Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) mới diễn ra, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa tái trình cổ đông kế hoạch thành lập công ty tài chính trong năm nay.
Theo giải trình của ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT, hiện OCB đã có Khối Khách hàng đại chúng – ComB hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng hiệu quả, quy mô đang tăng nhanh và bắt đầu đóng góp tích cực vào doanh thu cũng như lợi nhuận của Ngân hàng, nên cần tách thành công ty tài chính độc lập để thuận lợi cho quản lý kinh doanh và quản trị rủi ro.
Công ty dự kiến có tên gọi là Công ty TNHH MTV Tài chính Ngân hàng TMCP Phương Đông, hoạt động dưới hình thức công ty con do OCB nắm 100% vốn, với vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng.
Phương án khác được OCB trình cổ đông là mua lại một công ty tài chính khác, với mức tối thiểu 70% vốn điều lệ của công ty này trong năm 2018.
Vietcombank cũng dự kiến sau khi bán một phần vốn của Công ty Cho thuê tài chính sẽ thành lập công ty tài chính tiêu dùng.
Trước đó, ACB cũng lên kế hoạch thành lập công ty tài chính, với vốn ban đầu khoảng 500 tỷ đồng.
Lý do được ACB đưa ra là trong số các nghiệp vụ tài chính mà Tập đoàn ACB cung cấp cho khách hàng thì có các nghiệp vụ như tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính và bao thanh toán.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo thông tư quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và dự thảo thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.
Nếu hai thông tư được ban hành, các nhà băng có thể sẽ không còn được cho vay tiêu dùng. Mặt khác, ngân hàng thương mại được thành lập công ty tài chính để cho vay tiêu dùng. Sau khi Công ty Tài chính ACB được cấp phép thành lập, Công ty Cho thuê tài chính ACB (ACB Leasing) sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước sáp nhập vào đơn vị này.
Trên thị trường từng xuất hiện thông tin ACB có ý định mua lại Công ty Tài chính Bưu điện (PTFinance). Nhưng tháng 2 vừa qua, SeABank đã trở thành ngân hàng trúng thầu mua lại công ty này.
PTFinance là công ty tài chính thuộc sở hữu 100% của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Cuộc bán đấu giá diễn ra khá căng thẳng với sự tham gia của SeAbank và TPBank.
Hai ngân hàng đều là những đơn vị có tổng tài sản lớn, nhưng hiện tại vẫn chưa sở hữu công ty tài chính nào. Qua 31 vòng đấu giá với sự bám đuổi gắt gao về mức giá đặt mua, cuối cùng, SeABank trúng đấu giá với mức giá 710 tỷ đồng.
Sau giai đoạn hoàn thiện hợp đồng mua bán và xin cấp phép từ Ngân hàng Nhà nước cũng như thanh toán tiền trúng đấu giá, SeABank sẽ chính thức sở hữu một công ty tài chính.
Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh, với đà tăng trên 50% mỗi năm và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này đến năm 2020. Từ quy mô 600.000 tỷ đồng vào cuối năm 2017, cho vay tiêu dùng dự báo sẽ cán mốc 1 triệu tỷ đồng trong năm 2019. Các công ty tài chính có thị phần lớn nhất thị trường như FE Credit, HD Saison, Home Credit ghi nhận nguồn lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân hàng mẹ.
Đây là những lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài mong muốn chia thị phần miếng bánh tài chính tiêu dùng Việt Nam và chắc chắn, những thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này sẽ còn sôi động thời gian tới.
Nếu như một số ngân hàng đang lên kế hoạch tham gia thị trường tài chính tiêu dùng thông qua việc thành lập mới hoặc M&A công ty tài chính, thì ở chiều ngược lại, mới đây, lãnh đạo Sacombank khẳng định với các cổ đông rằng sẽ chưa thành lập công ty tài chính.
Theo lãnh đạo Sacombank, hiện Ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay nhỏ, lẻ, phân tán và Khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng đang làm tốt dịch vụ này nên chưa thành lập công ty tài chính. Trước đây, nhà băng này không chỉ có ý định thành lập công ty tài chính mà còn cả công ty bảo hiểm.
Trên thị trường hiện đang có 18 công ty tài chính hoạt động, trong đó có 6 công ty tài chính nước ngoài, 4 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tập đoàn, tổng công ty nhà nước là chủ sở hữu và 8 công ty cổ phần có các cổ đông là tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm tỷ lệ trên 25%.
Sau giai đoạn nở rộ khoảng chục năm trước, các công ty tài chính trực thuộc các tổng công ty, tập đoàn nhà nước hiện đang hoạt động kém hiệu quả, chịu sức ép lớn trước yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Kẻ muốn rút chân ra, người thiết tha đặt chân vào khiến hoạt động thâu tóm công ty tài chính diễn ra sôi động.
Tuy nhiên, có một diễn biến đáng chú ý, sau khi hoàn tất thương vụ và chuyển đổi thương hiệu, nhiều nhà băng đã nhanh chóng tìm đối tác chiến lược nước ngoài để bán lại. Trong các thương vụ mua, bán thành công giữa công ty tài chính và nhà đầu tư ngoại thời gian qua, đa phần đối tác ngoại chốt tỷ lệ sở hữu ở mức cao, lên đến 49%.
Mới đây, Techcombank đã chuyển nhượng lại Công ty Tài chính Kỹ Thương (TechcomFinance) cho đối tác Hàn Quốc là Lotte Card. Công ty Tài chính Prudential Việt Nam bán lại cho Tập đoàn Shinhan Financial Group từ Hàn Quốc vừa công bố đạt thỏa thuận mua với giá gần 151 triệu USD…
Trước đó, có nhiều thương vụ khác được chuyển nhượng giữa công ty tài chính Việt Nam và đối tác ngoại như HDSaison, MCredit…