Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 12/5 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 69,70 - 70,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 14,7 USD/ounce lên 1.852,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm nhẹ và giằng co quanh 1.850 USD/ounce cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,42 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.151 đồng/USD, tăng 10 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.950 – 23.230 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 29.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục lao dốc và về 27.500 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,48 USD (-1,40%), xuống 104,23 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,43 USD (-1,33%), xuống 106,08 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
Chứng khoán lao dốc, VN-Index giảm hơn 60 điểm
Với phiên lao dốc ngày hôm nay, thị trường cũng trở lại mức điểm thấp nhất của đợt sụt giảm gần 2 tháng qua ở khu vực 1.240 điểm, tức là mất đi gần 300 điểm (18,9%) so với mức đỉnh thị trường 1.530 điểm. Đây là mức mất điểm tương đối lớn, xấp xỉ bằng những đợt sụt giảm mạnh nhiều năm trước (20-24%).
Tuy nhiên, thị trường xuống không có nghĩa là không có cơ hội, nhiều cổ phiếu đã đến thời điểm mua vào cho chu kỳ 6 tháng – 1 năm bởi đã có mức P/E thấp nhất trung bình 10 năm, bất chấp “thị trường xấu, còn có thể xấu hơn”.
Phiên này, các bluechip trong rổ VN30 có tới 11 mã giảm sàn là PLX, MSN, GVR, SSI, VRE, POW, BVH, TCB, BID, VPB, STB.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, số mã nằm sàn la liệt không thể liệt kê hết và xuất hiện ở tất cả các tất cả các nhóm ngành, nhưng có thể nhắc đến các cổ phiếu như HAG, FLC, GEX, DIG, HQC, VND, LPB, HSG, PVD, ITA, DXG, HNG, DCM, HCM…
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6,4 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 93,77 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 12/5: VN-Index giảm 62,69 điểm (-4,82%), xuống 1.238,84 điểm; HNX-Index giảm 17,51 điểm (-5,26%), xuống 315,52 điểm; UpCoM-Index giảm 2,35 điểm (-2,38%), xuống 96,44 điểm
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall quay đầu lao dốc trong phiên ngày thứ Tư (11/5), với Nasdaq giảm hơn 3%, Dow Jones giảm ngày thứ năm liên tiếp sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ không làm giảm bớt lo lắng của nhà đầu tư về triển vọng nền kinh tế.
Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số CPI lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, đã tăng 6,2% trong tháng 4 vừa qua, cao hơn so với dự báo tăng 6%.
Trên cơ sở mỗi tháng, chỉ số CPI tăng 0,3% và chỉ số CPI cốt lõi tăng 0,6%. Báo hiệu rằng lạm phát có thể đạt đỉnh nhưng áp lực giá có thể sẽ còn tiếp tục tăng.
Nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo mạnh, với cổ phiếu của Meta, Apple, Salesforce và Microsoft giảm từ hơn 3% đến hơn 5%.
Kết thúc phiên 11/5, chỉ số Dow Jones giảm 326,63 điểm (-1,02%), xuống 31.834,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 65,87 điểm (-1,65%), xuống 3.935,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 373,44 điểm (-3,18%), xuống 11.364,24 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai tháng, khi cổ phiếu lớn công nghệ lao dốc theo chân các công ty cùng ngành trên Phố Wall đêm qua.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,77% xuống 25.748,72 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 15/3. Chỉ số Topix giảm 1,19% xuống 1.829,18 điểm.
Shigetoshi Kamada, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu của Tachibana Securities, cho biết: “Thật khó để đặt cược vào chứng khoán Nhật Bản sau khi Nasdaq bị bán tháo trong đêm qua. Chừng nào Fed vẫn tiếp tục thắt chặt chính sách, các nhà đầu tư sẽ vẫn thận trọng về việc đầu tư vào các tài sản rủi ro”.
Cổ phiếu công nghệ lớn SoftBank Group mất 8,03%, kéo lĩnh vực viễn thông giảm 4,06% và trở thành mảng hoạt động kém nhất. Các công ty viễn thông khác như KDDI và SoftBank Corp lần lượt giảm 3,01% và 5,95%.
Các cổ phiếu liên quan đến chip Tokyo Electron và Advantest lần lượt giảm 1,6% và 3,63%. Nền tảng dịch vụ y tế M3 giảm 10,29%.
Toyota Motor, công ty đã cảnh báo về sự sụt giảm lợi nhuận trong năm nay, đã kết thúc giảm 1,54% sau khi giao dịch trong lãnh thổ khả quan. Trái lại, Công ty cùng ngành Mitsubishi Motor tăng 6,18% sau khi dự báo lợi nhuận tăng.
Chứng khoán Trung Quốc giằng co trong suốt cả phiên và đóng cửa giảm nhẹ, do dữ liệu lạm phát Mỹ cao hơn dự báo làm giảm tâm lý rủi ro, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 mới đã giảm và các nhà chức trách liên tục cam kết hỗ trợ nền kinh tế.
Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,12% xuống 3.054,99 điểm. Chỉ số CSI bluechip giảm 0,44% xuống 3.958,74 điểm.
Số trường hợp nhiễm mới Covid-19 ở Trung Quốc tiếp tục giảm, với 1.917 trường hợp mới vào thứ Tư, so với 1.927 ca một ngày trước đó.
Một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ không ngần ngại đưa ra các chính sách mới để thúc đẩy tăng trưởng, nhằm thực hiện các chính sách hiện có trong nửa đầu năm và sẵn sàng thực hiện các bước mới khi cần thiết để ổn định nền kinh tế.
Chứng khoán Hồng Kông lao dốc, với ảnh hưởng mạnh vẫn là nhóm cổ phiếu công nghệ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,24% xuống 19.380,34 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 2,58% xuống 6.594,81 điểm.
Các gã khổng lồ công nghệ giao dịch tại Hồng Kông giảm 3,8%, trong đó Alibaba Group giảm 6,6%, trở thành lực cản lớn nhất với điểm chuẩn Hang Seng.
Một gã khổng lồ thương mại điện tử khác là JD.com Inc giảm 7,8%, khi chi nhánh fintech của họ là JD Technology đã buộc phải trì hoãn đợt IPO trị giá 2 tỷ USD ở Hồng Kông vì chưa được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, trong bối cảnh các cảnh thị trường châu Á khác sụt giảm trên diện rộng do ảnh hưởng từ phiên đêm qua trên phố Wall.
Đóng cửa, KOSPI giảm 42,19 điểm, tương đương 1,63% xuống 2.550,08 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 19/11/2020.
Chỉ số chuẩn này đã giảm phiên thứ tám liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ giữa tháng 8/2021.
Nhà phân tích Huh Jae-hwan tại Eugene Investment & Securities, cho biết lạm phát dường như đã lên đến đỉnh điểm, nhưng CPI lõi lại tăng nhanh, khiến các nhà đầu tư thất vọng rằng sẽ không có gì có thể ngăn được đà thắt chặt tiền tệ.
Trong số cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics và SK Hynix giảm lần lượt 1,22% và 1,36%, LG Energy Solution mất 0,89%. Các nhà khai thác nền tảng Internet như Naver và Kakao lần lượt giảm 3,23% và 5,5%.
Kết thúc phiên 12/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 464,92 điểm (-1,77%), xuống 25.748,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,71 điểm (-0,12%), xuống 3.054,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 444,23 điểm (-2,24%), xuống 19.380,34 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 42,19 điểm (-1,63%), xuống 2.550,08 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Quỹ nước ngoài săn trái phiếu doanh nghiệp tiềm năng
Không thể phủ nhận vai trò kênh dẫn vốn quan trọng của trái phiếu doanh nghiệp và thực tế cho thấy nhiều tổ chức và các định chế tài chính còn đang chạy đua tìm cơ hội bỏ vốn vào doanh nghiệp Việt Nam..>> Chi tiết
- Sửa khiếm khuyết để thị trường trái phiếu phát triển
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bộc lộ khiếm khuyết và rủi ro gia tăng, đòi hỏi khung pháp lý chặt chẽ hơn, nhưng cần tạo điều kiện để thị trường này phát triển..>> Chi tiết
- "Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và có dấu hiệu khởi sắc"
Nhận định trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tại Diễn đàn Dự báo Kinh tế Việt Nam 2022 - 2023 diễn ra sáng 12/5..>> Chi tiết
- Giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt khi Ukraine dừng trung chuyển
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng vọt sau khi đơn vị vận hành hệ thống khí đốt của Ukraine ngắt dòng chảy khí đốt từ Nga..>> Chi tiết