Trao đổi với Báo Đầu tư chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm trong tốp 10 thị phần doanh thu lớn nhất thị trường cho hay, tổn thất từ đợt bão lũ này sẽ gây nhiều khó khăn trong năm nay. Ngoài tổn thất tại các vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, tình hình ngập lụt vẫn còn tiếp diễn ở các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng… cũng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm thêm phần lo lắng.
Thực tế, chưa bao giờ thị trường bảo hiểm lại chứng kiến một cuộc tổng động viên các giám định viên lớn như thời gian qua. Theo đại diện Bảo hiểm Bưu điện (PTI), nhà bảo hiểm này đã huy động toàn bộ lực lượng giám định viên tại khu vực miền Bắc khoảng 100 người đến ngay hiện trường hỗ trợ khách hàng khắc phục sớm thiệt hại sau bão Yagi.
Thống kê sơ bộ cho thấy, tính đến 18h ngày 9/9/2024, PTI ghi nhận 65 vụ tổn thất về tài sản - kỹ thuật - hàng hải; 273 vụ tổn thất về xe cơ giới; nghiệp vụ bảo hiểm con người hiện chưa ghi nhận trường hợp mất tích hoặc tử vong. Các vụ tổn thất do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, lũ lụt đang tiếp tục được cập nhật.
Với tinh thần dốc toàn lực để hỗ trợ các địa phương đang gặp thiên tai, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) không chỉ cử hết giám định viên của văn phòng Tổng công ty, mà còn lên phương án điều giám định viên từ nơi ít bị ảnh hưởng để tăng cường cho nơi bị ảnh hưởng nhiều.
Tương tự, Bảo hiểm BIDV (BIC) đã thực hiện tăng cường, bổ sung lực lượng cán bộ giám định bồi thường từ trụ sở chính và các địa bàn lân cận tới các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, phối hợp với các đơn vị giám định độc lập để hỗ trợ khách hàng thống kê, giám định thiệt hại…
Bão số 3 đã qua đi, nhưng hoàn lưu của bão vẫn đang gây mưa lớn tại nhiều địa phương khu vực miền núi và trung du phía Bắc khiến tình hình mưa, lũ, sạt lở, vỡ đê… càng trở nên nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Tuy nhiên, những thiệt hại bất khả kháng này không chỉ là con số đơn thuần, mà còn có thể phá vỡ mục tiêu kéo giảm tỷ lệ bồi thường mỗi doanh nghiệp đang phấn đấu. Lý do bởi, với những thị trường và nghiệp vụ có tổn thất lớn, các nhà tái bảo hiểm sẽ đánh giá lại và gây khó khăn cho các mùa tái tục năm sau, với các điều khoản và điều kiện bị siết chặt hơn, phí tái tục cũng không còn ở mức “dễ chịu” như trước.
Được biết, hầu hết nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường tăng cao sau đợt bão lũ này đều đã được tái bảo hiểm theo đúng quy định (tỷ lệ giữ lại khoảng 20% tùy doanh nghiệp, tỷ lệ này có thể được tái tiếp tùy năng lực và khả năng giữ lại, có doanh nghiệp chỉ giữ lại vài phần trăm), trừ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới doanh nghiệp có thể giữ lại hết và bồi thường hết. Tuy nhiên, với những tổn thất mới chỉ thống kê sơ bộ qua vài ngày đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng thì có thể khẳng định, năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Theo báo cáo về các động lực thị trường tái bảo hiểm của Aon được ấn hành vào giữa tháng 7/2024, nhìn chung, các công ty bảo hiểm đã đạt được kết quả tái tục thuận lợi vào giữa năm, với việc tỷ lệ phí tái bảo hiểm rủi ro thảm họa tài sản giảm, các điều khoản và phạm vi bảo hiểm được cải thiện. Tuy nhiên, môi trường rủi ro - đặc biệt là sự biến động về tổn thất rủi ro thứ cấp trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản, lạm phát xã hội và diễn biến dự phòng bất lợi trong lĩnh vực bảo hiểm trách nhiệm, có khả năng bị kiểm soát chặt hơn cho đến năm 2025.