Thị trường tài chính 24h: Thị trường chứng khoán vẫn chưa thực sự lạc quan

Thị trường tài chính 24h: Thị trường chứng khoán vẫn chưa thực sự lạc quan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng gần 20 điểm; Lợi nhuận ngân hàng bứt phá trong quý II; Lo ngại kéo - xả; Thích nghi với “dòng tiền hẹp”; Thị trường có mức chiết khấu lớn: Lọc cơ hội; Châu Á bất ổn vì khủng hoảng năng lượng…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 12/7 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 67,65 – 68,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 8,9 USD xuống mức 1.733,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích nhẹ lên 1.835 USD/ounce và đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 108,35 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.183 đồng/USD, tăng 13 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.240 – 23.520 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm mạnh và thủng 20.000 USD, thì sang phiên hôm nay tiếp tục lùi bước và giảm về gần 19.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,57 USD (-2,47%), xuống 101,52 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,33 USD (-2,18%), xuống 104,77 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng mạnh

Về tổng thể thị trường, phiên tăng điểm hôm nay là động thái tích cực, tuy nhiên về bản chất thì thị trường vẫn chưa lấy được lại những gì đã mất sau 2 phiên giảm điểm vừa qua. Về mặt kỹ thuật thì phiên hôm nay mới chỉ là một tốt sau khi VN-Index rơi khỏi đáy 16 tháng trong tuần trước.

Thị trường vẫn chưa thực sự lạc quan khi thanh khoản duy trì ở mức thấp, khoảng 10.000 tỷ đồng/phiên cho thấy vẫn nhiều tài khoản đứng ngoài thị trường. Nếu có gì đáng nói trong phiên hôm nay thì chính là số mã tăng trần, ngoài mã lớn như GVR thì đa số là các mã thị trường đã có đà giảm rất mạnh trước đây như FIT, DLG, HQC, ITA…

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 10,33 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 331,33 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 12/7: VN-Index tăng 19,53 điểm (+1,69%), lên 1.174,82 điểm; HNX-Index tăng 5,06 điểm (+1,83%), lên 281,99 điểm; UPCoM-Index tăng 0,53 điểm (+0,62%), lên 86,78 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall suy yếu trong phiên ngày thứ Hai (11/7), do thị trường thiếu đi thông tin xúc tác và giới đầu tư thận trọng với dữ liệu lạm phát sắp được công bố và mùa báo cáo kết quả kinh doanh chuẩn bị bắt đầu.

Theo đó, giới đầu tư đang chờ đợi những ngày cuối tuần với một loạt dữ liệu kinh tế được công bố, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tháng 6, qua đó, sẽ cung cấp cái nhìn sơ lược về mức độ lạm phát để đánh giá khả năng Fed có tăng thêm lãi suất 0,75% lần thứ hai liên tiếp hay không.

Ngoài ra, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II sắp khởi động cũng khiến tâm lý thị trường thận trọng hơn, với báo cáo từ PepsiCo và Delta Air Lines vào ngày 12 và 13/7, tiếp theo là nhóm ngân hàng JPMorgan Chase, Morgan Stanley, Wells Fargo và Citigroup dự kiến công bố vào cuối tuần.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Dow Jones giảm 164,31 điểm (-0,52%), xuống 31.173,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 44,95 điểm (-1,15%), xuống 3.854,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 262,71 điểm (-2,26%), xuống 11.372,60 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các trường hợp nhiễm mới Covid-19 gia tăng, dấy lên lo ngại về suy thoái và gây ra đợt bán diện rộng ngay từ phiên sáng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,77% xuống 26.336,66 điểm. Chỉ số Topix mất 1,64% xuống 1.883,30 điểm.

Một nhà môi giới chứng khoán trong nước cho biết, thị trường đã dư mua trong phiên trước dù không có bất kỳ yếu tố tích cực nào từ bên ngoài. Nhưng sự lây lan ngày càng tăng của Covid-19 đã làm tăng thêm lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu. Với tình hình này, chứng khoán Nhật Bản, vốn rất nhạy cảm về kinh tế, chắc chắn sẽ suy yếu”.

Nhật Bản đã báo cáo 54.993 trường hợp nhiễm mới Covid-19 vào thứ Hai, theo dữ liệu chính thức của chính phủ, tăng từ 16.791 một tuần trước đó.

Phiên này, nhóm cổ phiếu công nghệ và chế tạo tác động mạnh lên chỉ số, trong đó nhà sản xuất linh kiện điện tử TDK giảm mạnh nhất, mất 5,14%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi các quy định nghiêm ngặt chống dịch Covid-19 ở Thượng Hải làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nền kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,97% xuống 3.281,47 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip mất 0,94% xuống 4.313,62 điểm.

Chỉ số phụ ngành tài chính giảm 0,17%, ngành tiêu dùng giảm 0,81% và chăm sóc sức khỏe giảm 3,17%.

Cư dân ở trung tâm tài chính Thượng Hải ngày càng lo lắng về đợt bùng phát Covid-19 dai dẳng gây ra hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày, chỉ vài tuần sau khi lệnh phong tỏa thành phố kéo dài hai tháng được dỡ bỏ vào tháng trước.

“Các hoạt động kinh tế đang bắt đầu suy thoái từ đáy tháng Tư, nhưng chúng tôi có xu hướng tin rằng con đường phục hồi sẽ từ từ, nhưng sẽ gập ghềnh hơn so với sự phục hồi hình chữ V vào năm 2020,” Edmond Huang, trưởng nhóm nghiên cứu Hồng Kông và Trung Quốc tại Credit Suisse cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các nhà đầu tư trở nên lo lắng sau báo cáo của Bloomberg về rủi ro hủy niêm yết có thể xảy ra đối với các công ty Trung Quốc và Hồng Kông từ các sàn giao dịch của Mỹ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,32% xuống 20.844,74 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,77% xuống 7.191,64 điểm.

Các quan chức của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc trong tuần qua đã kêu gọi các cuộc đàm phán sâu rộng hơn nhằm giữ khoảng 200 mã chứng khoán Trung Quốc không bị hủy niêm yết trên các sàn giao dịch ở New York.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do ảnh hưởng bởi những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu xuất phát từ sự bùng phát mạnh dịch Covid-19 tại Trung Quốc và tình tình căng thẳng năng lượng của châu Âu.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 22,51 điểm, tương đương 0,96% xuống 2.317,76 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, công ty công nghệ khổng lồ Samsung Electronics giảm 1,19% và SK Hynix mất 0,43%, nhưng nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 1,52%.

Kết thúc phiên 12/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 475,64 điểm (-1,77%), xuống 26.336,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 32,12 điểm (-0,97%), xuống 3.281,47 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 279,46 điểm (-1,32%), xuống 20.844,74 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 22,51 điểm (-0,96%), xuống 2.317,76 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lợi nhuận ngân hàng bứt phá trong quý II

Thời điểm này, đã có một số ngân hàng cho biết kết quả kinh doanh quý II/2022 với nhiều gam sáng khi tín dụng tăng trưởng..>> Chi tiết

- Lo ngại kéo - xả

Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ, thể hiện rõ tình trạng khan tiền và tâm lý phòng thủ của nhiều nhà đầu tư..>> Chi tiết

- Thích nghi với “dòng tiền hẹp”

Tuần đầu tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại với sắc xanh, tạo tâm lý tích cực hơn với nhiều nhà đầu tư..>> Chi tiết

- Thị trường có mức chiết khấu lớn: Lọc cơ hội

So với vùng đỉnh, nhiều cổ phiếu đang có mức chiết khấu giá sâu, định giá ở mức hấp dẫn..>> Chi tiết

- Châu Á bất ổn vì khủng hoảng năng lượng

Xăng dầu, khí đốt, điện trở nên khan hiếm và giá tăng vọt khiến nhiều nước châu Á đương đầu với những thách thức cả về kinh tế lẫn chính trị..>> Chi tiết

Tin bài liên quan