Cổ phiếu “vua” kỳ vọng khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
Triển vọng tích cực trong năm 2022 của ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ tác động lên cổ phiếu “vua”, song có sự phân hóa rõ nét giữa các nhà băng.
Ba tháng cuối năm 2021, các ngân hàng đã bơm gần 470.000 tỷ đồng ra nền kinh tế, kéo tăng trưởng tín dụng cả năm lên gần 13%.

Ba tháng cuối năm 2021, các ngân hàng đã bơm gần 470.000 tỷ đồng ra nền kinh tế, kéo tăng trưởng tín dụng cả năm lên gần 13%.

Kỳ vọng khởi sắc

Xu hướng tăng trưởng đối với ngành ngân hàng được dự báo tiếp tục duy trì trong năm 2022 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, tương đương hơn 1,4 triệu tỷ đồng sẽ được bơm thêm ra thị trường trong năm nay.

Các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) nhận định, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng tích cực, nhưng mức độ phân hóa rõ rệt, với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn. Các ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% gồm: BIDV, MBBank, Techcombank, ACB, TPBank, MSB, nhưng dự phòng rủi ro cũng cao hơn.

Thực tế cho thấy, đợt điều chỉnh giá của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng từ tháng quý III và IV/2021 chủ yếu phản ánh rủi ro áp lực trích lập dự phòng khi nợ xấu gia tăng. Sau thời gian điều chỉnh, định giá của nhóm ngân hàng đã giảm 12 -15% so với mức đỉnh, giúp nhóm này trở nên hấp dẫn hơn ở thời điểm hiện tại.

Nhóm cổ phiếu “vua” được kỳ vọng khởi sắc trong nửa đầu năm 2022, song cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả. Trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu, ngân hàng có khả năng đẩy mạnh cho vay, hoặc có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ có lợi thế hơn.

Dragon Capital dự báo, năm 2022, ngành này có lợi nhuận tăng khoảng 25-30%, giá trị sổ sách khoảng 1,7 lần (thấp hơn năm 2020 là 1,9 lần), PE cả ngành quanh 9,4 lần, so với năm 2020 PE là 12 lần, có nghĩa là cổ phiếu ngân hàng có cơ hội.

Trong khi đó, Mirae Asset cho rằng, các ngân hàng Việt Nam đang được giao dịch ở mức 2,3 lần giá trị sổ sách, cao hơn nhiều so với đa phần các ngân hàng trong khu vực. Mức định giá hiện tại là hợp lý do tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE) của các ngân hàng Việt cao hơn gấp đôi so với những ngân hàng tương đương trong khu vực. Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận được duy trì ở mức trên 20% là một yếu tố giúp ngân hàng hưởng mức định giá hiện tại.

Bên cạnh đó, triển vọng về nới room ngoại trong lĩnh vực này cũng tác động lên cổ phiếu “vua”. Ngay cả Vietcombank cũng đề xuất nới room ngoại lên 35%. Tại báo cáo chiến lược năm 2022, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, quy định về trần sở hữu nước ngoài tối đa dẫn đến việc khó tăng room ngoại cho tất cả ngân hàng trong hệ thống.

Theo VCSC, ứng cử viên rõ ràng nhất cho cam kết này là Sacombank, vì 32,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của Ngân hàng đang được giữ làm tài sản thế chấp cho một khoản nợ không thanh toán được đã được chuyển nhượng cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ngoài ra, một số nhà băng khác cũng sắp bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài như VPBank bán 15%, OCB bán 10%, Nam A Bank, Viet Capital còn nguyên room.

Lợi nhuận tích cực

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho rằng, năm 2022 là năm hội tụ đầy đủ những yếu tố tích cực cho ngành ngân hàng. Cụ thể, tín dụng tăng trưởng 15%, nợ xấu giảm mạnh, lợi nhuận tăng 30% năm nay. Bên cạnh đó, ngân hàng còn có nhiều thông tin hỗ trợ lạc quan như: một số nhà băng đang triển khai việc bán vốn chiến lược, lợi nhuận đột biến ghi nhận từ việc bán bảo hiểm độc quyền, dòng tiền được chấp thuận tăng room cho nước ngoài.

Quả thực, sau nới lỏng các biện pháp giãn cách kể từ đầu quý IV/2021, cầu tín dụng của nền kinh tế đã bật tăng trở lại, tăng trưởng tích cực hơn kỳ vọng. 3 tháng cuối năm 2021, các ngân hàng đã bơm gần 470.000 tỷ đồng ra nền kinh tế, kéo tăng trưởng tín dụng cả năm lên gần 13%, cao hơn cả mục tiêu 12% được NHNN đặt ra ban đầu.

Hầu hết các nhà băng công bố kết quả kinh doanh hoàn thành và vượt chỉ tiêu cả năm 2021 như: Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, TPBank...

Điều này cho thấy, triển vọng của ngành ngân hàng đang trên đà đi lên sau đại dịch và dự báo tăng trưởng trong năm 2022, dù các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng của Covid-19 sẽ tác động lên nợ xấu, đòi hỏi các nhà băng phải hy sinh lợi nhuận, giảm lãi suất cho khách hàng, đồng thời tăng trích dự phòng rủi ro.

Vì thế, dù có quan ngại về rủi ro nợ xấu và tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong nửa đầu năm 2022 đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu ngân hàng, nhưng đến nay tỷ lệ bao nợ xấu của các ngân hàng phổ biến hơn 100%, nhiều ngân hàng trên 200-400%. Năm 2022, nền kinh tế được dự báo phục hồi đáng kể, sẽ kéo theo cầu tín dụng phục hồi.

Trong khi đó, quá trình chuyển đổi số, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nhất là mảng dịch vụ bán lẻ… của các ngân hàng đang diễn ra rất tích cực, giúp ngân hàng gia tăng nguồn thu nhập từ dịch vụ, tăng thu ngoài lãi.

BSC cho rằng, dư nợ tái cơ cấu sẽ không quá ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng do tổng thu nhập ở mức cao giúp các ngân hàng đủ khả năng trích lập thêm mà không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng.

Dự kiến, các khoản nợ tái cơ cấu sẽ không tăng nhiều nhờ sự mở cửa lại của nền kinh tế. Đồng thời, BSC kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ đạt mức 22,2% nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và trên mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, nếu gỡ được các điểm nghẽn về thủ tục đầu tư công ở những dự án trọng điểm thì khả năng giải ngân vốn đầu tư công đạt 90-95% như Chính phủ đề ra. Ngoài ra, cần hỗ trợ tài chính tín dụng cho doanh nghiệp như: bù lãi suất, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư. Xây dựng cơ chế “bù lãi suất” vay cho doanh nghiệp có phương án phục hồi sản xuất - kinh doanh thông qua tín dụng ngân hàng.

Tin bài liên quan