Thị trường trái phiếu Việt Nam chưa phát triển phù hợp với quy mô kinh tế, ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Bộ Tài chính đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ thị trường sơ cấp. Trước đây, trái phiếu chính phủ tập trung vào các kỳ hạn dưới 5 năm, nhưng trong vòng hai năm qua, Chính phủ đã phát hành một số lượng đáng kể trái phiếu lãi suất cố định với kỳ hạn 10 - 15 năm, bao gồm trái phiếu từ khu vực ngân hàng. Các sản phẩm mới như trái phiếu không lãi suất (zero-coupon) đang được xem xét để ra mắt thị trường. Hiện nay, Bộ Tài chính đang soạn thảo Nghị định về việc thành lập các quỹ hưu trí tự nguyện tư nhân.
Trong nghiên cứu “Global Focus 2015 - Rekindling Animal Spirits” (Tiêu điểm toàn cầu 2015: Khơi lại sự hưng phấn) của Standard Chartered, chúng tôi lạc quan về cung/cầu đối với trái phiếu chính phủ Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, nguồn cung trái phiếu sẽ cao hơn trong năm 2015, nhưng tổng lượng phát hành trái phiếu bằng nội tệ sẽ tương tự năm 2014, vì Ngân hàng Nhà nước có thể tăng phát hành trái phiếu chính phủ bằng USD để đáp ứng nhu cầu.
Các ngân hàng trong nước sẽ mua thêm trái phiếu chính phủ. Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam cho quý II/2015 từ 5,5%/năm xuống 5% để thể hiện kỳ vọng lạm phát trung hạn thấp và chính sách không quá khắt khe của Ngân hàng Nhà nước.
Về ngành quỹ tại Việt Nam, ông có đánh giá như thế nào?
Dựa vào các kết hoạch phát triển của nền kinh tế cũng như mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam và tình hình dịch chuyển đội ngũ lao động, chúng tôi nhận thấy dấu hiệu và những cơ hội rất tích cực của thị trường trong giai đoạn hiện tại với các nhà đầu tư.
Cùng với những đối tác tin cậy như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, chúng tôi rất quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững của ngành quỹ Việt Nam. Ví dụ cụ thể là việc ra đời quỹ mở năm 2014 đã góp phần hình thành nguồn vốn trong nước dài hạn có thể sử dụng đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.
Trong năm 2014, hai quỹ ETF đầu tiên được thành lập ở Việt Nam. Đây là dấu hiệu rất tích cực cho lĩnh vực quỹ, bởi vì nhà đầu tư trong nước có nhiều sản phẩm để lựa chọn hơn.
Với nhiều sản phẩm đầu tư mới sẽ được tung ra trong thời gian tới như sản phẩm phái sinh (futures, options), quỹ hưu trí, chúng tôi nghĩ TTCK sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các quỹ.
Theo ông, mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với TTCK Việt Nam là gì?
Các công ty quản lý quỹ nước ngoài đầu tư vào thị trường trái phiếu trong nước đang quan tâm đến cách phân tán rủi ro, điều họ có thể thực hiện nhờ thị trường phái sinh tại các thị trường trái phiếu ở các nước khác, nhưng theo quy định hiện hành tại Việt Nam, các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài chưa thể tự bảo hiểm rủi ro tiền tệ.
Đối với thị trường cổ phiếu, họ quan tâm đến quy mô thị trường. Các nhà quản lý quỹ toàn cầu không thể bỏ vào danh mục đầu tư của họ quá nhiều loại cổ phiếu, nhất là cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Vì vậy, họ cần các công ty có vốn hóa thị trường lớn. Tính thanh khoản cũng được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Ông nhận thấy thông điệp gì từ nỗ lực phát triển TTCK của Việt Nam hiện nay?
Việt Nam đã thành công trong thu hút được nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đang nỗ lực để thu hút thêm vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy phát triển thị trường vốn với các sản phẩm đa dạng, có thanh khoản và tính minh bạch cao hơn.
Theo đó, TTCK phát triển tốt hơn sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế và cải cách trong nhiều lĩnh vực bao gồm ngân hàng và tài chính, tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công.
Quan trọng hơn, một hệ thống pháp lý rõ ràng và đáng tin cậy sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa dòng vốn FDI và FII, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào thương mại quốc tế ngày một mạnh mẽ, cung cấp hàng hóa và dịch vụ khắp thế giới. Đặc biệt, Chính phủ đã hạ quyết tâm tái cơ cấu và nâng cao chất lượng thị trường tài chính. Chính phủ đã đưa ra các bước đi được hoạch định kỹ và đang thực hiện quá trình này.
Về cơ bản, sự phát triển của TTCK gắn liền với ba phía: Chính phủ và các DNNNN, các ngân hàng như chúng tôi và các nhà quản lý quỹ.
Standard Chartered đã cung cấp dịch vụ gì trên TTCK Việt Nam?
Standard Chartered là ngân hàng đi đầu trong các dịch vụ lưu ký và thanh toán bù trừ tại Việt Nam. Chúng tôi là một trong những ngân hàng lưu ký nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép lưu ký trong năm 2000, theo đó, Ngân hàng đã tích lũy nhiều kiến thức về TTCK Việt Nam. Điều này được đánh giá cao từ các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và tiềm năng, những người đang tìm cách đầu tư vào Việt Nam.
Ngân hàng cấp đầy đủ các sản phẩm và dịch vụ như: dịch vụ lưu ký (lưu giữ tài sản đầu tư, thanh toán bù trừ, dịch vụ tài sản); quản lý quỹ (kế toán đầu tư, định giá tài sản, giám sát tuân thủ); dịch vụ ký quỹ để đáp ứng nhu cầu không ngừng gia tăng của khách hàng.
Mạng lưới toàn cầu cho phép Ngân hàng mang đến Việt Nam các nhà đầu tư quốc tế và ngân hàng lưu ký toàn cầu (là những người khách hàng toàn cầu của Ngân hàng). Chúng tôi cập nhật tình hình thị trường cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Điều này không chỉ giúp họ biết rõ tình hình, mà còn giúp họ đầu tư vào TTCK Việt Nam có hiệu quả.
Những nỗ lực của Ngân hàng đã được công nhận bằng những giải thưởng và điều này cho thấy, khách hàng tin tưởng vào sản phẩm, dịch vụ của chúng tôi và tin tưởng khi lựa chọn chúng tôi.
Tháng 5/2015, chúng tôi nhận được danh hiệu Ngân hàng lưu ký trong nước tốt nhất, Ngân hàng lưu ký phụ tốt nhất và Nhà quản lý quỹ tốt nhất cho bán lẻ trong ba giải thưởng hạng A của Tạp chí The Asset về các hạng mục hạng mục: Dịch vụ tài sản, Nhà đầu tư và Quản lý quỹ năm 2015. Các giải pháp sáng tạo, chuyên biệt và tốt nhất đã được đánh giá cao thông qua các giải thưởng Triple A được trao cho các dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng trong 3 năm liên tiếp.