Ngân hàng “trải thảm đỏ”
Ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Việt Âu chia sẻ: “Ngày mồng 4 Tết Nguyên đán, Công ty đã mở cửa hoạt động và có ngay đơn hàng. Khối lượng công việc nhiều, trong khi một số công nhân bị ốm, nên tôi cùng làm việc với anh em”.
Trước đó, doanh nghiệp như bị “nén” lại, bây giờ đến giai đoạn “bung” ra. Tuy nhiên, theo ông Tịnh, hiện vẫn còn yếu tố cần thận trọng, chẳng hạn diễn biến của lạm phát. Công ty đã xây dựng xong cơ sở vật chất trong năm 20219 và 2020 nên có nền tảng để “bật” trở lại, nhưng giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, một số loại hóa chất có mức tăng phổ biến là 300%.
“Một tấn nguyên liệu thời điểm 8 tháng trước chỉ 1.000 USD, nhưng nay là 3.000 USD, tác động tiêu cực đến giá đầu ra. Phần tăng giá nguyên liệu đầu vào tập trung ở những quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, còn tại châu Âu và Mỹ không tăng, hoặc tăng nhẹ”, ông Tịnh cho biết.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và tiếp tục tích lũy lợi nhuận, tạo nền tảng cho thời gian tới, ông Tịnh đã quyết định dừng sản xuất một số sản phẩm có nguồn nguyên liệu đầu vào có giá tăng mạnh, đồng thời tìm cách mở rộng nguồn nguyên liệu không tăng giá hoặc tăng nhẹ.
“Tôi tin rằng, kinh tế sẽ tăng trưởng cao trở lại và các doanh nghiệp cũng trong đà này. Lãi suất các ngân hàng cho vay ổn định, thậm chí giảm, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí tài chính - vốn là phần phí lớn và bị phụ thuộc nhất của doanh nghiệp”, ông Tịnh nói.
Trong mục tiêu đồng hành thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, MSB vừa triển khai gói giải pháp Vay phát triển nông nghiệp - hỗ trợ tài chính cùng người nông dân làm giàu từ nông nghiệp, với lãi suất ưu đãi và các dịch vụ phụ trợ nhiều tiện ích. Theo đó, Ngân hàng có thể cấp cho doanh nghiệp hạn mức vay 10 tỷ đồng, tài trợ tới 80% phương án sản xuất - kinh doanh, với lãi suất từ 8,5%/năm, đặc biệt ưu tiên cho các trang trại nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.
Tương tự, SHB ra mắt chương trình “Nhâm Dần vững vàng - Vay ngàn ưu đãi”, với lãi suất từ 7%/năm khi khách hàng vay sản xuất - kinh doanh ngắn hạn; nếu vay trung và dài hạn, lãi suất từ 7,79%/năm, áp dụng cho vay sản xuất - kinh doanh, mua nhà đất, ô tô hoặc tiêu dùng. Lãnh đạo SHB cho biết, mục tiêu của Ngân hàng là cùng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng hạn mức cho vay 6.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, đầu tháng 3 tới, Ngân hàng sẽ cung cấp một sản phẩm với tên gọi “Ngôi nhà mơ ước”, dành cho nhóm khách hàng từ 25 - 35 tuổi, những người đang mong muốn tìm được ngôi nhà đầu tiên trong cuộc đời. Theo ông Tùng, mặc dù thị trường địa ốc sôi động, nhưng cán bộ, viên chức trẻ không dễ tìm được căn nhà/căn hộ vừa ý và vừa túi tiền.
“OCB và các công ty địa ốc muốn tạo hiệu ứng kép khi phối hợp tìm nguồn là những căn nhà vừa túi tiền khoảng 2 - 3 tỷ đồng nhóm cho khách hàng trẻ, đồng thời phát triển sản phẩm lãi suất thấp, khoản vay có kỳ hạn dài hay trả nợ theo kỳ hạn bậc thang và đặc biệt, Ngân hàng có thể ra ngay một văn bản nguyên tắc trong vòng 15 - 30 phút”, ông Tùng nói.
Chênh lệch huy động - tín dụng giảm mạnh
Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm đã trở thành thông lệ của các ngân hàng trong những năm qua và đó cũng phần nào là nền tảng để bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Tài chính MSB cho biết, tháng 1/2022, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 577 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/1/2022 đạt 2,74% so với cuối năm 2021.
Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt 5.088 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020, với thu nhập ngoài lãi tăng hơn 85%, nhưng cũng chỉ chiếm tỷ trọng hơn 40% trong tổng thu nhập hoạt động. Điều này có nghĩa, lợi nhuận của Ngân hàng vẫn tập trung chủ yếu từ tăng trưởng tín dụng.
Năm 2022, MSB đặt mục tiêu đạt 6.800 tỷ đồng lợi nhuận. Lãnh đạo MSB kỳ vọng, tín dụng sẽ tăng 20 - 25%, tùy vào sự phê duyệt hạn mức tăng trưởng của Ngân hàng Nhà nước.
Được biết, trong đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng quý cuối năm 2021, MSB, TPBank và Techcombank được nâng lên mức 25%. Kết thúc năm 2021, tăng trưởng tín dụng hợp nhất của MSB năm 2021 thuộc Top 3 trên thị trường.
Theo điều tra của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước), mức độ rủi ro tín dụng tiếp tục được các tổ chức tín dụng dự báo tăng trong 6 tháng đầu năm 2022, nhưng tốc độ tăng dự kiến thấp hơn 6 tháng cuối năm 2021 và được kỳ vọng giảm nhẹ trong cả năm 2022 so với năm 2021. Trong đó, rủi ro tín dụng của một số lĩnh vực như cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, đầu tư công nghiệp hỗ trợ, đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư ngành vận tải, kho bãi, kinh doanh xuất nhập khẩu và rủi ro tín dụng VND được kỳ vọng sẽ giảm.
Để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, các tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Cơ sở là triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cùng với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng được cải thiện.
Trong diễn biến có liên quan, ở tuần giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục gặp áp lực và kênh thị trường mở (OMO) được cơ quan quản lý sử dụng nhằm hỗ trợ hệ thống. Ngân hàng Nhà nước đã bơm 14.400 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Tổng lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần là 8.800 tỷ đồng, lượng tín phiếu lưu hành thông qua kênh OMO là 15.500 tỷ đồng.
Mặc dù tổng lượng tín phiếu lưu hành không quá lớn so với các thời điểm căng thẳng trong quá khứ, nhưng diễn biến trên thị trường liên ngân hàng trong thời gian qua tương đối khác biệt, khi thanh khoản vẫn còn gặp nhiều khó khăn sau Tết.
“Chúng tôi cho rằng, có 2 lý do chính cho diễn biến trên, bao gồm việc tín dụng tăng mạnh trong vòng 2 tháng trở lại đây (trung bình 3 điểm phần trăm/tháng), đồng thời hoạt động cấp thanh khoản thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước trầm lắng. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh với kỳ hạn qua đêm kết thúc tuần ở 2,85%/năm (tăng 52 điểm phần trăm) và 1 tuần ở 2,93%/năm (tăng 75 điểm phần trăm)”, một chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán SSI nhận định.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/1/2022 đạt 2,74% so với cuối năm 2021. Như vậy, chỉ trong 3 ngày cuối tháng 1, tín dụng đã tăng gần 1 điểm phần trăm, phản ánh tín hiệu tích cực khi nhu cầu tín dụng tăng mạnh trong giai đoạn kinh tế hồi phục. Đồng thời, biểu lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng được điều chỉnh tăng ở một số ngân hàng, nhằm thu hút lượng tiền gửi nhàn rỗi vào hệ thống.
Trên thực tế, chênh lệch huy động - tín dụng giảm mạnh khiến áp lực huy động vốn của các ngân hàng thương mại gia tăng, trong khi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14 - 15% vào cuối năm nay.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Có các giải pháp kịp thời, phù hợp để duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên...