Thị trường tài chính 24h: Thời điểm thích hợp để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục

Thị trường tài chính 24h: Thời điểm thích hợp để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng nhẹ; Tín dụng và áp lực lên vốn điều lệ của các ngân hàng; Chọn hàng cho năm mới; Một loạt chính sách liên quan y tế có hiệu lực, SSI Research gọi tên các cổ phiếu kỳ vọng hưởng lợi; Các ngân hàng trung ương toàn cầu đã đẩy mạnh cắt giảm lãi suất trong tháng 12…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 8/1 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 84,00 – 85,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 12,2 USD lên 2.648,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và chỉ nhích nhẹ lên trên 2.650 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 107,93 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.330 đồng/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.186 – 25.546 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 102.200 USD xuống 97.900 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục giảm và lùi về gần 96.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,86 USD (+1,16%), lên 75,11 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,65 USD (+0,84%), lên 77,70 USD/thùng.

VN-Index đảo chiều tăng nhẹ

Áp lực bán từ sớm đã khiến VN-Index đổ đèo và có thời điểm thủng mốc 1.240 điểm, nhưng nhanh chóng được “vá” và bật hồi.

Cùng với đó, lực cung giá thấp được tiết giảm về cuối phiên, qua đó, giúp chỉ số VN-Index hồi phục thành công lên trên 1.250 điểm khi đóng cửa nhờ các nhóm cổ phiếu đồng loạt “bật xanh”.

Mặc dù vậy, bảng điện tử không có nhóm cổ phiếu lớn nào đủ mạnh để dẫn dắt bởi dòng tiền tham gia khá yếu, thanh khoản ghi nhận mức thấp nhất trong hơn 14 tháng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/1: VN-Index tăng 4,07 điểm (+0,33%), lên 1.251,02 điểm; HNX-Index tăng 0,89 điểm (+0,4%), lên 221,87 điểm; UPCoM-Index tăng 0,53 điểm (+0,57%), lên 93,54 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm khá trong trong phiên thứ Ba (7/1), ảnh hưởng bởi cổ phiếu công nghệ, sau khi một loạt dữ liệu kinh tế lạc quan đã khiến sự không chắc chắn gia tăng về tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ mà Fed có thể theo đuổi trong năm nay.

Một báo cáo của Bộ Lao động cho thấy cơ hội việc làm tại Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 11/2024, trong khi một báo cáo khác cũng cho biết hoạt động của lĩnh vực dịch vụ đã tăng tốc trong tháng 12, với thước đo theo dõi giá đầu vào đã tăng lên mức cao nhất trong gần hai năm.

Kết thúc phiên 7/1: Chỉ số Dow Jones giảm 178,20 điểm (-0,42%), xuống 42.528,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 66,35 điểm (-1,11%), xuống 5.909,03 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 375,30 điểm (-1,89%), xuống 19.489,68 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, ảnh hưởng bởi phiên đêm qua trên Phố Wall sau khi một loạt dữ liệu kinh tế lạc quan của Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát dai dẳng có thể làm chậm tốc độ nới lỏng tiền tệ của Fed.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,26% xuống 39.981,06 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,59% xuống 2.770,00 điểm.

Áp lực bán nhìn chung gia tăng, nhưng nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn là điểm sáng với nhà cung cấp Nvidia là Advantest tăng 3,43% và công ty thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 1,62%.

Các nhà sản xuất ô tô nhìn chung được hỗ trợ bởi đồng yên yếu, tiếp tục dao động gần mức thấp nhất trong sáu tháng so với USD, với Toyota tăng 0,69%, trong khi Subaru và Mazda, cả hai đều phụ thuộc nhiều vào doanh số bán hàng của Mỹ, tăng khoảng 0,8%.

Chứng khoán Trung Quốc đang phải vật lộn để tìm hướng đi rõ ràng trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị đang diễn ra.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,01% lên 3.230,17 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,18% xuống 3.789,22 điểm.

Tâm lý thị trường cũng bị đè nặng bởi lễ nhậm chức sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, đặc biệt là sau khi ông phủ nhận các báo cáo cho thấy sự thay đổi theo hướng ít quyết liệt hơn đối với thuế quan.

Dẫn đầu đà giảm là cổ phiếu của các công ty bán dẫn, sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ mở rộng danh sách các công ty được cho là hỗ trợ quân đội Bắc Kinh.

Lĩnh vực tiêu dùng của Trung Quốc giảm 1,3% bất chấp các biện pháp mới nhất của Bắc Kinh nhằm mở rộng phạm vi thương mại tiêu dùng.

"Sự kết hợp của căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, sự không chắc chắn về thuế quan bắt nguồn từ chính quyền Mỹ sắp tới và các hành động chính sách trầm lắng từ Bắc Kinh cho tới cuộc họp quan trọng vào tháng 3 có thể khiến chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giao dịch ảm đạm", các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết.

Các nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu chính phủ trị giá 11 nghìn tỷ USD của Trung Quốc chưa bao giờ bi quan đến thế. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của quốc gia này đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại trong những tuần gần đây và hiện thấp hơn 300 điểm cơ bản so với trái phiếu Mỹ cùng loại.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tuần, do lo ngại gia tăng về khả năng Fed sẽ chậm lại trong việc cắt giảm lãi suất trong năm nay, trong khi Trung Quốc phải vật lộn để chấm dứt tình trạng giảm phát dai dẳng của nền kinh tế.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,94% xuống 19.265,05 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,88% xuống 6.987,38 điểm.

"Thị trường hiện đang chịu áp lực vì kỳ vọng giảm dần về việc Fed cắt giảm lãi suất. Thị trường cũng đang gặp sức ép bởi thu nhập doanh nghiệp yếu và sự không chắc chắn về quy mô kích thích tài khóa gia tăng của Trung Quốc", Yan Zhaojun, nhà phân tích tại Zhongtai Securities cho biết.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên thứ tư liên tiếp, khi Samsung Electronics tăng sau khi Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang cho biết ông tin rằng công ty Hàn Quốc có khả năng tạo ra một thiết kế mới trên chip bộ nhớ băng thông cao (HBM).

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 28,95 điểm, tương đương 1,16% lên 2.521,05 điểm.

Cổ phiếu nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 3,4%, sau khi CEO của Nvidia trả lời các phóng viên ở Las Vegas hôm thứ Ba rằng Samsung phải "có một thiết kế mới" để cung cấp chip HBM cho công ty của ông, và nói thêm rằng "họ có thể làm điều đó và họ đang làm việc rất nhanh".

Kết thúc phiên 8/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 102,24 điểm (-0,26%), xuống 39.981,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,52 điểm (+0,01%), lên 3.230,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 167,74 điểm (-0,86%), xuống 19.279,84 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 28,95 điểm (+1,16%), lên 2.521,05 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng và áp lực lên vốn điều lệ của các ngân hàng

Nếu tín dụng hàng năm tăng trưởng ở mức 2 con số thì vốn điều lệ phải tăng trưởng ít nhất ở tỷ lệ tương ứng..>> Chi tiết

- Chọn hàng cho năm mới

Giai đoạn chuyển giao năm cũ và năm mới là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục, chọn cổ phiếu tiềm năng cho năm mới..>> Chi tiết

- Một loạt chính sách liên quan y tế có hiệu lực, SSI Research gọi tên các cổ phiếu kỳ vọng hưởng lợi

Sự thay đổi chính sách y tế liên quan đến đấu thầu đối với thuốc sản xuất chất lượng GMP EU dự kiến sẽ tăng cường đáng kể thị phần của các công ty dược phẩm Việt Nam trong nhóm 1 và 2..>> Chi tiết

- Các ngân hàng trung ương toàn cầu đã đẩy mạnh cắt giảm lãi suất trong tháng 12

Trong tháng 12 vừa qua, các ngân hàng trung ương lớn đã đưa ra hàng loạt động thái nới lỏng chính sách lớn nhất kể từ cơn sốt cắt giảm lãi suất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào mùa xuân năm 2020..>> Chi tiết

Tin bài liên quan