Thị trường tài chính 24h: Trong ngắn hạn, cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng nhiễu

Thị trường tài chính 24h: Trong ngắn hạn, cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng nhiễu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng tăng trưởng mạnh; Ngành dược triển vọng khả quan nhưng khó đặt kỳ vọng cao; 2022, giá cổ phiếu ngân hàng sáng hơn; UAE sẽ kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 10/3 giảm 1,9 triệu đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 1,1 triệu đồng/lượng, hiện niêm yết tại 67,80 – 69,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày hôm qua tại Mỹ giảm mạnh 61,3 USD/ounce xuống 1.991,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm tiếp về 1.980 USD/ounce và bật lên từ đây lên gần 2.000 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 98,24 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 10/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.162 đồng/USD, giảm 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.710 – 22.990 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 42.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã quay đầu giảm mạnh và lùi về dưới gần 39.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 4,94 USD (+4,54%), lên 112,64 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 5,69 USD (+5,12%), lên 116,83 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tuột mốc 1.480 điểm

Sau phiên sáng nhích lên 1.485 điểm với sự hỗ trợ của các bluechip, thì sang đến phiên chiều, bộ ba VIC, VHM và VRE hạ độ cao, trong khi sự thay thế của VNM là không đủ đã khiến VN-Index tuột dần về gần 1.480 điểm và để mất mốc này trong phiên ATC.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền chảy mạnh vào một số cổ phiếu như BCG, FCM TEG, SKG, CMX, HDC, TGG, DQC, SJF, TCD, SVD, DAG, PIT, khi đều tăng kịch trần,

Nhóm thực phẩm, thủy sản đứng vững với hai mã ANV và VHC tăng trần, IDI +6,9%, AAM +6,7%, GIL +6,9%, ACL +6,5%, FMC +5,1%, ABT +4,3%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 15,69 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 749,89 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 10/3: VN-Index tăng 5,34 điểm (+0,36%), lên 1.479,08 điểm; HNX-Index tăng 3,04 điểm (+0,68%), lên 447,64 điểm; UpCoM-Index tăng 1,93 điểm (+1,7%), lên 115,29 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng mạnh trong phiên ngày thứ Tư (9/3), khi giới đầu tư săn lùng các món hời sau thời gian khủng hoảng bán tháo gần đây, với cổ phiếu tài chính và công công nghệ hôm nay dẫn đầu đà phục hồi.

Nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính là những ngành tăng điểm hàng đầu trong S&P 500, tăng lần lượt 4% và 3,6%. Trong đó, các ông lớn công nghệ có phiên khởi sắc với Netflix tăng 5%, Microsoft tăng 4,6%, Meta Platforms (Facebook) tăng 4,3%, Alphabet (Google) tăng 5%, Apple tăng 3,5%.

Năng lượng, vốn là ngành có hoạt động nổi bật trong năm nay đã giảm 3,2%, khi giá dầu thô hạ nhiệt nhanh, với dầu Brent giảm xuống khoảng 111 USD/thùng từ hơn 130 USD/thùng hồi đầu tuần. Còn Dầu WTI của Mỹ mất 15 USD, tương đương hơn 12% xuống 108,7 USD/thùng.

Kết thúc phiên 9/3, chỉ số Dow Jones tăng 653,61 điểm (+2,00%), lên 33.286,25 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 107,18 điểm (+2,57%), lên 4.277,88 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 459,99 điểm (+3,59%), lên 13.255,55 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng mạnh nhất trong gần 21 tháng, theo chân đà phục hồi của các thị trường lớn trên thế giới, nhờ sự thúc đẩy từ việc Ukraine và Nga có vẻ sẽ nối lại các cuộc đàm phán ngoại giao và giá dầu thô hạ nhiệt.

Đóng cửa, chỉ Nikkei 225 tăng 3,94% lên 25.690,40 điểm, với 222 trong số 225 cổ phiếu tăng giá.

Chỉ số Topix tăng 4,04% lên 1.830,03 điểm, sau khi giảm 6,5% trong bốn phiên qua.

Tất cả các chỉ số phụ thành phần trên chỉ số Nikkei 225 đều tăng, với cổ phiếu vật liệu cơ bản tăng mạnh nhất, tăng 6,18%, tiếp theo là mức tăng 4,72% cho cả bất động sản và tiêu dùng. Cổ phiếu công nghệ và ô tô cũng tăng.

Công ty sản xuất chip khổng lồ Tokyo Electron là mã tăng điểm lớn nhất của Nikkei 225 tăng 4,81%. Peers Advantest và Renesas lần lượt tăng thêm 3,89% và 4,97%.

Cổ phiếu Suzuki dẫn đầu các nhà sản xuất ô tô trên Nikkei 225 với mức tăng 8,85%, theo sau là mức tăng 8,61% của Nissan, còn Toyota tăng 5,42%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi theo chân các thị trường toàn cầu phục hồi sau các cuộc đàm phán ngoại giao Nga-Ukraine đã được lên kế hoạch và khi một loạt các công ty và truyền thông nhà nước xoa dịu những căng thẳng căng thẳng sau những đợt bán tháo gần đây.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,22% lên 3.296,09 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,57% lên 4.292,84 điểm.

Hàng chục công ty ở Trung Quốc đã tự nguyện tiết lộ kết quả kinh doanh hàng tháng, điều hiếm thấy trước đây, mục đích để ổn định lòng tin của nhà đầu tư. Truyền thông nhà nước cũng tìm cách trấn an các nhà đầu tư, sau khi thị trường tài chính của nước này lao dốc xuống mức thấp nhất trong hơn 20 tháng.

Chứng khoán Hồng Kông cũng nhích lên theo đà phục hồi tại các thị trường khác trên toàn cầu trước các cuộc đàm phán ngoại giao Nga-Ukraine được lên kế hoạch.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,27% lên 20.890,26 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprise tăng 0,92% lên 7.255,82 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành công nghệ tăng 1% dù có thời điểm vọt 4,4%, trong đó, gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan tăng gần 5%, nhưng cuối cùng lại giảm 2,9%.

Cổ phiếu công ty tài chính và chăm sóc sức khỏe tăng hơn 2% mỗi nhóm. Trong khi ngành năng lượng giảm 0,7%, dẫn đầu là các công ty dầu mỏ, sau khi giá dầu lao dốc đêm qua.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh nhất trong hơn một năm, được thúc đẩy bởi hy vọng cải cách thị trường thân thiện với nhà đầu tư của tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 57,92 điểm, tương đương 2,21% lên 2.680,32 điểm, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 25/2/2021.

Thị trường phản ứng tích cực với chiến thắng của cựu công tố viên hàng đầu Yoon Suk-yeol khi đắc cử Tổng thống, báo hiệu một sự chuyển hướng thị trường vốn đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Một trong những cam kết chính của ông Yoon là loại bỏ thuế thu nhập đối với cổ phiếu và đảm bảo các nhà đầu tư cá nhân có thể kiếm được lợi nhuận.

Ông cũng đã cam kết cải thiện các quy tắc về bán khống cổ phiếu và bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân khỏi các đợt chào bán lần đầu ra công chúng.

Kết thúc phiên 10/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 972,87 điểm (+3,94%), lên 25.690,40 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 39,70 điểm (+1,22%), lên 3.292,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 262,55 điểm (+1,27%), lên 20.890,26 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 57,92 điểm (+2,21%), lên 2.680,32 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng tăng trưởng mạnh

Đầu tư chuyển đổi số,đẩy mạnh hoạt động thanh toán và kinh doanh bảo hiểm đã giúp thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng tăng cao trong năm 2021. Sự chuyển dịch này phù hợp với xu hướng chung của các ngân hàng hiện đại..>> Chi tiết

- Phân định rủi ro khi mua trái phiếu

Theo ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng Khối Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm Fiin Ratings, FiinGroup, nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần lưu ý nhiều điểm để tránh rủi ro..>> Chi tiết

- 2022, giá cổ phiếu ngân hàng sáng hơn

Trong ngắn hạn, cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng nhiễu do tác động của xung đột quân sự tại Ukraine, nhưng cổ tức cao và dự kiến lợi nhuận “khủng” sẽ là bệ đỡ giúp giá cổ phiếu thoát vùng dao động hẹp kể từ tháng 7/2021..>> Chi tiết

- Ngành dược triển vọng khả quan nhưng khó đặt kỳ vọng cao

Dịch bệnh phức tạp và thông điệp từ lãnh đạo Chính phủ khẳng định chủ trương sống chung và thích nghi với dịch bệnh mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp dược trong năm 2022..>> Chi tiết

- UAE sẽ kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho biết, sẽ kêu gọi các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) thúc đẩy sản lượng dầu nhanh hơn..>> Chi tiết

Tin bài liên quan