Thị trường tài chính 24h: Trong thời kỳ này, định giá P/E thấp không có nhiều ý nghĩa

Thị trường tài chính 24h: Trong thời kỳ này, định giá P/E thấp không có nhiều ý nghĩa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Lợi nhuận ngân hàng giảm tốc; Chuyên gia SSI: Nhà đầu tư nên biết tự tha thứ cho bản thân; Đầu tư cần nhìn “lõi” doanh nghiệp; Châu Âu đang đối mặt với hàng loạt thách thức chưa từng có…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 22/7 tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 900.000 đồng/lượng chiều mua vào và 600.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại 64,90 – 66,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 22,8 USD lên mức 1.719,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm tiếp và về gần 1.680 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 107,15 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.212 đồng/USD, giảm 1 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.270 – 23.550 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng tại 23.100 22.300 USD, thì sang phiên hôm nay đã gần như tiếp tục đi ngang quanh ngưỡng này trước khi bật lên 23.500 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,02 USD (-1,06%), xuống 95,33USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,94 USD (-0,83%), xuống 103,00 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Thị trường vẫn chưa có tín hiệu khả quan và tiếp tục lỗi hẹn với mốc 1.200 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 22/7 dù có phần lớn thời gian giao dịch trên ngưỡng kháng cự này.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số mã như DAH, HTN, TNT, VRC kết phiên tăng kịch trần. Trong khi cổ phiếu AAA hạ nhiệt từ mức giá trần xuống còn +3,7%.

Điểm nhấn là ST8. Sau thông tin chốt danh sách cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 85%, cổ phiếu ST8 xác nhận phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, tổng cộng tăng tới 25% trong tuần qua.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4,16 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng 411,72 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 22/7: VN-Index giảm 3,71 điểm (-0,31%), xuống 1.194,76 điểm; HNX-Index tăng 0,74 điểm (+0,26%), lên 288,83 điểm; UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,31%), xuống 88,84 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ có thêm một chiến thắng trong ngày thứ Năm (21/7) và ghi nhận phiên tăng thứ ba liên tiếp, được thúc đẩy bởi các cổ phiếu tăng trưởng lớn, đặc biệt là sự khởi sắc của ông lớn Tesla.

Phiên này, cổ phiếu của Tesla đã tăng 9,8% sau khi nhà sản xuất xe điện công bố kết quả kinh doanh quý II tốt hơn mong đợi, với lợi nhuận đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục xu hướng tăng và chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng lên 251.000 đơn trong tuần kết thúc ngày 16/7, cao hơn so với mức điều chỉnh 244.000 đơn trong tuần trước đó.

Kết thúc phiên 21/7, chỉ số Dow Jones tăng 162,06 điểm (+0,51%), lên 32.036,90 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 39,05 điểm (+0,99%), lên 3.998,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 161,96 điểm (+1,36%), lên 12.059,61 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, dẫn đầu bởi các cổ phiếu tăng trưởng khi các cổ phiếu cùng ngành đêm qua trên phố Wall khởi sắc.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,4% lên 27,914,66 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,28% lên 1.955,97 điểm.

Trong tuần, chỉ số này Nikkei 225 tăng 4,2%, còn Topix tăng tăng 3,35%.

Phiên này, những động lực thúc đẩy lớn đến từ Nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip Tokyo Electron tăng 1,34%, Recruit Holdings tăng 3,45% và Daikin Industries tăng 1,21%.

Lĩnh vực vận tải biển cũng hòa thêm niềm vui khi tăng 4,75% sau khi ba công ty lớn nâng dự báo lợi nhuận hàng năm của họ. Theo đó, Kawasaki Kisen tăng 11,31%, Nippon Yusen tăng 4,02% và Mitsui OSK Lines tăng 2,93%.

Trái lại, nhóm cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích suy yếu, với Tokyo Electric Power giảm 8,3% và Chubu Electric Power giảm 2,75%.

Chứng khoán Trung Quốc gần như đi ngang, khi Covid-19 bùng phát và rủi ro trong lĩnh vực bất động sản làm gia tăng lo ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,06% xuống 3.269,97 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip CSI300 tăng 0,05% lên 4.238,23 điểm.

Morgan Stanley cho biết trong một ghi chú. "Tâm lý thị trường phần lớn không thay đổi trong tuần qua. Các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng trước sự bùng phát của dịch Covid-19 ở Quảng Tây và Cam Túc".

Trung Quốc đã báo cáo 1.011 trường hợp nhiễm mới Covid-19 mới vào thứ Năm.

Ngoài ra, sự tẩy chay ngày càng tăng của người mua nhà đối với các khoản thanh toán thế chấp tại các dự án chưa hoàn thành đã làm dấy lên lo ngại của nhà đầu tư về lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc trong tuần này.

Cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm của Trung Quốc kêu gọi các ngân hàng phải dự phòng đầy đủ cho việc này và phân loại rủi ro một cách thận trọng.

Chứng khoán Hồng Kông nhích nhẹ và ghi nhận tuần tốt nhất từ đầu tháng, sau khi cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc cam kết thực hiện các biện pháp xoa dịu cuộc khủng hoảng bất động sản do siết chặt tín dụng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,17% lên 20.609,14 điểm và tăng lên 1,5% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,1% lên 7.106,70 điểm.

China Merchants Bank tăng 1,5%, Industrial and China Construction Bank tăng 0,6% và Agile Group đã dẫn đầu mức tăng của các nhà phát triển bất động sản Đại Lục, thêm 0,8%.

Liu Zhongrui, một quan chức thuộc cục thống kê của cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc sẽ làm việc với ngân hàng trung ương, bộ nhà ở và chính quyền địa phương để đảm việc những ngôi nhà chưa phải được hoàn thiện nhằm chống lại bất ổn xã hội.

Ông nói thêm, các nhà chức trách cũng sẽ hỗ trợ ngành bất động sản và tiếp cận nguồn vốn, trong một tuần mà người mua nhà đã đe dọa ngừng trả các khoản vay thế chấp của họ vì các dự án bị đình trệ và việc giao nhà bị trì hoãn.

Yang Kan, nhà phân tích của Ping An Securities, cho biết: “Thị trường bất động sản dự kiến ​​sẽ ổn định trong nửa cuối năm với việc nới lỏng chính sách hơn và chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp cứu trợ. Nhưng các nhà phát triển vẫn đang phải đối mặt với áp lực lớn vì tâm lý và niềm tin vào ngành còn yếu”.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do cổ phiếu công nghệ theo dõi đà lao dốc của Snapchat.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 16,02 điểm, tương đương 0,66% xuống 2.393,14 điểm. Chỉ số này đã tăng 2,67% trong tuần, mức tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 2.

Snap Inc hôm thứ Năm đã vẽ một bức tranh tồi tệ về ảnh hưởng của nền kinh tế suy thoái trên mạng xã hội và từ chối đưa ra dự báo trong điều kiện "cực kỳ thách thức", khiến cổ phiếu của công ty này giảm 25%.

Các cổ phiếu công nghệ Hàn Quốc đã chịu ảnh hưởng mạnh từ Snap, nhà phân tích Choi Yoo-june của Shinhan Financial Investment cho biết và nói thêm rằng áp lực cũng gia tăng do có những nhà đầu tư chốt lời.

Kết thúc phiên 22/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 111,66 điểm (+0,40%), lên 27.914,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,03 điểm (-0,06%), xuống 3.269,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 34,35 điểm (+0,17%), lên 20.609,14 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 16,02 điểm (-0,66%), xuống 2.393,14 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lợi nhuận ngân hàng giảm tốc

Việc room tín dụng được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện hạn chế giải ngân vào các lĩnh vực rủi ro, dự báo lợi nhuận 2 quý cuối năm 2022 của các ngân hàng sẽ thấp hơn so với 2 quý đầu năm..>> Chi tiết

- Chuyên gia SSI: Nhà đầu tư nên biết tự tha thứ cho bản thân

Năm 2021, các cổ phiếu bất động sản đã có mức tăng rất mạnh, có cổ phiếu tăng bằng lần, nên việc giảm do điều chỉnh chung của thị trường chứng khoán và tình hình vĩ mô cũng là điều dễ hiểu. Do đó, nhà đầu tư nên linh hoạt hơn trong giai đoạn này..>> Chi tiết

- Đầu tư cần nhìn “lõi” doanh nghiệp

Trong thời kỳ bão giá đầu vào, định giá P/E thấp không có nhiều ý nghĩa trong việc lựa chọn cổ phiếu, mà chất lượng doanh nghiệp mới là điều cốt yếu..>> Chi tiết

- Châu Âu đang đối mặt với hàng loạt thách thức chưa từng có

Nền kinh tế châu Âu, chiếm gần 1/5 GDP thế giới, hiện đang đối mặt với phép thử khó khăn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây hơn 2 năm..>> Chi tiết

Tin bài liên quan