Thị trường đối mặt với đợt bán tháo lớn trong tháng 10 đã đưa chỉ số VN-Index xuống mức thấp nhất (kể từ 2021) là 962,45 điểm trước khi đóng cửa ở mức 1.027,94 điểm (giảm 9,2% so với tháng trước và giảm 31,4% kể từ đầu năm).
Bên cạnh các rủi ro liên quan đến suy thoái kinh tế ở một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, áp lực từ việc Fed tăng lãi suất, đồng USD mạnh, lạm phát trong nước gia tăng, thị trường trong tháng 10 còn thể hiện thêm những lo ngại xoay quanh những vụ vi phạm trên thị trường tài chính nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản nói riêng.
Đáng chú ý, trong tháng 10, áp lực tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã gia tăng đáng kể để đối phó với lạm phát và tỷ giá USD/VND tăng mạnh. Việc lãi suất tăng có tác động trực tiếp đến các ngành và công ty có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao. Sau hai lần tăng lãi suất gần đây của NHNN, áp lực mất giá của Việt Nam Đồng, cũng như áp lực lạm phát đã được giảm bớt.
Trong khi đó, chỉ số định giá P/E của VN-Index đang quanh mức 10 - 10,7 lần (ngưỡng trung bình 10 năm trừ đi hai độ lệch chuẩn) là cơ hội tốt để tích lũy các cổ phiếu có tính chất phòng thủ và có định giá hấp dẫn. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất gia tăng, định giá hiện tại của VN-Index đang đối mặt với nhiều sự bất định. Do đó, nhóm phân tích cho rằng vẫn cần thêm thời gian để thu hút dòng tiền tham gia vào thị trường.
Tổng hợp lại, Mirae Asset kỳ vọng, thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng trong tháng 11 dựa trên các cơ sở, đó là sự phục hồi gần đây của các thị trường tài chính trên thế giới; tâm lý nhà đầu tư cải thiện; kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong tháng 12; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp thực hiện zero - Covid, cũng như được thúc đẩy bởi chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cập nhật triển vọng các ngành
Bất động sản khu công nghiệp: Theo báo cáo thị trường của Cushman & Wakefield, trong quý III/2022, tại thị trường khu công nghiệp phía Nam, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp được duy trì ở mức cao quanh 88% (tăng 3% so với cùng kỳ) với tổng diện tích đất công nghiệp đạt 27,78 ha (không có nguồn cung mở mới).
Trong thời gian tới, thị trường khu công nghiệp phía Nam dự kiến đón thêm nguồn cung mới đến từ một số dự án tiêu biểu như: VSIP 3 (1000 ha), NTC3 – mở rộng (346 ha), Phước An (330 ha)…
Bán lẻ: Lạm phát đến cuối tháng 10/2022 ghi nhận mức tăng 4,16% so với tháng 12/2021 và tăng 4,3% cùng kỳ do hai tác nhân chính. Thứ nhất, tăng giá của các dịch vụ giáo dục do kết thúc các chương trình giảm học phí liên quan đến dịch Covid cũng như giá điều chỉnh tăng tại một số địa phương. Thứ hai, nhu cầu thuê tăng dẫn đến giá thuê cũng như giá dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng nhà tăng.
Nhìn chung, tuy lạm phát sẽ gây một áp lực nhất định lên tiêu thụ nội địa trong ngắn hạn, Mirae Asset vẫn giữ quan điểm tích cực đối với tăng trưởng của ngành bán lẻ nói chung nhờ sự vượt trội của các yếu tố tích cực so với tiêu cực.
Năng lượng điện: Công trình đường dây 220 kV Nậm Mô (Lào) - Tương Dương (Việt Nam) đang được đẩy nhanh tiến độ nhằm nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Mô về Việt Nam. Đến tháng 10/2022, dự án đã đạt 91% tiến độ và dự kiến đóng điện toàn tuyến trong tháng 11/2022.
Đối với các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT v/v quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Dầu khí: Trong cuộc họp tháng 10/2022, OPEC+ đã quyết định giảm 2 triệu thùng/ngày sản lượng dầu tháng 11 so với tháng 10 (tương đương 2% tổng nguồn cung dầu toàn cầu). Mặc dù một số nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với rủi ro suy thoái, OPEC+ vẫn giữ dự kiến duy trì giá dầu ở vùng cao.
Theo IEA, tỷ lệ lấp đầy các kho khí đốt ở châu Âu đã đạt mức 90% mặc dù xuất khẩu khí đốt từ Nga sang EU giảm 50%, sau khi ngưng đường ống Nord Stream 1, trong đó một vài quốc gia đã hoàn tất việc tích trữ cho giai đoạn mùa đông sắp tới.
Cảng biển: Giá trị xuất nhập khẩu giữ tốc độ tăng trưởng trên 2 chữ số sau 10 tháng năm 2022, ước đạt 616,2 tỷ USD (tăng 14,1% so với cùng kỳ), giảm nhẹ so với 9 tháng 2022 ở mức 15,1% . Thông thường hoạt động xuất nhập khẩu sẽ chậm lại trong quý IV hàng năm. Số dự án FDI Công nghiệp chế biến, chế tạo còn hiệu lực duy trì tốc độ tăng trưởng quanh 2% sau 10 tháng với tổng số dự án ước đạt 15.850 dự án. Tổng vốn đầu tư đăng ký tăng 7,7%, lên mức 257,4 tỷ USD.
Dù tốc độ tăng trưởng chậm lại, FDI Công nghiệp tiếp tục giữ mức tăng trưởng dương là yếu tố tích cực hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu.
Công nghệ thông tin: Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749/QĐ-TTg, Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP đến năm 2025 và 30% GDP đến năm 2030 (từ mức 5% GDP trong năm 2019). Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết ngành công nghệ thông tin duy trì khả quan, nhờ vào nhu cầu chuyển đổi số vẫn tiếp tục mạnh mẽ trong 9 tháng 2022.
Xây dựng: Cập nhật tiến độ Cao tốc Bắc Nam: Giai đoạn 2017 - 2020: Ước tính đến 31/10/2022, dự án giải ngân được 9.569 tỷ đồng, đạt 61,8% kế hoạch năm 2022 (15.484 tỷ đồng). Giai đoạn 2021 - 2025: Ước tính đến 31/10/2022, dự án giải ngân được 949 tỷ đồng, đạt 11,1% kế hoạch năm 2022 (8.591 tỷ đồng).
Ngân hàng: NIM có thể giảm nhẹ. Trong 9 tháng 2022, NIM trung bình của các ngân hàng niêm yết tăng 31bps từ đầu năm đến nay dựa vào giảm tỷ trọng huy động tiền gửi và lợi suất của tài sản sinh lời tăng. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất sẽ làm gia tăng chi phí huy động của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, theo quan sát, các Ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động (mốc tham chiếu cho việc tính lãi suất cho vay) từ giữa năm 2022. Vì vậy, Mirae Asset cho rằng, ảnh hưởng của việc tăng lãi suất lên NIM của ngân hàng sẽ không quá tiêu cực, đặc biệt là các ngân hàng trong nhóm chuyên gia theo dõi.
Dệt may: Trong tháng 10/2022 và 10 tháng 2022, giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 2,8 tỷ USD (tăng 5,7%) và 31,8 tỷ USD (tăng 21,9%). Mặc dù giá trị xuất khẩu đi ngang so với tháng 9, tốc độ tăng trưởng trong tháng 10 giảm khi so với mức 24,1% trong tháng trước. Hoạt động sản xuất mảng may mặc có dấu hiệu chậm lại trong tháng 10 khi IIP tháng 10/2022 và 10 tháng 2022 tăng lần lượt 5,5% và 19,2% (so với 24,2% và 22,5% trong tháng 9 và 9 tháng 2022).