Thị trường tài chính Việt Nam: Đối mặt và vượt qua

Thị trường tài chính Việt Nam: Đối mặt và vượt qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù tình hình thế giới có một số tín hiệu tích cực hơn so với các dự báo ban đầu của các tổ chức thế giới, nhưng về tổng thể kinh tế toàn cầu chưa ra khỏi giai đoạn khó khăn và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Lạc quan trong thận trọng

Tại Hội thảo quốc tế “Thị trường tài chính Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phối hợp với Ban Quản lý Dự án tổ chức ngày 1/12, ông Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, kinh tế - tài chính Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do cả yếu tố bên trong và bên ngoài.

Về yếu tố bên ngoài, kinh tế thế giới được dự báo hồi phục chậm, các tổ chức quốc tế liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023-2024, điển hình là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu; lạm phát tiếp tục xu hướng giảm nhưng tốc độ chậm và vẫn ở mức cao; nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm, chủ yếu do nhập khẩu tại các nước phát triển và xuất khẩu tại các nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển sụt giảm mạnh.

“Rủi ro về chính trị nhất là khi xung đột Nga - Ukraine và mới đây là Israel - Hamas chưa có dấu hiệu kết thúc, biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường…”, ông Thăng nhận định.

Đối với trong nước, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng phục hồi trong trung hạn, trong đó IMF dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong năm 2024. Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Toàn diện và Khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Hòa Lạc đã tạo một chuỗi sự kiện tích cực, thúc đẩy các cam kết mạnh mẽ về tiếp tục tăng cường đầu tư tại Việt Nam của nhiều doanh nghiệp FDI lớn.

Mặc dù kinh tế trong nước 11 tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Khu vực doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, tăng trưởng xuất, nhập khẩu nhìn chung vẫn giảm, thu ngân sách nhà nước giảm; giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tăng cả về tổng giá trị và tỷ lệ giải ngân nhưng vẫn chậm so với yêu cầu. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào vốn tín dụng ngân hàng nhưng hệ thống ngân hàng cũng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu.

“Rủi ro của hệ thống ngân hàng ngày càng gắn kết chặt chẽ với rủi ro của các tổ chức tài chính phi ngân hàng, thị trường chứng khoán và bất động sản. Trong khi đó, thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Thăng đánh giá.

Những con số đáng chú ý

Ông Dương Hồng Hà, Phó trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, tính đến 30/9/2023, tổng tài sản hệ thống các định chế tài chính xấp xỉ 19,8 triệu tỷ đồng (817 tỷ USD). Các tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm 93,2% tổng tài sản hệ thống, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) chiếm 4,47%, các công ty chứng khoán (CTCK) và quản lý quỹ chiếm 2,37%.

Quy mô tín dụng ngân hàng khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, tương đương 125% GDP. Quy mô thị trường vốn (vốn hóa cổ phiếu, dư nợ trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp) khoảng 8,4 triệu tỷ đồng, tương đương 88% GDP. Quy mô thị trường vốn giảm mạnh sau khi đạt đỉnh cuối năm 2021 (khoảng 132% GDP) chủ yếu do vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ thị trường TPDN giảm.

Một vấn đề của nền kinh tế đó là tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp thứ hai so với cùng kỳ giai đoạn 2017 - 2023, chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp. Theo đó, Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khả năng chỉ đạt khoảng 10%.

Đáng chú ý của hệ thống ngân hàng là câu chuyện nợ xấu và dự phòng rủi ro tín dụng. Ông Hồng Hà cho rằng, nợ xấu tăng từ cuối năm 2021 do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản và thị trường TPDN gặp nhiều khó khăn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và người dân bị suy giảm. Trong khi đó, tỷ lệ dự phòng cụ thể/nợ xấu của hệ thống TCTD có xu hướng giảm, trong đó giảm mạnh nhất là nhóm NHTM Nhà nước, tỷ lệ dự phòng cụ thể/nợ xấu của hệ thống TCTD cuối tháng 9/2023 là 53,2% (cuối năm 2022 là 77,2%).

“Nợ xấu gia tăng, áp lực trích lập dự phòng rủi ro; tiềm ẩn rủi ro trong các khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN và dư nợ của các tổ chức phát hành TPDN chậm thanh toán gốc, lãi, doanh nghiệp bất động sản; rủi ro tập trung vào cho vay lĩnh vực bất động sản, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc”, ông Hồng Hà nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Trên TTCK, đến cuối tháng 11/2023, VN-Index loanh quanh khoảng 1.100 điểm, tăng 9% so với cuối năm 2022 nhưng chưa hồi phục bền vững. Vốn hóa thị trường cổ phiếu xấp xỉ 60% GDP. Giá trị giao dịch cổ phiếu trong 11 tháng đạt bình quân 17,8 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng tài khoản cá nhân trong nước mở mới, dư nợ cho vay ký quỹ có xu hướng tăng nhưng đã chững lại gần đây.

“Sau giai đoạn điều chỉnh, hệ số P/E của chỉ số VN-Index khoảng 14,5 lần, thấp hơn các thị trường Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 256 triệu USD cổ phiếu trong 10 tháng đầu năm 2023 (gấp 2,7 lần giá trị bán ròng cùng kỳ năm 2022)”, ông Hồng Hà cho biết.

Về thị trường bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường giảm sau nhiều năm tăng trưởng. Cụ thể, giai đoạn năm 2016 - 2022, doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng bình quân 18,5%/năm (trong đó, bảo hiểm nhân thọ tăng 22,8%/năm, bảo hiểm phi nhân thọ tăng 11,2%/năm). 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường giảm 5,0% (bảo hiểm nhân thọ giảm 9,7%, bảo hiểm phi nhân thọ tăng 6,7% - tốc độ tăng trưởng chậm lại) do suy giảm niềm tin đối với kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) và tình hình kinh tế khó khăn.

Ông Hồng Hà chia sẻ: “Hoạt động khai thác hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới 9 tháng đầu năm 2023 gặp khó khăn; kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng và kênh đại lý cá nhân đều bị ảnh hưởng do suy giảm niềm tin trên thị trường. Theo đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của các hợp đồng khai thác mới giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu phí khai thác mới của các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn giảm từ 33-61%”.

Tăng cường hiệu quả chính sách an toàn vĩ mô

Chia sẻ tại Hội thảo, ThS. Tô Thị Hồng Anh, Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, Ngân hàng Nhà nước đề xuất, cần quy định chặt chẽ hơn cơ chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan giám sát trong hệ thống tài chính Việt Nam. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, khắc phục khoảng trống giám sát và đảm bảo quá trình triển khai chính sách an toàn vĩ mô được chặt chẽ và đầy đủ thông tin.

Bên cạnh đó, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ổn định tiền tệ tài chính nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của NHNN trong thực hiện vai trò đầu mối, đánh giá và giám sát an toàn vĩ mô đối với hệ thống tài chính.

“Khuôn khổ pháp lý cho chính sách an toàn vĩ mô đối với toàn bộ hệ thống tài chính Việt Nam cần được ban hành theo lộ trình đã xác định trong các Chiến lược dài hạn (Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2025-2030, chiến lược nợ công đến năm 2030 (phê duyệt tại Quyết định 460/QĐ-TTg của TTCP ngày 14/4/2022)”, bà Hồng Anh nêu quan điểm.

Xung quanh vấn đề này, bà Hồng Anh cho rằng, cần tiếp tục tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin và chia sẻ dữ liệu. Các công cụ an toàn vĩ mô theo thông lệ quốc tế cần sớm được áp dụng, giảm dần việc sử dụng các công cụ lưỡng tính khi khuôn khổ điều hành chính sách an toàn vĩ mô dần tách biệt với chính sách an toàn vi mô và chính sách tín dụng.

“Hình thành dữ liệu giải quyết khoảng trống trong đánh giá các nguồn rủi ro mới (rủi ro từ đổi mới, sáng tạo tài chính, rủi ro hoạt động, biến đổi khí hậu); củng cố hơn nữa các chỉ tiêu, công cụ phân tích: các chỉ số an toàn vĩ mô, hệ thống các chỉ số dẫn báo rủi ro hệ thống, hệ thống các chỉ số kích ứng chính sách an toàn vĩ mô, các mô hình, phương pháp phân tích tính dễ bị tổn thương của các khu vực nền kinh tế...”, bà Hồng Anh nhận định.

Riêng hệ thống ngân hàng, bà Hồng Anh nhấn mạnh việc phải quan tâm nhiều hơn đến tính an toàn và bảo vệ thông tin khách hàng cũng như tìm ra phương thức bảo đảm an toàn mới, quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dự phòng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tuân thủ và công nghệ quản lý giám sát (Regtech và Suptech).

“Nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ chính sách an toàn vĩ mô, các văn bản hướng dẫn thực thi chính sách an toàn vĩ mô, công cụ an toàn vĩ mô nhằm đảm bảo ổn định hệ thống tài chính”, bà Hồng Anh nói.

Trong khuôn khổ Dự án tăng cường quản lý rủi ro và cảnh báo sớm khu vực tài chính (tài trợ bởi Chính phủ Hàn Quốc qua Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA), trong ngày 01/12/2023, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phối hợp với Ban Quản lý Dự án tổ chức Hội thảo quốc tế “Thị trường tài chính Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.

Hội thảo có sự tham dự của các học giả, chuyên gia nước ngoài và tổ chức quốc tế (Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới), đại biểu đến từ nhiều cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, một số ngân hàng thương mại, cơ sở đào tạo…

Dự án “Nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và một số cơ quan liên quan của Việt Nam thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) được triển khai trong 5 năm 2021-2025.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng các công cụ cảnh báo sớm khu vực tài chính, bao gồm bộ chỉ tiêu giám sát, mô hình cảnh báo sớm, mô hình thử sức căng, góp phần đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính, qua đó hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc.

Tin bài liên quan