Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 22/6 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 67,75 – 68,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 7,1 USD xuống mức 1.832,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lùi về 1.827 USD/ounce và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,57 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.089 đồng/USD, tăng 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.105 – 23.385 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng ở 20.600 USD, thì sang phiên hôm nay đã hụt hơi và về 20.400 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 5,32 USD (-4,86%), xuống 104,20 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 5,15 USD (-4,49%), xuống 109,50 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index giảm nhẹ
Thị trường mở cửa với đà tăng khá tốt với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán và ngân hàng, nhưng áp lực đè nặng nhóm dầu khí, phân bón, cùng một số mã bluechip như VCB, VNM, VHM, VIC, MSN khiến VN-Index bị đẩy dần về tham chiếu và giằng co trong suốt phần còn lại của phiên.
Nhóm chứng khoán sắc tím gần như phủ khắp, chỉ còn 3 sắc xanh tại VDS, AGR và TVS nhưng cũng có mức tăng mạnh, còn lại đều tăng kịch trần.
Nhóm thép cũng trở lại với sắc tím tại HSG và TNI. Trong khi đó, HPG +3,4%, TLH +4,3%, NKG +5,4%.
Các mã có tính thị trường cũng có sắc tím xuất hiện hàng loạt ở nhóm FLC, Louis, hay HQC, DIG, LDG, GEX, SJF…
Trong khi đó, nhóm dầu khí tiếp tục bị chốt lời, GAS và PVD bị đẩy xuống mức giá sàn. Nhóm phân bón cũng không có gì tích cực hơn phiên sáng khi đồng loạt nằm sàn, ghi nhận phiên giảm sàn thứ 3 và thứ 4 liên tiếp với DPM và DCM.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3,37 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 50,95 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 22/6: VN-Index giảm 3,20 điểm (-0,27%), xuống 1.169,27 điểm; HNX-Index tăng 4,77 điểm (+1,8%), lên 269,39 điểm; UPCoM-Index tăng 0,6 điểm (+0,71%), lên 85,63 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Các chỉ số chính của Phố Wall đã tăng mạnh trong phiên thứ Ba (21/6), khi giới đầu tư gom mua cổ phiếu năng lượng và tăng trưởng megacap sau khi thị trường chứng khoán chao đảo vào tuần trước bởi lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tất cả 11 phân ngành chính của S&P 500 đều tăng điểm, với cổ phiếu phục hồi trên diện rộng sau khi chỉ số này tuần trước ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Phiên này, ngành năng lượng là lĩnh vực tăng điểm hàng đầu trong S&P 500, tăng 5,1% sau khi sụt giảm mạnh vào tuần trước. Mọi lĩnh vực khác đều tăng ít nhất 1%.
Các cổ phiếu Megacap như Apple, Tesla và Microsoft Corp đều tăng mạnh để mang lại lực đẩy tốt nhất nhất cho S&P 500, với Apple tăng 3,3%, Tesla tăng 9,4% và Microsoft tăng 2,5%.
Kết thúc phiên 21/6, chỉ số Dow Jones tăng 641,47 điểm (+2,15%), lên 30.530,25 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 89,95 điểm (+2,45%), lên 3.764,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 270,95 điểm (+2,51%), lên 11.069,30 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, do lo ngại âm ỉ về nguy cơ suy thoái đã đẩy chỉ số tương lai phố Wall suy yếu gây ảnh hưởng.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,37% xuống 26.149,55 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,19% xuống 1.852,65 điểm.
Thị trường chịu ảnh hưởng từ việc chỉ số e-mini tương lai của Mỹ lần cuối giảm 1,14%, sau khi chỉ số S&P 500 tăng 2,45% qua đêm.
Những người tham gia thị trường nói rằng, cho đến khi có xác nhận rằng lạm phát của Mỹ đạt đỉnh, thì rủi ro rằng việc thắt chặt chính sách của Fed có thể gây ra suy thoái kinh tế sẽ khiến thị trường chứng khoán trở nên ảm đạm.
Phiên này, cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô nằm trong số những cổ phiếu tăng, với đồng yên đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD, với Toyota tăng 0,82% và Nissan tăng 2,24%, Mitsubishi Motors tăng 7,11%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, do thời tiết khắc nghiệt ở một số vùng đã làm tăng thêm sự không chắc chắn cho sự phục hồi kinh tế sau cú sốc Covid-19.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,2% xuống 3.267,2 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip mất 1,27% xuống 4.270,62 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính giảm 1,48%, ngành tiêu dùng giảm 0,54% và bất động sản giảm 1,65%.
Các đợt nắng nóng ở miền bắc và miền trung Trung Quốc đã đẩy nhu cầu điện lên mức kỷ lục, trong khi nước lũ ở các ngôi làng phía nam nhấn chìm và người dân nhiều thành phố bị mắc kẹt.
Trong khi một số nhà đầu tư lo lắng rằng, lũ lụt có thể dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, một cuộc khảo sát mới nhất của UBS đối với 507 giám đốc điều hành cấp cao của công ty được thực hiện vào tháng 4 và tháng 5 cho thấy sự gián đoạn do Covid-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực hơn đến hoạt động kinh doanh vào năm 2021.
Chứng khoán Hồng Kông lao dốc, khi có các dấu hiệu siết chặt quản lý mới đối với các công ty công nghệ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,56% xuống 21.008,34 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 2,84% xuống 7.335,00 điểm.
Lĩnh vực công nghệ là một trong những ngành giảm mạnh nhất, khi mất 4,37%, sau khi các nhà quản lý tìm kiếm ý kiến cộng đồng về khả năng cấm các nền tảng thương mại điện tử dược phẩm của bên thứ ba bán thuốc trực tuyến.
Theo đó, các cổ phiếu của nhà điều hành nền tảng thương mại điện tử dược phẩm như Alibaba Health Information giảm 13,85%, JD Health International Inc giảm 14,84%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, năm 2020 do tâm lý nhà đầu tư vẫn mong manh lo ngại về suy thoái kinh tế.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 66,12 điểm, tương đương 2,74% xuống 2.342,81 điểm.
“Đó là một cái gì đó tương tự như bán hoảng loạn trong bối cảnh tâm lý suy yếu, mặc dù giá cổ phiếu đã rơi vào vùng bị bán quá mức”, nhà phân tích Huh Jae-hwan của Eugene Investment and Securities cho biết.
Trong tổng số 930 cổ phiếu được giao dịch trên KOSPI, chỉ có 40 cổ phiếu tăng giá.
Kết thúc phiên 22/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 96,76 điểm (-0,37%), xuống 26.149,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 39,52 điểm (-1,20%), xuống 3.267,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 551,25 điểm (-2,56%), xuống 21.008,34 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 66,12 điểm (-2,74%), xuống 2.342,81 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Tỷ giá: Áp lực vẫn chưa được hóa giải
Nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế đang “ủng hộ” cho xu hướng tăng giá của đồng USD so với VND..>> Chi tiết
- Giao dịch phái sinh đạt khối lượng khủng, tín hiệu gì cho chứng khoán cơ sở?
Hiện có 1 tín hiệu kỹ thuật đáng tin cậy từ diễn biến của thị trường chứng khoán phái sinh theo giá và khối lượng giao dịch: Trong diễn biến thị trường giảm điểm, kết hợp với đó là sự chán nản của nhà đầu tư, thời điểm Khối lượng giao dịch tại thị trường phái sinh tăng đột biến và cao hơn lịch sử thì thị trường cho tín hiệu tạo đáy ngắn hạn..>> Chi tiết
- Rủi ro lướt sóng
Thị trường liên tục “đỏ lửa” khiến chiến thuật đầu tư bắt đáy trong những phiên rơi điểm mạnh để “ăn” T+3 của nhiều nhà đầu tư thất bại..>> Chi tiết
- Minh bạch thông tin để bảo vệ và thu hút nhà đầu tư
Để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững, việc tạo lập “sân chơi” công bằng, bình đẳng, tạo được niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư là yêu cầu quan trọng..>> Chi tiết
- Giữa bão giá toàn cầu, một số quốc gia vẫn có lạm phát thấp
Đối mặt với sự bất bình của dư luận về chi phí sinh hoạt, các nhà hoạch định chính sách muốn chỉ ra rằng giá cả tăng cao là một hiện tượng toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó không hẳn diễn ra ở một số nước phương Đông..>> Chi tiết