Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 21/2 tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 62,80 – 63,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ đứng tại mức giá 1.899,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng thủng 1.890 USD/ounce, nhưng đã nhanh chóng hồi trở lại và tiến gần tới mốc 1.900 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 95,80 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 21/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.133 đồng/USD, tăng 14 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.650 – 22.930 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,18 USD (+0,20%), lên 91,15 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,03 USD (-0,03%), xuống 93,51 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm mạnh về 38.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã hồi phục và tiến lên gần ngưỡng 40.000 USD trước khi bị đẩy ngược về lại 38.500 USD/BTC vào cuối ngày.
Chứng khoán trong nước
VN-Index lên trên 1.510 điểm
Thị trường đã khá rung lắc trong phiên sáng, nhưng dòng tiền gia tăng cùng giao dịch khởi sắc ở các nhóm chứng khoán, bất động sản vừa và nhỏ, dược phẩm…,
Bước vào phiên chiều, lực cầu dâng cao đã giúp VN-Index dễ dàng vượt mốc 1.510 điểm. Tuy nhiên, lực bán gia tăng khiến nhiều mã trên thị trường không giữ được phong độ và chỉ số VN-Index dần thu hẹp biên độ khi đóng cửa.
Nhóm Louis là điểm nhấn khi AGM, BII, TGG, VKC, SMT giữ vững đà tăng trần và đều trong trạng thái dư mua trần.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1,23 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng đạt 169,24 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 21/2: VN-Index tăng 6 điểm (+0,4%) lên 1.510,84 điểm; HNX-Index tăng 5,38 điểm (+1,23%), lên 440,99 điểm; UpCoM-Index tăng 0,94 điểm (+0,84%), lên 113,67 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall thêm một ngày giao dịch ảm đạm và giảm trong phiên thứ Sáu (18/2), do căng thẳng leo thang ở Ukraine với cảnh báo của Mỹ về một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng của Nga đã khiến các nhà đầu tư bán tháo tài sản rủi ro.
Suy đoán về động thái tiếp theo của Fed cũng đè nặng lên thị trường, sau khi Chủ tịch Fed New York, ông John Williams cho biết rằng việc tăng lãi suất vào tháng 3 là thích hợp, mà không đề cập đến mức độ.
Các chỉ số chính đã ghi nhận mức giảm trong tuần thứ hai liên tiếp, do căng thẳng gia tăng giữa Moscow và phương Tây về Ukraine. Trong tuần, S&P 500 giảm 1,6%, Dow mất 1,9% và Nasdaq giảm 1,8%.
Kết thúc phiên 18/2, chỉ số Dow Jones giảm 232,85 điểm (-0,68%), xuống 34.079,18 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 31,39 điểm (-0,72%), xuống 4.348,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 168,65 điểm (-1,23%), xuống 13.548,06 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ ba liên tiếp, do lo ngại kéo dài về một cuộc tấn công quân sự đầy tiềm năng của Nga vào Ukraine.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,76% ở mức 26.910,67 xuống. Chỉ số Topix giảm 0,71% xuống còn 1.910,68 điểm.
Thị trường dù giảm điểm, nhưng đã hãm lại đà rơi sau khi có tin các nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp cho biết, ông Biden và Putin đã đồng ý về nguyên tắc một cuộc gặp thượng đỉnh về Ukraine. Quyết định về hội nghị này sẽ được đưa ra sau cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước vào tuần tới.
Phiên này, cổ phiếu các nhà sản xuất chip dẫn đầu đà đi xuống, với Tokyo Electron giảm 2,94% trở thành lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225, tiếp theo là Advantest và Renesas lần lượt mất 1,88% và 2,11%.
Chỉ số bluechip của chứng khoán Trung Quốc giảm, khi cổ phiếu tài chính và cơ sở hạ tầng đi xuống, sau khi Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn.
Đóng cửa, Shanghai Composite gần như không đổi ở 3.490,61 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,36% xuống 4.634,31 điểm.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn đối với các khoản cho vay doanh nghiệp và hộ gia đình, phù hợp với dự báo của thị trường.
Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản nhích lên, sau khi bốn ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc đã hạ lãi suất thế chấp 20 điểm cơ bản cho những người mua nhà đầu tiên ở thành phố Quảng Châu.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi cổ phiếu của các tên tuổi công nghệ lớn tiếp tục đi xuống gây ảnh hưởng.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,65% xuống 24.170,07 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,96% xuống 8.455,99 điểm.
Các công ty công nghệ khổng lồ niêm yết tại Hồng Kông giảm 2,8%, với Meituan giảm 4%, sau mức giảm gần 15% của phiên trước, sau khi được hướng dẫn từ các cơ quan quản lý về việc cắt giảm phí dịch vụ cho các nhà hàng.
Hai ông lớn khác Tập đoàn Alibaba và Tencent Holdings cũng giảm mạnh, lần lượt mất 3,9% và 5,3%.
Chứng khoán Hàn Quốc thu hẹp đáng kể đà giảm về cuối phiên, nhờ hy vọng giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ Nga-Ukraine.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,72 điểm, tương đương 0,03% xuống 2.743,80 điểm, sau khi mất 1,81% thời điểm đầu phiên.
Trong số các cổ phiếu lớn, hai gã khổng lồ chip Samsung Electronics và SK Hynix giảm lần lượt 0,13% và 1,14%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 0,33%.
Tại Hàn Quốc, dữ liệu cho thấy xuất khẩu của nước này trong 20 ngày đầu tháng 2 đã tăng 13,1% so với một năm trước đó, trong khi nhập khẩu tăng 12,9%, qua đó, khiến cán cân thương mại thâm hụt 1,68 tỷ USD.
Kết thúc phiên 21/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 211,20 điểm (-0,78%), xuống 26.910,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,15 điểm (-0,00%), xuống 3.490,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 157,64 điểm (-0,65%), xuống 24.170,07 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 0,72 điểm (-0,03%), xuống 2.743,80 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Tín dụng bật tăng: Cầu được cung hỗ trợ
Tính riêng 3 ngày cuối tháng 1/2022, tín dụng đã tăng gần 1 điểm phần trăm, phản ánh nhu cầu tín dụng tăng mạnh trong giai đoạn kinh tế hồi phục..>> Chi tiết
- Cổ phiếu “vua” kỳ vọng khởi sắc
Triển vọng tích cực trong năm 2022 của ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ tác động lên cổ phiếu “vua”, song có sự phân hóa rõ nét giữa các nhà băng..>> Chi tiết
- Dòng tiền vơi bớt và tâm lý chờ đợi
Thanh khoản trên thị trường gần đây có dấu hiệu suy giảm, một trong những nguyên nhân được nhận định là dòng tiền nhàn rỗi đã vơi đi, quay lại phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh khi nhiều hạn chế nhằm chống dịch được gỡ bỏ, bình thường mới đã về rất gần với bình thường cũ..>> Chi tiết
- HAG đi hay ở trên HOSE: Manh nha tiền lệ?
Tranh cãi quanh việc Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) có phải hủy niêm yết bắt buộc tiếp tục nóng lên trong tuần qua và gợi ra nhiều vấn đề cần lưu ý..>> Chi tiết
- Tương lai 3 chữ số của giá dầu
Giá dầu đã tăng trở lại (ngay sau khi có phiên giảm hơn 3% nhờ các tuyên bố binh sĩ Nga có thể rút khỏi Ukraine) trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt và nhu cầu nhiên liệu phục hồi..>> Chi tiết