Thị trường tài chính 24h: Thêm nhiều cánh tay “bắt dao rơi“

Thị trường tài chính 24h: Thêm nhiều cánh tay “bắt dao rơi“

(ĐTCK) VN-Index thu hẹp đà giảm nhờ lực mua mạnh cuối phiên; Bitcoin và vàng trật nhịp vì Covid-19; Cần bình tĩnh trước sức “công phá” của Covid-19; Nhận diện “lái” và “tạo lập“ thị trường; Ủy ban Chứng khoán đề xuất giảm phí giao dịch chứng khoán; Chứng khoán châu Á thêm một phiên bị bán ồ ạt; Chìa khóa giúp Nga sống sót trong cuộc chiến giá dầu với Ả Rập Xê-út...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Thị trường vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 13/3 giảm 1,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng mạnh trở lại 850.000 đồng/lượng chiều mua vào và 650.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 46,45 – 47,17 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 59,4 USD xuống 1.575,4 USD/ounce, thì sang phiên châu Á sáng nay đã dần hồi phục và về gần 1.588 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,16% lên 97,62 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.212 đồng, tăng 15 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.150 - 23.290 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,60 USD (+5,08%), lên 33,10 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,51 USD (+4,29%), lên 36,71 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index thu hẹp đáng kể đà giảm nhờ dòng tiền liều lĩnh bắt đáy

Sau màn lao dốc mạnh trong nửa đầu phiên sáng, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp thị trường bật ngược đi lên, đã giúp giới đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm lội ngược dòng.

Đúng như dự đoán, ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh và lan tỏa giúp VN-Index tăng vọt, mặc dù có những nhịp rung mạnh, nhưng đóng cửa VN-Index đã thu hẹp đáng kể đà giảm, chỉ còn mất hơn 7 điểm.

Trong nhóm VN30, nhiều mã đã tìm lại sắc xanh như VIC, TCB, STB, REE, POW, NVL, MBB, HDB, FPT, CTG; cùng VRE, VHM và VJC lấy lại mốc tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã đảo ngược tình thế khi tìm lại sắc xanh như FLC, DLG, ITA, hay TSC, ATG được kéo lên kịch trần. Cổ phiếu AMD có phiên tăng trần thứ 10 liên tiếp.

Tính chung trên toàn thị trườngnhà đầu tư nước ngoài bán ròng 32,21 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 711,95 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 13/3: VN-Index giảm 7,47 điểm (-0,97%), xuống 761,78 điểm; HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,52%), xuống 101,38 điểm; UpCoM-Index giảm 0,43 điểm (-0,85%), xuống 50,49 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Sự lây lan nhanh của virus Corona (Covid-19) gây lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến giới đầu tư sợ hãi đồng loạt bán tháo ồ ạt trong phiên thứ Năm.

Việc Mỹ hạn chế đi lại từ châu Âu, cũng như đình chỉ các trận đấu thể thao, các nhà hàng đóng cửa hoặc lác đác vài khách khiến giới đầu tư cho rằng, không phải suy đoán về liệu kinh tế có suy thoái hay không, mà là suy thoái sâu đến mức nào.

Với mức giảm gần 10% của Dow Jones và hơn 9,5% của S&P trong phiên thứ Năm, chính là mức giảm tồi tệ nhất trong 3 thấp kỷ, kể từ phiên sụp đổ 19/10/1987, hay còn được gọi là “thứ Hai đen” khi Dow Jones mất 22,6%.

Kết thúc phiên 12/3, chỉ số Dow Jones giảm 2.352,60 điểm (-9,99%), xuống 21.200,62 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 260,74 điểm (-9,51%), xuống 2.480,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 750,25 điểm (-9,43%), xuống 7.201,80 điểm.

Chứng khoán châu Á thu hẹp đà giảm, nhưng số điểm bị mất vẫn rất lớn

Chứng khoán Nhật Bản có thêm một phiên bán tháo, mặc dù có nhiều thời điểm dòng tiền tham lam đã nhập cuộc, kéo chỉ số chính hãm bớt đà giảm về cuối phiên.

Chỉ số Nikkei 255 có thời điểm đã giảm 10,1% xuống mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi qua, trước khi đóng cửa mất 6,08% xuống 17.431,05 điểm.

Trong tuần, chỉ số này giảm 15,99%, tuần tồi tệ thứ 2 lịch sử kể từ tuần giảm 24,33% vào đầu tháng 10/2008.

Chỉ số Topix giảm 4,98% xuống 1.261,7 điểm, với giá trị giao dịch đạt 4,89 nghìn tỷ yên, mức cao nhất trong hơn 2 năm.

“Cảm giác hoảng loạn, các nhà đầu tư đã quay sang bán tất cả mọi thứ có thể, ngay cả những tài sản không bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19, bỏ qua tất cả các nguyên tắc cơ bản”, Takuya Hozumi, chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết.

Thông tin thế vận hội Olympic có thể bị hoãn cũng giáng thêm một đòn đau đến thị trường với ước tính việc này xảy ra thì lợi nhuận các công ty Nhật Bản sẽ giảm trung bình 24%.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho biết Nikkei 225 hiện được giao dịch ở mức khoảng 80% giá trị sổ sách, gần với mức thấp trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-09, làm tăng hy vọng rằng thị trường có thể ở rất gần mức đáy.

Đáng chú ý, ông lớn SoftBank đã giảm 5% mặc dù đã công bố mua lại lượng cổ phiếu trị giá 500 tỷ yên, tương đương 4,7 tỷ USD, bắt đầu vào thứ Hai tuần tới.

Chứng khoán Trung Quốc cũng giảm theo các thị trường toàn cầu, sau khi một cuộc khủng hoảng niềm tin được kích hoạt bằng nỗi sợ hãi về sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 trên toàn thế giới.

Mặc dù vậy, cũng như những phiên gần đây, thị trường Trung Quốc không giảm sâu như các thị trường khác, nhờ sự bùng phát virus corona đã được kiểm soát và kỳ vọng về các chính sách hỗ trợ từ Bắc Kinh.

Shanghai Composite có thời điểm giảm 4,2% trước khi giảm 1,23% xuống 2.887,43 điểm khi đóng cửa. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 1,41% xuống 3.895,31 điểm, và có thời điểm mất 4,7%.

Trong tuần, SSEC đã giảm 4,8%, còn CSI300 giảm 5,9%.

Chứng khoán Hồng Kông có thời điểm rơi vào thị trường con gấu, trước khi thoát ra được về cuối phiên.

Trong phiên sáng, Hang Seng-Index đã giảm tới 7,4%, ghi nhận mức giảm 20% so với mức đỉnh thiết lập vào 9/4/2019, trước khi đóng cửa giảm 1,1% nhờ lực cầu bắt đáy.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm sâu, thậm chí có thời điểm đã lùi về ngưỡng thấp nhất trong 10 năm, do sự hoảng loạn về dịch Covid-19 gây áp lực bán tháo.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết, ủy ban gồm bảy thành viên đang thảo luận về việc có nên tổ chức đánh giá để cắt giảm lãi suất chính sách xuống mức thấp kỷ lục mới hay không. Ngân hàng trung ương nước này đã không thực hiện cắt giảm lãi suất khẩn cấp kể từ tháng 10/2008.

Kết thúc phiên 13/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1.128,58 điểm (-6,08%), xuống 17.431,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 36,06 điểm (-1,23%), xuống 2.887,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 276,16 điểm (-1,14%), xuống 24.032,91 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 62,89 điểm (-3,43%), xuống 1.771,44 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Bitcoin và vàng trật nhịp vì Covid-19

Có 2 loại tài sản trú ẩn thường được tìm tới mỗi khi thị trường chứng khoán rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đó là vàng và Bitcoin. Nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, 2 loại tài sản này đã không cùng sánh bước..>> Chi tiết

Cần bình tĩnh trước sức “công phá” của Covid-19

Lao dốc, hồi nhẹ, rồi lại lao dốc, đó là diễn biến của thị trường chứng khoán trong các phiên giao dịch vừa qua. Đây là đợt lao dốc thứ ba kể từ ngày 28/1, do tác động của dịch Covid-19..>> Chi tiết

Nhận diện “lái” và “tạo lập“ thị trường

Ðịnh nghĩa tạo lập thị trường, theo quy chuẩn, đơn thuần là thành viên cung ứng thanh khoản. Phần thưởng của MM là chênh lệch giữa giá mua và giá bán..>> Chi tiết

Ủy ban Chứng khoán đề xuất giảm phí giao dịch chứng khoán

Để chia sẻ khó khăn với các thành viên thị trường trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết sẽ báo cáo Bộ Tài chính xem xét cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán..>> Chi tiết

Chìa khóa giúp Nga sống sót trong cuộc chiến giá dầu với Ả Rập Xê-út

Các nhà phân tích tại Bank of America và Raiffeisenbank nhận định, chi phí sản xuất thấp, hệ thống thuế linh hoạt và tỷ giá hối đoái thả nổi là những yếu tố sẽ giúp Nga sống sót cuộc chiến giá cả trên thị trường dầu mỏ, Bloomberg cho biết..>> Chi tiết

Tin bài liên quan