Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 28/3 tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm mạnh 350.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 68,60 – 69,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ tăng nhẹ 1,5 USD/ounce lên 1.958,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm mạnh và về 1.925 USD/ounce, trước khi bật nhẹ lên trên 1.930 USD/ounce vào cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 99,16 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.146 đồng/USD, giảm 5 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.735 – 23.015 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 46.700 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục nhích lên và vượt 47.200 USD/ounce vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 4,65 USD (-4,08%), xuống 109,25 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 4,52 USD (-3,75%), xuống 116,13 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index giảm mạnh
Trong phiên sáng, tin đồn liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC đã khiến nhóm cổ phiếu này bị bán tháo đã gây tâm lý tiêu cực lên cả thị trường, nhất là các mã vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao.
Ngay sau khi tin tức ông Trịnh Văn Quyết bị tạm cấm xuất cảnh 1 tháng đã chính thức được công bố đã phần nào dự đoán thị trường sẽ tiêu cực hơn.
Mở cửa phiên chiều, lực bán mạnh lan rộng khiến VN-Index giảm hơn 25 điểm. Nhưng lực cầu mạnh đã giúp thị trường dần thu hẹp biên độ đóng cửa trên 1.480 điểm.
Ở họ FLC, các mã gồm FLC, ROS, AMD, HAI giảm sàn, điển hình là FLC và ROS dư bán sàn tới gần 60 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã khác trong ngành như HQC, DTL, HAR, NBB, LDG, QCG, VPH, VRC, DIG cũng đều kết phiên tại mức giá sàn; hay DRH, CII, DXS, ITA… giảm trên dưới 6%.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 64,09 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 28/3: VN-Index giảm 15,32 điểm (-1,02%) xuống 1.483,18 điểm; HNX-Index giảm 6,86 điểm (-1,48%) xuống 454,89 điểm; UpCoM-Index giảm 1 điểm (-0,85%) xuống 116,01 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chỉ số S&P 500 và Dow Jones trên phố Wall nhích lên trong phiên ngày thứ Sáu (25/3), nhờ nhóm cổ phiếu tài chính sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng lên mức cao nhất trong gần ba năm.
Trong khi đó, Nasdaq lùi nhẹ, do các tên tuổi công nghệ và tăng trưởng lớn khác hầu hết đều giảm điểm.
Trong tuần, Nasdaq và S&P 500 ghi nhận mức tăng vững chắc lần lượt là 2% và 1,8%, còn chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 0,3%.
“Thị trường chứng khoán đang hồi phục, mặc cho sự cứng rắn của Fed và mối lo ‘stagflation’ – tình trạng kết hợp giữa tăng trưởng trì trệ và lạm phát cao. Đó là do có nhiều nhà đầu tư tin rằng chẳng gì có thể thay thế được cổ phiếu”, Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS Global Wealth Management nói trên CNBC.
Đáng chú ý, chỉ số S&P 500 hiện cao hơn khoảng 3,9% so với đầu tháng 3, xóa sạch tổn thất do xung đột Nga-Ukraine bùng phát cuối tháng 2 gây ra.
Kết thúc phiên 25/3, chỉ số Dow Jones tăng 153,30 điểm (+0,44%), lên 34.861,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,90 điểm (+0,51%), lên 4.543,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 22,54 điểm (-0,16%), xuống 14.169,30 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, sau khi đã thiết lập chuỗi 9 ngày tăng điểm trước đó, khi các nhà đầu tư chốt lời trước khi kết thúc năm tài chính trong tuần này.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,73% xuống 27.943,20 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,41% xuống 1.973,37 điểm.
Phiên này, cổ phiếu năng lượng là lĩnh vực hoạt động tốt nhất, tăng 1,61%, với giá dầu thô vẫn ở mức rất cao bất chấp đà sụt giảm mạnh.
Đồng yên suy yếu với 123 yên/USD sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đề nghị mua một số lượng không giới hạn trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, thể hiện cam kết đối với chính sách nới lỏng đã giúp nhóm cổ phiếu xuất khẩu đi lên, với Toyota Motor tăng 0,59%, trong khi Nissan tăng 1,81%.
Các cổ phiếu bluechip của chứng khoán Trung Quốc giảm điểm, do số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến tại Thượng Hải làm dấy lên lo ngại về sự chậm lại trong hoạt động kinh tế.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,07% lên 3.214,5 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,63% xuống 4.148,47 điểm.
Trung tâm tài chính Thượng Hải với 26 triệu dân của Trung Quốc đã khởi động một kế hoạch phong tỏa mới, sau khi ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục 3.450 không có triệu chứng vào ngày Chủ nhật, chiếm gần 70% tổng số ca trên toàn quốc.
Chứng khoán Hồng Kông tăng nhờ sự thúc đẩy của nhóm cổ phiếu công nghệ lớn.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,31% lên 21.684,97 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,54% lên 7.396,25 điểm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng, với Meituan tăng 11,6% sau khi gã khổng lồ giao đồ ăn báo cáo mức tăng trưởng doanh thu quý IV tốt hơn mong đợi vào thứ Sáu.
Các công ty công nghệ khác tăng 2,6%, trong đó Alibaba Group và Tencent Holdings lần lượt tăng 3,5% và 2,8%.
Chứng khoán Hàn Quốc gần như đi ngang, trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm của quốc gia này tăng lên mức cao nhất gần 8 năm, do lo ngại rằng Fed sẽ mạnh tay thắt chặt chính sách để chống lại lạm phát.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn của Hàn Quốc tăng cao tới 3,086%, cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,42 điểm, tương đương 0,02% xuống 2.729,56 điểm.
Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 0,14%, trong khi LG Chem và Naver mỗi bên giảm 0,5%.
Kết thúc phiên 28/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 205,95 điểm (-0,73%), xuống 27.943,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,26 điểm (+0,07%), lên 3.214,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 280,09 điểm (+1,31%), lên 21.684,97 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 0,42 điểm (-0,01%), xuống 2.729,56 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Giảm lãi suất cho vay cần tới “cây gậy”
Lãi suất huy động chưa đáp ứng được nhu cầu của người gửi tiền khiến lãi suất cho vay khó có thể giảm nếu cơ quan quản lý không có “biện pháp mạnh”..>> Chi tiết
- Giằng co tìm điểm tựa
Thị trường trong tuần qua rơi lại vùng giảm giá khi VN-Index gặp cản 1.511 điểm. Đây chính là vùng kháng cự trong bốn tháng trở lại đây, sự thận trọng và giằng co khiến chỉ số chịu sức ép tích lũy trở lại trước khi tìm thấy điểm tựa vững hơn để thực sự bứt phá khỏi các ngưỡng kháng cự..>> Chi tiết
- Cổ phiếu ngân hàng: Tạm gác mối lo nợ xấu
Với đề xuất kéo dài chính sách xử lý nợ xấu từ Ngân hàng Nhà nước, các nhà đầu tư kỳ vọng tạm gác mối lo nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng..>> Chi tiết
- Thị trường dầu tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố không chắc chắn
Thị trường dầu thô tiếp tục bước vào một tuần bất ổn, một bên là căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine đang diễn ra và việc mở rộng các đợt phong tỏa liên quan đến kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới..>> Chi tiết