Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 1/3 tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 30.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 400.000 đồng/lượng chiều mua vào và 420.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại 65,65 – 66,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày hôm qua tại Mỹ tăng 19,7 USD/ounce lên 1.908,7 USD/ounce., giá vàng nhích và chạm gần 1.920 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 96,93 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 1/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.137 đồng/USD, tăng 6 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.670 – 22.950 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng vọt lên trên 43.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã chững lại và gần như chỉ dao động nhẹ quanh ngưỡng này đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 3,04 USD (+3,18%), lên 98,76 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 3,96 USD (+3,72%), lên 101,61 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index hụt mốc 1.500 điểm
Trong phiên sáng, sau ít phút rung lắc nhẹ, VN-Index đã bật lại mạnh mẽ khi về vùng hỗ trợ đường MA50 với sự trợ giúp từ VIC, GVR.
Bước vào phiên chiều, dòng tiền hoạt động tích cực hơn, giúp VN-Index một lần nữa lên test lại ngưỡng 1.500 điểm, nhưng cũng giống như phiên sáng, thêm một lần VN-Index lỗi hẹn với ngưỡng điểm này do sự phân hóa giữa các nhóm ngành.
Đáng chú ý nhất phiên này là HAG, khi tiếp tục “nóng” với lượng khớp 16,65 triệu đơn vị và dư mua giá trần hơn 4,3 triệu đơn vị. Trong khi đó, HNG đã giảm nhiệt khi chỉ còn tăng 1% và khớp 14.600 triệu đơn vị.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 9,07 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 126,53 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 1/3: VN-Index tăng 8,65 điểm (+0,58%), lên 1.498,78 điểm; HNX-Index tăng 3,14 điểm (+0,71%), lên 442,8 điểm; UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,16%), lên 112,38 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall giao dịch đầy thận trọng trong phiên ngày thứ Hai (28/2), khi mọi con mắt đều dồn vào theo dõi các diễn biến mới từ cuộc đàm phán Nga-Ukraine.
Ngoài việc theo dõi diễn biến mới tại châu Âu, giới đầu tư còn đang hướng về cuộc điều trần quan trọng của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ sẽ bắt đầu vào ngày thứ Tư này.
Phiên ngày thứ Hai cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2 và tổng cộng Dow Jones giảm 3,5% trong tháng vừa qua. S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 3,1% và 3,4%.
Kết thúc phiên 28/2, chỉ số Dow Jones giảm 166,15 điểm (-0,49%), xuống 33.892,60 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,71 điểm (-0,24%), xuống 4.373,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 56,78 điểm (+0,41%), lên 13.751,40 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, nhờ tâm lý thị trường được hỗ trợ bởi việc duy trì các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,2% lên 26.844,72 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,54% lên 1.897,17 điểm.
“Các nhà đầu tư đang cố gắng tìm kiếm mọi dấu hiệu tích cực từ cuộc cuộc xung đột Nga-Ukraine, bao gồm cả lệnh ngừng bắn. Ngoài ra, họ tin tưởng vào tác động tích cực của các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây đối với Nga và họ cũng mua lại các cổ phiếu bị bán mạnh gần đây trong phiên hôm nay”, Ikuo Mitsui, Giám đốc quỹ tại Aizawa Securities cho biết.
Đáng chú ý khác là cổ phiếu Toshiba tăng 2,36%, sau khi tập đoàn này bất ngờ thông báo rằng CEO Satoshi Tsunakawa sẽ được thay thế bởi Taro Shimada, cựu giám đốc điều hành Siemens AG.
Công ty môi giới trực tuyến Monex Group tăng 19,31% sau khi một hồ sơ pháp lý cho thấy quỹ Oasis Management có trụ sở tại Hồng Kông đã mua 5,08% cổ phần của công ty.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số PMI sản xuất bất ngờ mở rộng trong tháng Hai nhờ các đơn đặt hàng mới tăng lên.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0778% lên 3.488,83 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,83% lên 4.619,69 điểm.
Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) sản xuất chính thức của Trung Quốc đã tăng 50,2 điểm vào tháng Hai, đánh bại kỳ vọng của các nhà phân tích.
“Dấu hiệu đáng khích lệ này có thể phản ánh tác động của các chính sách vĩ mô hỗ trợ đã bắt đầu được truyền tới nền kinh tế,” Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết.
Mọi con mắt đang đổ dồn vào cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc bắt đầu vào ngày 5/3, trong đó chính phủ sẽ công bố các mục tiêu kinh tế trong năm và nhiều khả năng là các biện pháp kích thích.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi sự biến động xung quanh xung đột Nga- Ukraine gây ra ảnh hưởng đến các thị trường trong tuần qua đã giảm bớt.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,21% lên 22.761,71 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,36% lên 8.053,04 điểm.
Phiên này, chỉ số phụ theo dõi ngành tăng 0,7%, trong đó, Tencent Holdings tăng 2,3%.
Các nhà phát triển bất động sản ở Đại lục đóng cửa cao hơn 1,2%, với SUNAC Trung Quốc tăng hơn 10%, sau khi đang đàm phán với bốn nhà quản lý tài sản lớn của Trung Quốc bao gồm Cinda về hợp tác dự án.
Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của nhà sản xuất nhôm Nga OK Rusal giảm 14,3% sau khi hãng này cho biết buộc phải tạm ngừng sản xuất tại Nhà máy nhôm Nikolaev ở Ukraine.
Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch ngày Độc lập.
Kết thúc phiên 1/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 317,90 điểm (+1,20%), lên 26.844,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 26,53 điểm (+0,77%), lên 3.488,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 48,69 điểm (+0,21%), lên 22.761,71 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Của để dành của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp niêm yết
Lượng tiền dồi dào “ẩn mình” trong khoản doanh thu chưa thực hiện, chưa phải ghi nhận vào doanh thu là lợi thế rất lớn của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp..>> Chi tiết
- Gập ghềnh vào sóng tăng mới
Tăng trong nghi ngờ là thực trạng thị trường từ sau Tết tới nay, nhưng được nhiều ý kiến nhìn nhận tích cực, nhằm có thời gian “tĩnh” cần thiết để dòng tiền tập trung hơn vào các nhóm ngành tiềm năng, qua đó dẫn dắt thị trường..>> Chi tiết
- Cổ phiếu bất động sản nỗ lực tìm lại mình
Trong 1-2 tuần gần đây, tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện ở một số cổ phiếu bất động sản đầu ngành cho thấy “cổ đất” dường như đang cố gắng “tìm lại mình”..>> Chi tiết
- Rủi ro địa chính trị gây thách thức mới cho các kế hoạch IPO ở châu Á
Các đợt phát hành lần đầu ra công chúng ở Châu Á Thái Bình Dương đang trở nên kém khả quan hơn khi rủi ro địa chính trị xuất phát từ châu Âu đang gia tăng thêm những khó khăn hiện tại trong khu vực..>> Chi tiết