Thị trường chứng khoán lên hay xuống là câu chuyện của dòng tiền và niềm tin

Thị trường chứng khoán lên hay xuống là câu chuyện của dòng tiền và niềm tin

Thị trường tăng điểm nhưng lựa chọn đầu tư trở nên khó khăn hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường gần đây có những phiên tăng điểm liên tiếp, áp lực chốt lời được hấp thụ rất nhanh, nhưng khi sóng đã ở lưng chừng thì sự lựa chọn sẽ trở nên khó khăn.

Khả năng Trung Quốc giảm phát và Mỹ suy thoái

Dữ liệu kinh tế quý II/2023 mà Trung Quốc vừa công bố không như kỳ vọng của thị trường cũng như các nhà điều hành chính sách, dù được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng từ trước. Các chỉ số như lạm phát và sản xuất công nghiệp cho thấy, nước này đang rơi vào vùng giảm phát.

Trung Quốc là một trong những nước có giá trị xuất nhập khẩu lớn nhất trên toàn cầu và là một trong các đối tác thương mại quan trọng nhất với Việt Nam. Việc kinh tế Trung Quốc suy yếu, trong khi nhu cầu ở thị trường Mỹ và châu Âu chưa có nhiều cải thiện sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Đối với Mỹ, dữ liệu lạm phát tháng 6/2023 khá tích cực (3%), thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây, nhưng chưa thỏa mãn mục tiêu đưa lạm phát xuống 2%/năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Do đó, Fed vẫn có thể sẽ tăng lãi suất điều hành thêm 0,25% trong cuộc họp tháng 7/2023 và giữ lãi suất ở mức cao trong các tháng tiếp theo.

Bên cạnh đó, một vài dữ liệu kinh tế tháng 6/2023 như sản xuất, tiêu dùng có dấu hiệu suy yếu ngày càng rõ rệt hơn khi nền kinh tế nước này đang trong môi trường lãi suất cao. Nguy cơ suy thoái vẫn hiện diện trong giai đoạn cuối năm 2023. Chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam có thể sẽ gây áp lực tới tỷ giá USD/VND thời gian tới.

Đà tăng của VN-Index gặp thách thức

Thị trường chứng khoán lên hay xuống là câu chuyện của dòng tiền và niềm tin. Kinh tế có dấu hiệu suy yếu, nhưng với chính sách tiền tệ nới lỏng, sự kỳ vọng đã được hình thành. Có nhiều kỳ vọng về việc tiền rẻ sẽ giúp kênh đầu tư chứng khoán trở lại thời hoàng kim cách đây không lâu. Không ít tổ chức sau khi bước vào nửa cuối năm 2023 đã đưa ra dự báo lạc quan về VN-Index, các mốc điểm cao hơn sẽ được chinh phục và hầu như không đề cập đến kịch bản xấu.

Khi dòng tiền đổ vào như nhiều lần trước đây, sự lạc quan sẽ đến từ hầu hết các bên. Tuy nhiên, không khó để nhận ra những thách thức cho đà tăng bền vững của thị trường.

Giá trị giao dịch bình quân và khối lượng cổ phiếu niêm yết.

Giá trị giao dịch bình quân và khối lượng cổ phiếu niêm yết.

Thứ nhất, đó là động lực tăng trưởng lợi nhuận. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng lợi nhuận có thể đã tạo đáy, nhưng khó có thể hồi phục mạnh trong 6 tháng cuối năm 2023.

Thứ hai, thanh khoản thị trường được cải thiện, nhưng không dễ quay trở lại tình trạng sôi động như trước, dù lượng tài khoản chứng khoán mở mới gần đây gia tăng. Thanh khoản khớp lệnh trung bình trên HOSE chưa vượt qua được mức 20.000 tỷ đồng/phiên, trong khi nguồn cung bị “kẹp” phía trên vẫn còn rất nhiều, chưa kể lượng cổ phiếu niêm yết gia tăng.

Thứ ba, khi đã ở một mức định giá cao hơn, trong khi triển vọng kinh tế chưa chắc chắn, thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh. Hiện tại, về mặt định giá, VN-Index đang có P/B là 1,78 lần, không quá hấp dẫn nếu so sánh với các thị trường khu vực như Thái Lan (1,48 lần), Singapore (1,11 lần), Malaysia (1,32 lần), Philippines (1,6 lần), Trung Quốc (1,36 lần).

Định giá theo P/B của một số thị trường chứng khoán.

Định giá theo P/B của một số thị trường chứng khoán.

Câu chuyện mùa hè

Thị trường mùa hè là một giai đoạn đặc biệt. Ở đó, tùy theo năm, có năm tăng, năm giảm, nhưng đà tăng, đà giảm sẽ rất bền và những câu chuyện luôn được kể đi, kể lại. Nguyên nhân xuất phát chính từ việc mùa hè là mùa thiếu thông tin và do đó, một thông tin, một tông màu chủ đạo nào đó khi được chú ý sẽ có “đất diễn” rất lâu.

Chúng ta đã có những mùa hè của cổ phiếu dầu khí, mùa hè của cổ phiếu ngân hàng, mùa hè của cổ phiếu bất động sản công nghiệp… Năm nay là mùa hè của câu chuyện chính sách tiền tệ, mang lại kỳ vọng sóng lớn, khi chúng ta được nghe một câu chuyện lớn và liên quan đến nhiều nhóm ngành.

Lưu ý, trong những mùa hè trước, có những câu chuyện buồn sau đỉnh. Ở đó, khi câu chuyện trong hè được kể xong, một quãng nghỉ để chuẩn bị cho sóng cuối năm sẽ đến. Cũng có không ít mùa hè mà sau đỉnh là những đoạn giảm nhanh, cuốn đi thành quả trước đó.

Điều quan trọng ở đây là việc câu chuyện mùa hè có còn được kể, còn đáp ứng kỳ vọng trong thời gian sau đó hay không, hay chỉ là câu chuyện ngắn hạn, mang tính đầu cơ thông tin. Với chuyện tăng lãi suất, không khó để hình dung điều kiện cần để câu chuyện được kể tiếp sau hè.

Trong mỗi một sóng tăng, câu chuyện chọn đứng ngoài hay tiếp tục đu sóng, nhất là khi sóng đã lưng chừng là sự lựa chọn khó khăn. Với một thị trường nhiều nhà đầu tư cá nhân và quán tính cao, đôi lúc sự chờ đợi nhịp điều chỉnh có thể khiến nhà đầu tư lỡ sóng. Trong mùa hè này, có thể nhịp độ cần chậm lại để biết câu chuyện sẽ dừng lại hay tiếp tục. Ở chiều lỡ sóng, phần thưởng đương nhiên sẽ mất. Nhưng ở chiều nếu chỉ là câu chuyện mùa hè, việc chậm lại sẽ giúp nhà đầu tư tránh được nhiều tổn thất.

Tin bài liên quan