trước đó.
“Tôi cho rằng, 8% là mức hợp lý, nếu không ách tắc sẽ đạt được. Chỉ đơn cử, du lịch có 85 triệu lượt khách trong nước, 18 triệu lượt khách quốc tế và tốc độ tăng như hiện tại, thì các sân bay ngày càng quá tải. Đó là chưa kể khả năng hấp thụ vốn sẽ giảm khi hạ tầng, logistics không được cải thiện”, ông Thành phân tích.
Ở góc nhìn vĩ mô, ông Thành cho rằng, đang có 3 nhóm ngành cần thu hút đầu tư mạnh, cần được sự hậu thuẫn của cơ chế, chính sách, gồm du lịch, lưu trú; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; logistics, vận tải.
Với doanh nghiệp Việt Nam, ngoài nhóm ngành liên quan đến hội nhập, như dệt may, da giày, nông - lâm - thủy sản, thủ công mỹ nghệ..., các dịch vụ hỗ trợ cho tập đoàn đa quốc gia, như bếp ăn, quảng cáo, logistics... cũng cần được quan tâm hơn.